DNews

Bài toán về sự minh bạch và xung đột lợi ích khi TPHCM thu phí vỉa hè

Q.Huy

(Dân trí) - Các chuyên gia góp ý, thu phí vỉa hè, lòng đường ở TPHCM là điều cần thiết và nên làm sớm hơn. Tuy nhiên, bài toán của cơ quan quản lý là tăng sự minh bạch, tránh xung đột lợi ích để tạo đồng thuận.

Bài toán về sự minh bạch và xung đột lợi ích khi TPHCM thu phí vỉa hè

"Đã đến lúc người sử dụng vỉa hè, lòng đường cần ứng xử có trách nhiệm hơn", đó là quan điểm chung của các khách mời tại tọa đàm Làm thế nào để khai thác kinh tế vỉa hè hiệu quả? do Báo Dân trí tổ chức.

Xuyên suốt quá trình phát triển, vỉa hè là một trong những không gian sôi động nhất TPHCM với muôn hình, vạn trạng các hoạt động, dịch vụ. Thế nhưng, sau các chiến dịch "dọn dẹp", "làm sạch", việc thiết lập lại trật tự để các hoạt động diễn ra một cách quy củ vẫn là bài toán chưa có lời giải đối với các cấp chính quyền thành phố.

Bài toán về sự minh bạch và xung đột lợi ích khi TPHCM thu phí vỉa hè  - 1

Tọa đàm Làm thế nào để khai thác kinh tế vỉa hè hiệu quả? do Báo Dân trí tổ chức.

Kể từ đầu năm 2024, đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố của TPHCM chính thức có hiệu lực. Bản đề án được kỳ vọng khắc phục những bất cập hiện hữu, tạo nguồn thu ngân sách và đem lại những lợi ích lớn lao hơn cho nhiều phía.

Tại buổi tọa đàm, đại diện chính quyền, các chuyên gia, nhà nghiên cứu chính sách đô thị đã đưa ra góc nhìn đa chiều về công cụ pháp lý mới giúp TPHCM xóa bỏ thực trạng chiếm dụng vỉa hè đã diễn ra nhiều thập kỷ. Bên cạnh đó, họ cũng tiên liệu trước những vấn đề thành phố có thể gặp phải trong quá trình thực hiện thu phí và cách thức để cân bằng lợi ích, tránh xung đột giữa những pháp nhân chịu tác động của chính sách mới.

Vì sao thu phí?

Trong thực tế, đây không phải lần đầu tiên, TPHCM muốn hướng tới việc đưa các hoạt động trên vỉa hè, lòng đường đi vào nề nếp. Năm 2008, thành phố đã ban hành quy định quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè trên địa bàn. Tuy nhiên, vướng mắc tại thời điểm đó là các cơ quan chưa ban hành được mức thu để áp dụng làm cơ sở tính phí cho các hoạt động.

Bài toán về sự minh bạch và xung đột lợi ích khi TPHCM thu phí vỉa hè  - 2

Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở Giao thông Vận tải TPHCM).

Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở Giao thông Vận tải TPHCM), cho biết, sau hơn 10 năm kể từ ngày thành phố ban hành quy định nói trên, Sở GTVT đã phối hợp cùng các đơn vị đánh giá lại và xây dựng các văn bản chính sách mới liên quan.

Theo đại diện của Sở GTVT, mục đích của việc thu phí sử dụng lòng đường, hè phố là góp phần lập lại mỹ quan đô thị, xây dựng thành phố văn minh hiện đại, nâng cao trách nhiệm của tổ chức cá nhân khi sử dụng; khai thác hiệu quả lòng đường hè phố, đảm bảo trật tự an toàn giao thông phù hợp đặc thù của TPHCM.

"Việc cấp phép sử dụng lòng đường, hè phố đã được giao cho UBND các quận, huyện chủ trì. Không phải tất cả tuyến đường đều cho phép thu phí mà phải thỏa mãn các điều kiện", ông Ngô Hải Đường nhắc lại các bước thực hiện.

Nêu quan điểm tại buổi tọa đàm, PGS TS Nguyễn Minh Hòa, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển TPHCM, cho rằng, thành phố có phần muộn khi hiện tại mới quyết định thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố. Theo ông Hòa, việc thu phí nên được áp dụng từ nhiều năm trước.

