"Bạn ăn cơm chưa?"- Câu hỏi của Bộ trưởng và lời đáp bất ngờ từ Giám đốc WB
(Dân trí) - Festival lúa gạo và tôm vừa khép lại. Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sắp hoàn thành. Những sự kiện đặc biệt mang lại cơ hội mới cho ĐBSCL, như câu hỏi gợi mở của Bộ trưởng NN&PTNT mới đây...
"Hạt gạo tình thân" mở ra con đường lớn
"Bạn ăn cơm chưa?" - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan mở đầu bài phát biểu của mình tại lễ khai mạc Festival lúa gạo Quốc tế được tổ chức ở tỉnh Hậu Giang. Câu hỏi rất thật và dung dị nhưng cũng rất bất ngờ khơi gợi sự chú ý của người dân cũng như quan khách trong và ngoài nước tại sự kiện này.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, "bạn ăn cơm chưa?" không chỉ là câu hỏi, không chỉ là lời mời mà còn là lời chào hỏi đậm chất văn hóa, đầy thân thiết của người Việt.
Sau câu hỏi của người đứng đầu Bộ Nông nghiệp, bà Carolyn Turk, Giám đốc Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam, đáp lại rất thân mật bằng tiếng Việt: "Cơm Việt Nam rất ngon!". Câu trả lời của người đứng đầu ngân hàng thế giới cũng là lời khẳng định về chất lượng hạt gạo Việt Nam.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong rằng "Hạt gạo Việt Nam - Hạt gạo tình thân" luôn là khẩu phần quen thuộc trong từng bữa cơm ngon lành, vui vẻ của người người, nhà nhà khắp nơi trên thế giới.
Theo Bộ trưởng, nhiều thập niên về trước, "chạy gạo từng bữa" từng là nỗi lo toan thường nhật. Giờ đây, "cây lúa hôm nay" mở ra "đường lớn": đưa Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu hàng đầu về sản lượng và cả chất lượng. Gạo Việt Nam được vinh danh trong nhóm gạo ngon nhất thế giới.
Thành tựu này ghi nhận sự đóng góp miệt mài, cần mẫn của bao người gắn bó với cây lúa quê hương. Từ người nông dân, hợp tác xã trực tiếp sản xuất, các chuyên gia, nhà khoa học, các thương lái xuôi ngược khắp nơi đến cộng đồng doanh nghiệp… cùng hàng loạt cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, đã đánh thức tiềm lực của ngành hàng lúa gạo.
Thông điệp của Thủ tướng với đề án 1 triệu ha lúa
Một trong những điểm nhấn tại Festival lúa gạo là Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030".
Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, đề án này được xây dựng dựa trên các yếu tố cơ bản: đảm bảo diện tích lúa phát triển bền vững ở khu vực ĐBSCL; giảm phát thải khí nhà kính và cuối cùng là tạo phúc lợi cho nông dân trồng lúa.
Ngay tại lễ phát động, bà Carolyn Turk đã cam kết, WB đồng hành và hỗ trợ cho các tỉnh ĐBSCL, Bộ NN&PTNT trong quá trình triển khai thực hiện Đề án. Cùng với đó, tổ chức này sẽ hỗ trợ các cơ chế để Việt Nam có thể tham gia thị trường carbon tự nguyện nhằm sử dụng nguồn tài chính bền vững tiếp tục đầu tư cho các hoạt động phát triển và hỗ trợ sinh kế cho người dân.
Thông điệp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi đến Festival nhấn mạnh: "Việt Nam là nước đầu tiên xây dựng, phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp, góp phần nâng cao đời sống tinh thần nhân dân. Đây cũng là nhiệm vụ mang tính toàn dân, toàn cầu; thể hiện Việt Nam có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong chống biến đổi khí hậu khi xây dựng một nền nông nghiệp phát thải thấp".
