1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bạn bè Mỹ ủng hộ đoàn nạn nhân chất độc da cam Việt Nam

(Dân trí) - Ngay từ những ngày đầu đặt chân tới Mỹ, đoàn nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) <a href="http://dantri.com.vn/Sukien/2007/6/182668.vip">đi đòi công lý</a> đã nhận được sự ủng hộ nồng hậu của một số bạn bè Mỹ và bà con Việt kiều. Bên cạnh đó, nhiều cơ quan thông tấn Mỹ cũng đưa tin hoạt động của đoàn.

Ông Hoàng Công Thuý, Phó trưởng đoàn nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đang ở Mỹ cho biết: Khi đến Mỹ, mọi hoạt động của đoàn đều diễn ra khá suôn sẻ do có sự ủng hộ của một số bạn bè Mỹ và bà con Việt kiều.

 

Đúng như kế hoạch đặt ra từ trước, đoàn đã có cuộc tuần hành từ San Francisco đi New York và Washington. Mặc dù tham gia liên tục các hoạt động, nhưng các thành viên trong đoàn khá khoẻ mạnh. Tinh thần của ông Nguyễn Văn Quý và bà Nguyễn Thị Hồng khá phấn chấn và họ cho biết sẽ cố gắng tham gia tất cả các hoạt động của đoàn.

 

Ông Thúy cho biết thêm, ngay khi đoàn đến Mỹ, nhiều đài truyền hình, đài phát thanh của Mỹ đã đưa tin về hoạt động của đoàn. Đặc biệt, Đài truyền hình PBS của Mỹ đã phát sóng chương trình phóng sự được thực hiện tại Việt Nam về hậu quả chất độc da cam.

 

Bên cạnh đó, trả lời phỏng vấn của các cơ quan thông tấn, các thành thành viên trong đoàn đã nói về hậu quả của chất độc da cam/dioxin đối với bản thân, con cái họ và những nạn nhân khác đang ở Việt Nam. Qua đó, các thành viên trong đoàn bày tỏ mong muốn, quyết tâm đấu tranh tới cùng phản đối phán quyết của thẩm phán Weinstein, yêu cầu Toà án phúc thẩm số 2 Hoa Kỳ vì công lý và lẽ phải, buộc các công ty hoá chất đã cung cấp chất da cam/dioxin cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh tại Việt Nam phải bồi thường thoả đáng cho các nạn nhân.

 

Ngoài ra, đoàn đã gặp các bạn bè Mỹ ở Hội Cựu chiến binh Vì hoà bình, Đoàn kết vì Hoà bình và Công lý, Cựu chiến binh chống chiến tranh. Đồng thời có các hoạt động kêu gọi Toà án Mỹ phán quyết công bằng, kêu gọi nhân dân Mỹ, giới truyền thông ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam… “Nhiều người dân Mỹ tận mắt nhìn thấy các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã rất cảm động, có người không cầm được nước mắt” - ông Thúy nói.

 

Ông Hoàng Công Thúy cho biết, theo nhận định của một số bạn bè Mỹ, tình hình vụ kiện là khả quan. Theo ông, không có lý do gì để Toà án bác bỏ nguyện vọng chính đáng của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, trong khi trước đó họ đã xử các công ty hoá chất bồi thường cho cựu chiến binh Mỹ bị phơi nhiễm dioxin.

 

Tuy vậy, hành trình đi tìm công lý sẽ còn kéo dài và đòi hỏi nhiễu nỗ lực của các thành viên.

 

Tại Việt Nam, Luật gia Việt Nam cũng có nhiều hoạt động ủng hộ chuyến sang Mỹ tham gia vụ tranh tụng của đoàn nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Sáng nay, 14/6, Hội Luật gia Việt Nam mít-tinh ủng hộ vụ kiện các công ty hoá chất Mỹ của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam với sự tham gia của hàng ngàn người. Hội Luật gia Việt Nam tuyên bố cực lực phản đối phán quyết của thẩm phán Weinstein, yêu cầu Toà án phúc thẩm số 2 Hoa Kỳ vì công lý và lẽ phải, buộc các công ty hoá chất đã cung cấp chất da cam/dioxin cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh tại Việt Nam phải bồi thường thoả đáng cho các nạn nhân.

 

Tiến trình vụ kiện

 

- Bên nguyên trình đơn kiện đầu tiên lên tòa án Liên bang Mỹ ngày 30/1/2004

 

- Hội nghị tiền xét xử lần thứ nhất ngày 18/3/2004

 

- Hội nghị tiền xét xử lần thứ hai ngày 18/6/2004

 

- Luật sư bên nguyên trình Tòa đơn kiện sửa đổi ngày 13/9/2004

 

- Bên bị trình tòa văn bản tranh tụng đợt 1 ngày 3/11/2004

 

- Tuyên bố quan tâm của Chính phủ Mỹ ngày 12/1/2005

 

- Bên bị trình tòa văn bản tranh tụng đợt 2 ngày 18/1/2005

 

- Tranh tụng tại tòa sơ thẩm ngày 28/2/2005

 

- Tòa án Mỹ ra quyết định (233 trang) ngày 10/3/2005

 

- Tòa án Mỹ ra quyết định sửa đổi (234 trang) ngày 28/3/2005

 

- Bên nguyên kháng nộp văn bản kháng cáo chính thức lên tòa phúc thẩm ngày 30/9/2005

 

- Bên bị kháng nộp các văn bản trả lời ngày 6/2/2006

 

- Văn bản của Chính phủ Mỹ ủng hộ bị kháng. Văn bản của Phòng thương mại Mỹ ủng hộ bị kháng ngày 15/2/2007

 

- Bên nguyên kháng nộp văn bản trả lời bên bị kháng ngày 18/4/2006

 

- Tranh tụng tại tòa phúc thẩm 18/6/2007

Theo VnExpress

 

Hồng Hải

Dòng sự kiện: Nạn nhân da cam sang Mỹ