Bài toán về sự minh bạch và xung đột lợi ích khi TPHCM thu phí vỉa hè  - 3

Các hoạt động người đi bộ, hàng rong, tập kết rác thải, dừng đỗ xe... tập trung trên vỉa hè đường Lê Lợi, quận 1 .

"Về nguyên tắc, vỉa hè là công sản, không thể sử dụng miễn phí mà phải trả tiền khi khai thác. Sự vô lý đã tồn tại mấy chục năm nay, người khai thác vỉa hè đạt được lợi ích kinh tế mà không phải nộp lại khoản nào, Nhà nước phải bỏ số tiền lớn để duy tu, bảo dưỡng vỉa hè hàng năm", PGS TS Nguyễn Minh Hòa nhận định.

Sau khi có chủ trương, điểm khó nhất và quan trọng nhất trong thực hiện chính sách, TPHCM cần quyết tâm bắt tay thực hiện ngay bằng cách tốt nhất. Theo chuyên gia, địa phương chắc chắn bắt gặp nhiều vướng mắc phát sinh trong khâu thực hiện, nhưng không nên vì thế mà chùn bước.

Bài toán về sự minh bạch và xung đột lợi ích khi TPHCM thu phí vỉa hè  - 4
Sự vô lý đã tồn tại mấy chục năm nay, người khai thác vỉa hè đạt được lợi ích kinh tế mà không phải nộp lại khoản nào.
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển TPHCM

Vị chuyên gia cho rằng, nếu việc thu phí vỉa hè, lòng đường thành công, thành quả mang lại cho TPHCM không chỉ đo đếm bằng nguồn thu ngân sách. Đô thị sôi động nhất cả nước sẽ có một công cụ quản lý đô thị, sắp xếp vỉa hè hiệu quả, đảm bảo an toàn giao thông cho người dân.

"Tóm lại, việc thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè sẽ liên quan đến hàng chục triệu người. Đó là điều cần thiết và nên làm, khi làm nếu có trục trặc thì điều chỉnh", PGS TS Nguyễn Minh Hòa nhận định.

Đồng quan điểm, TS Dư Phước Tân, chuyên gia Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, làm rõ, với các quy định pháp lý chặt chẽ trong sử dụng vỉa hè, lòng đường, cơ quan quản lý sẽ biết ai đang kinh doanh hợp pháp tại các khu vực, tổ chức, cá nhân nào đang vi phạm. Từ đó, các biện pháp chế tài được đưa ra sẽ mang tính khả thi hơn.

"Trước đây, chúng ta gặp khó giữa việc phân định các trường hợp vi phạm và không vi phạm trong các hoạt động trên vỉa hè thì với các quy định hiện tại, chúng ta đã có cơ sở để áp dụng chế tài phù hợp", TS Dư Phước Tân đánh giá.

Sự đồng thuận quyết định thành bại

Vị chuyên gia của Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cũng lưu ý, trước khi áp dụng xử phạt hay chế tài với trường hợp vi phạm, các cơ quan cần tập trung tuyên truyền, vận động đối với người dân. Điểm quan trọng nhất, quyết định thành công của chính sách là người tham gia hoạt động tại vỉa hè, lòng đường được nâng cao nhận thức.

"Giai đoạn đầu, việc vận động người dân có thể gặp khó khăn nhưng các cơ quan cần kiên trì từng bước. Người dân cần hiểu được vì sao thành phố thu phí và họ phải nộp phí. Khi nhận thức đã được nâng cao, người dân đã hiểu rõ thì mới sử dụng chế tài cho trường hợp vi phạm", TS Dư Phước Tân góp ý.

Bài toán về sự minh bạch và xung đột lợi ích khi TPHCM thu phí vỉa hè  - 5

TS Dư Phước Tân, Chuyên gia Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM.

Ông Dư Phước Tân lấy ví dụ, Singapore cũng áp dụng chế tài rất nặng đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực đô thị. Tuy nhiên, trước khi áp dụng chế tài, họ từng có thời gian dài vận động, tuyên truyền, phổ biến để người dân hiểu rõ các quy định.

PGS TS Nguyễn Minh Hòa cũng dẫn lại cách thức quản lý của Singapore, mức phí sử dụng lòng đường, hè phố được phân định dựa trên các yếu tố là vị trí, thời gian sử dụng, không gian chiếm dụng và lợi ích kinh tế. Tại TPHCM, việc thu phí không đơn giản chỉ là lên danh sách các tuyến đường rồi áp dụng đồng loạt cùng một thời điểm.