Đề án nêu, để đầu tư xây dựng vùng chuyên canh 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải khí nhà kính cho vùng ĐBSCL, dự thảo đề án dự kiến giai đoạn 2023-2030 sẽ dành 625 triệu USD, tương đương khoảng 15.000 tỷ đồng hỗ trợ thực hiện các hoạt động như: San phẳng đồng ruộng, khai thác rơm rạ và các chi phí khác...
Trong đó, vốn ngân sách nhà nước thực hiện đề án được lồng ghép trong các chương trình, dự án của trung ương và địa phương khoảng 3.750 tỷ đồng, mục đích chính là đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng ở vùng liên kết sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ và khuyến nông.
Bên cạnh đó là hàng loạt các hoạt động về đào tạo cho đội ngũ cán bộ hợp tác xã, nhất là cán bộ trẻ, phát triển mô hình nhân viên của doanh nghiệp liên kết tham gia ban quản trị hợp tác xã; tập huấn cho bà con nông dân về quy trình sản xuất tốt, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và các kỹ năng ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất…
Ngành sản xuất tỷ USD "con tôm ôm cây lúa"
Cũng trong tuần qua tại Cà Mau diễn ra Festival Tôm và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm thế mạnh) Đồng bằng sông Cửu Long 2023.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, Cà Mau có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo, sông nước thuận lợi cho việc nuôi tôm. Thủ tướng hoan nghênh địa phương tổ chức Festival Tôm năm 2023.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao sáng kiến của tỉnh Cà Mau khi tổ chức sự kiện. Phó Thủ tướng cho biết, xuất khẩu tôm của Việt Nam lớn thứ hai thế giới với khoảng 3,6 tỷ USD, trong đó, chỉ riêng tỉnh Cà Mau đã đóng góp hơn 1 tỷ USD.
Ngành tôm Cà Mau đã khẳng định được vị thế trên thị trường thế giới, xuất khẩu sang hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngoài nuôi siêu thâm canh còn có những mô hình nuôi bền vững ít nơi nào có được như tôm - rừng, tôm - lúa đạt tiêu chuẩn sinh thái, hữu cơ.
Ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết địa phương luôn xác định thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn. Tỉnh tận dụng lợi thế về tài nguyên biển và rừng để tập trung phát triển các loại hình nuôi tôm sinh thái, tôm hữu cơ... Con tôm đã trở thành sản phẩm không thể tách rời trong đời sống vật chất và tinh thần của người dân địa phương.
Hằng năm, tổng sản lượng thủy sản của Cà Mau đạt trên 600 nghìn tấn. Trong đó, tôm đạt hơn 250.000 tấn. Sản phẩm tôm Cà Mau đã chinh phục nhiều thị trường khó tính bằng uy tín và chất lượng khi có mặt trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ với 4 thị trường chủ lực là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và EU.
"Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn Kết nối sản phẩm OCOP ĐBSCL là sự kiện văn hóa, kinh tế, du lịch rất ý nghĩa, nhằm tôn vinh những nông dân gắn bó với nghề nuôi tôm, những người góp phần đưa mặt hàng chủ lực của tỉnh vươn ra thế giới cũng như lời tri ân đến người tiêu dùng…
Mong rằng qua sự kiện này, thương hiệu tôm Cà Mau, sản vật tiềm năng của Cà Mau và các địa phương ĐBSCL, sẽ vươn xa hơn. Cà Mau cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhà đầu tư có cơ hội tìm hiểu, tham gia phát triển sản xuất - kinh doanh ở địa phương", ông Huỳnh Quốc Việt khẳng định.
Toàn tỉnh Cà Mau có khoảng 40.000ha làm mô hình "con tôm ôm cây lúa", tập trung tại các huyện U Minh, Thới Bình và Cái Nước. Đây là một trong những mô hình được đánh giá bền vững. Người dân nuôi tôm sú hoặc tôm càng trong mấy tháng đầu năm, đến những tháng mưa người dân cải tạo lại đất để làm vụ lúa.