Bán 20 triệu cổ phần có ảnh hưởng tới thu hồi tài sản của ông Hà Văn Thắm?
(Dân trí) - Cơ quan thi hành án sẽ trao đổi, phối hợp với VKSND TP Hà Nội để làm rõ khiếu nại về việc chuyển nhượng 20 triệu cổ phần của Công ty cổ phần Khách sạn và Dịch vụ OCH đang gây ồn ào dư luận.
Thông tin từ Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội cho biết, Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương (OGC) không có văn bản trao đổi với cơ quan này về việc sử dụng 20 triệu cổ phần của Công ty cổ phần Khách sạn và Dịch vụ OCH (công ty con) để chuyển nhượng.
Điều đáng nói là việc này diễn ra ngay trước thời điểm Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội tiến hành các thủ tục để bán đấu giá, thu hồi tài sản đang bị kê biên liên quan đến ông Hà Văn Thắm - cựu Chủ tịch Tập đoàn Đại Dương. Số tài sản sắp đấu giá gồm: 68.779.140 cổ phiếu đứng tên Doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo (ông Thắm là chủ doanh nghiệp) tại Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương; 3.333.333 cổ phiếu đứng tên Hà Văn Thắm tại Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương.
Sau khi nhận được đơn thư tố cáo của nhóm cổ đông sở hữu 21,5% vốn điều lệ Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương phản ứng việc bán 20 triệu cổ phần nói trên, Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội dự kiến sẽ phối hợp với VKSND TP Hà Nội để cùng vào cuộc giải quyết.
Trong đó sẽ làm rõ việc chuyển nhượng này có đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, hoạt động thi hành án, cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của các cổ đông liên quan như phản ánh hay không?
Được biết, nhóm cổ đông nói trên cũng đã có văn bản gửi tới Bộ Công an đề nghị vào cuộc xem xét giải quyết sự việc này.
Chiều 21/9, lãnh đạo Bộ Tư pháp cho biết sẽ giao Tổng cục Thi hành án dân sự vào cuộc rà soát kỹ lưỡng lại vụ việc với tinh thần “làm đúng pháp luật để không sai phạm”.
3 năm có lãi sau nhiều năm thua lỗ
Mới đây, Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM có văn bản gửi Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương cho rằng, 6 tháng đầu năm 2020 công ty tiếp tục có lãi nhưng lỗ luỹ kế nhiều (lỗ 2.722,01 tỷ đồng trên 3.000 tỷ đồng vốn góp chưa bao gồm ảnh hưởng của các vấn đề ngoại trừ). Những vấn đề ngoại trừ trên báo cáo tài chính soát xét tồn tại đã lâu vẫn chưa được công ty khắc phục.
Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM đề nghị OGC giải trình tình hình thực hiện và đưa ra đề xuất phương án khắc phục triệt để.
Trong văn bản số 166/2020/CV-OGC ngày 14/9 gửi Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM, Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương cho rằng, căn cứ Báo cáo tài chính hợp nhất cho kỳ hoạt động từ 1/1/2020 đến 30/6/2020 đã được soát xét bởi công ty kiểm toán, các ý kiến ngoại trừ, nhấn mạnh đều tập trung vào các vấn đề liên quan đến khả năng thu hồi công nợ các khoản phải thu, các khoản góp vốn cho các đối tác để triển khai một số dự án đầu tư tại công ty mẹ và các đơn vị thành viên cũng như khả năng hoạt động liên tục của Công ty mẹ OGC…
Kết quả lợi nhuận hợp nhất trước thuế 6 tháng đầu năm 2020 đạt 108 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2019 lỗ 22 tỷ đồng), năm 2019 đạt lợi nhuận 125 tỷ đồng, năm 2018 đạt lợi nhuận 87 tỷ đồng. Đây được coi là mức lợi nhuận dương trong 3 năm liên tiếp sau khoảng thời gian liên tục có những năm thua lỗ từ 2014-2017.
Trong năm 2020, Tập đoàn Đại Dương khẳng định sẽ tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh là sản xuất kinh doanh thực phẩm và chuỗi khách sạn nghỉ dưỡng; đánh giá lại hiệu quả các khoản đầu tư bất động sản, thoái vốn một số khoản đầu tư chưa hiệu quả tạo nguồn lực cho các dự án trọng tâm…