"Vấn đề ở đây phức tạp hơn nhiều. Các cơ quan quản lý cần soạn được hợp đồng, đưa cho người sử dụng vỉa hè, lòng đường cam kết và ký. Từ hợp đồng đó, thành phố mới có thể áp dụng thu phí và chế tài đối với trường hợp vi phạm. Đây là điều vô cùng khó và cần làm cẩn trọng, tránh các biến tướng khi thực hiện", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Bài toán về sự minh bạch và xung đột lợi ích khi TPHCM thu phí vỉa hè  - 6

Các khách mời đưa ra quan điểm tại buổi tọa đàm.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển TPHCM cũng chia sẻ với các cơ quan quản lý, để đưa ra mức phí hợp lý, không cào bằng là rất phức tạp. Tuy nhiên, đây là việc bắt buộc để tạo sự đồng thuận với đa số người dân.

"Để việc thu phí mang tính bền vững, lâu dài, sự đồng thuận giữa cơ quan quản lý, người sử dụng vỉa hè, lòng đường và chính quyền địa phương là cần thiết. Đó là bài toán vô cùng khó nhưng TPHCM cần phải học tập các bài học đi trước từ các nước", PGS TS Nguyễn Minh Hòa bày tỏ.

Ghi nhận các ý kiến chuyên gia, ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, cho biết, điều quan trọng nhất trong xây dựng phương án thu phí là sự đồng thuận của người tham gia. Việc này nhằm tránh xung đột lợi ích giữa các bên trong quá trình triển khai.

"Các vị trí trên một tuyến đường không thể có mục đích sử dụng như nhau, mức phí giống nhau mà cần xét thực tế từng nơi. Điểm này, các quận, huyện cần chủ trì lên phương án, tạo sự đồng thuận của người dân trước khi bắt đầu thu phí", đại diện Sở GTVT TPHCM khẳng định.

Ứng dụng công nghệ để tăng minh bạch

Thông tin tới chuyên gia và độc giả, ông Ngô Hải Đường cho biết, khi xây dựng đề án, Sở GTVT nhìn nhận vấn đề là làm sao để kiểm tra, giám sát rõ ràng, công khai, minh bạch việc thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường. Bản đề án cũng đề cập tới việc áp dụng phần mềm, từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý vỉa hè, lòng đường để phục vụ công tác cấp phép, đăng ký, xin phép cho các công dân, tổ chức.

Các công việc này được thực hiện trên môi trường mạng, việc thu phí được áp dụng qua phần mềm, ứng dụng, tài khoản ngân hàng và hạn chế dùng tiền mặt. Đơn vị này cũng nghiên cứu cách thức tích hợp hệ thống camera để phân định rõ vị trí, phạm vi sử dụng lòng đường, vỉa hè.

Bài toán về sự minh bạch và xung đột lợi ích khi TPHCM thu phí vỉa hè  - 7

TPHCM dự kiến ứng dụng công nghệ thông tin, tích hợp hệ thống camera trong quản lý, sử dụng lòng đường, hè phố.

"Phần mềm này sẽ có 2 hệ là dành cho cơ quan quản lý, cấp phép thu phí và hệ còn lại là cho người dân. Người muốn thuê sẽ biết khu vực mình nhắm tới đã có người thuê chưa, giá thuê là bao nhiêu và có thể phản ánh tới các cơ quan về những trường hợp vi phạm", ông Ngô Hải Đường làm rõ.

TS Dư Phước Tân bày tỏ sự đồng tình và cho rằng, ứng dụng công nghệ trong quản lý, thu phí vỉa hè là điều rất cần thiết. Từ đó, thành phố sẽ đạt mục tiêu minh bạch, công khai theo đúng nguyên tắc đề ra.

Vị chuyên gia cũng phân tích, khoản phí thu được từ các hoạt động sử dụng vỉa hè, lòng đường sẽ về ngân sách chung. TPHCM cần xem xét có cơ chế thu phí từ hoạt động này và lập mục tiêu chi riêng để trích lại nhanh chóng cho công tác bảo trì, nâng cấp vỉa hè, lòng đường.

Bài toán về sự minh bạch và xung đột lợi ích khi TPHCM thu phí vỉa hè  - 8

TS Dư Phước Tân bày tỏ sự đồng tình việc ứng dụng công nghệ trong quản lý, thu phí vỉa hè.

"Vừa qua, TPHCM cũng có nhiều ý tưởng tạo nguồn thu. Tuy nhiên, số tiền thu xong sẽ hòa chung ngân sách rồi chia đều các mục trong khi khoản chính không được chi lại", TS Dư Phước Tân nêu bất cập.

Đóng góp ý kiến về vấn đề thu phí, PGS TS Nguyễn Minh Hòa nhấn mạnh về tính minh bạch trong việc sử dụng nguồn thu. Khi người trả phí biết rõ tiền mình nộp về đâu, sử dụng ra sao, họ sẽ rất yên tâm và đồng thuận.

Đại diện Sở GTVT TPHCM đáp lời, khi xây dựng đề án, cơ quan này có tách riêng các khoản phí thành phần phục vụ công tác thu và phần phục vụ công tác bảo trì, duy tu hạ tầng. Theo phương án trên, một phần kinh phí sẽ được để lại cho các quận, huyện và phần còn lại thu về ngân sách thành phố.

Tuy nhiên, các đơn vị liên quan đã góp ý, toàn bộ kinh phí thu được cần nộp lại ngân sách, sau đó các địa phương sẽ lập dự toán các khoảng để thành phố chi lại. Trong quá trình thực hiện, Sở GTVT TPHCM sẽ nghiên cứu, đánh giá việc để lại một khoản cho các đơn vị thực thi chính sách thu phí, tạo sự chủ động hơn cho phía địa phương.

Bài toán về sự minh bạch và xung đột lợi ích khi TPHCM thu phí vỉa hè  - 9

Tình trạng buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường diễn ra tràn lan trên đường Nguyễn Trãi, quận 5.

Trong số những ý kiến cuối cùng được đưa ra về chủ đề này, chuyên gia Nguyễn Minh Hòa cho rằng, TPHCM nên áp dụng chính sách theo hướng tìm hiểu nhu cầu của người dân và chỉ thực hiện thu phí tại những tuyến có nhu cầu cao, không áp dụng cùng lúc hàng loạt. Khi thấy chính sách có lợi, người dân sẽ hưởng ứng, mô hình có thể nhân rộng ra.

Vị chuyên gia nhìn trước, một số bất cập có thể xảy ra khi áp dụng việc thu phí là các đầu nậu, gom chỗ để mua đi bán lại. Lời giải cho bài toán này chính là áp dụng công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, công tác quản lý không nên có quá nhiều cơ quan tham gia mà cần một đội ngũ chuyên biệt và mang tính chuyên nghiệp.

TS Dư Phước Tân cũng đưa ra kịch bản, sự thiếu đồng thuận có thể xảy ra trong khoảng thời gian đầu áp dụng thu phí, cùng tình trạng chiếm dụng diện tích vỉa hè, lòng đường nhiều hơn diện tích đăng ký. Giải pháp cho vấn đề này là sự kiên nhẫn, vận động, áp dụng linh hoạt các biện pháp của cơ quan quản lý và sự giúp sức của các ứng dụng công nghệ.

Bài toán về sự minh bạch và xung đột lợi ích khi TPHCM thu phí vỉa hè  - 10

TS Nguyễn Minh Hòa cho rằng, TPHCM cần áp dụng việc thu phí vỉa hè, lòng đường theo từng bước, không nên làm đồng loạt cùng lúc.

Bên cạnh đó, khi vỉa hè đã thông thoáng, vấn đề lấn chiếm của các pháp nhân cũng cần tính tới. TS Dư Phước Tân lấy ví dụ, khi đường đông, vỉa hè thoáng, các xe máy sẽ leo lên lề để đi, tạo ra các xung đột, bất cập. Các cơ quan cần tính phương án đồng bộ để dù vỉa hè đã thông thoáng nhưng các phương tiện cũng không di chuyển lên trên.

"Để việc thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè đi vào nề nếp, TPHCM chắc chắn cần một quá trình dài. Các cơ quan cần từng bước nhận diện vấn đề phát sinh, tìm ra hướng tháo gỡ trong khi thực hiện, cân bằng lợi ích và đảm bảo sự hài hòa cho các bên", TS Dư Phước Tân bày tỏ.

Ảnh: Nam Anh