Bài dự thi Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam có tính ứng dụng cao
(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi đánh giá những sáng kiến từ cuộc thi Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam có tính ứng dụng cao, nhiều công trình đã triển khai mang lại kết quả thiết thực.
Chiều ngày 9/11, Lễ tổng kết Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam năm 2022-2023 diễn ra tại Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, TPHCM.
Lễ tổng kết có sự tham dự của ông Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH); Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông; ông Phạm Việt Công, Phó Chánh văn phòng Ủy Ban An toàn Giao thông Quốc gia; ông Võ Khánh Hưng, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM; ông Phạm Anh Thắng, Phó Chánh văn phòng Bộ LĐ-TB&XH.
Báo Dân trí có ông Nguyễn Xuân Toàn, Phó tổng biên tập; Công ty Ô tô Toyota Việt Nam có bà Hoàng Thị Như Quỳnh - Trưởng ban hành chính và trách nhiệm xã hội; các tác giả đạt giải cao trong Cuộc thi Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam năm 2022-2023, cùng đại diện các tổ chức, ban ngành, sinh viên trường đại học… ở TPHCM.
Hàng trăm sinh viên đến từ nhiều trường đại học ở TPHCM cũng quan tâm đến chương trình. Hội trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng được lấp đầy gần 500 ghế.
Chương trình lan tỏa thành công ngoài mong đợi
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, khẳng định, trật tự an toàn giao thông (TTATGT) là một trong những vấn đề quan trọng liên quan đến cuộc sống, sự phát triển đất nước.
Tuy nhiên, công tác đảm bảo ATGT ở nước ta còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục và cần tiếp tục có giải pháp tuyên truyền giáo dục TTATGT cho người dân, học sinh, sinh viên, nhất là các đối tượng có nguy cơ cao gây TNGT.
Việc tổ chức các chiến dịch tuần lễ ATGT, phổ biến quy định pháp luật thông qua các phương tiện truyền thông, kết hợp giáo dục pháp luật tại các cấp học sẽ tăng cường vai trò các tổ chức xã hội và cộng đồng trong giáo dục và tham gia đảm bảo ATGT.
"Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam 2 năm qua đã trở thành cầu nối giữa cơ quan quản lý Nhà nước với người dân, nhằm mở cơ hội để mỗi người cùng các chuyên gia, lực lượng chức năng thực hiện tốt vai trò đảm bảo TTATGT bảo vệ tính mạng sự an toàn của nhân dân.
Tôi tin rằng qua chương trình, người dân sẽ nâng cao kiến thức pháp luật, tự giác hơn trong tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông hiện đại an toàn", Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phát biểu.
Ông Nguyễn Văn Hồi cũng đánh giá, những sáng kiến giải pháp từ chương trình có tính ứng dụng cao, nhiều công trình áp dụng triển khai thực tế mang lại kết quả thiết thực quan trọng.
"Đó là thành quả của sự nỗ lực, cố gắng từ các tác giả, đồng thời là sự quan tâm ủng hộ của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Hãy vì niềm thương yêu, sự an toàn của người dân, mỗi người nên có sáng kiến sáng tạo ATGT, cùng các cấp các ngành đẩy lùi tai nạn giao thông", ông Nguyễn Văn Hồi nói.
Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) Bộ Công an, nhận xét, cuộc thi năm nay có sự lan tỏa mạnh mẽ và thành công ngoài mong đợi, với 1.400 bài thi (gấp hơn 5 lần năm 2022).
"Đây là sự lan tỏa rất lớn. Hy vọng kết quả tốt đẹp của hành trình 2 năm này sẽ mở ra chặng đường mới đầy sáng tạo mới mẻ cho cuộc thi những năm tiếp theo. Những bài dự thi mang sự sáng tạo rất lớn, ngoài sức tưởng tượng chúng tôi", Thiếu tướng Lê Xuân Đức vui mừng nói lên kỳ vọng.
Thiếu tướng CSGT cũng thông tin thêm, các sáng kiến giải pháp quản lý giao thông minh ứng dụng trí tuệ nhân tạo đang được cục CSGT nghiên cứu để đưa vào thực tiễn. Trong hơn 200 sáng kiến của đợt thi 1 đã có 3 sáng kiến được ứng dụng vào thực tế.
Đồng thời, các bài dự thi năm nay không chỉ đa dạng đối tượng dự thi mà chất lượng cũng phong phú với các giải pháp sáng kiến thực tiễn, có tính ứng dụng cao, nhiều nền tảng công nghệ mới, trình bày được thực tiễn khi ứng dụng.
"Trước mắt, cuộc thi sáng kiến ATGT mùa 3 sẽ được phát động đầu năm 2024, tôi tin quy mô sẽ không dừng lại ở 1.400 bài mà còn lớn hơn. Tôi rất mong các sáng kiến trong chương trình này được đảm bảo, đăng ký bản quyền để cơ quan tổ chức, cá nhân sử dụng phải trả phí, từ đó chúng ta có kinh phí cho khoa học đồng thời các giải pháp này được nghiên cứu thực tiễn…", Thiếu tướng Lê Xuân Đức nói thêm.
Trong sự kiện, PGS.TS Nguyễn Hữu Huy Nhựt, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, cũng bày tỏ sự vinh dự khi trường được chọn làm điểm tổ chức chương trình, góp phần lan tỏa đến các bạn sinh viên trong và ngoài trường.
"Trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa đầu năm của trường Hồng Bàng, chuyên đề ATGT luôn được lựa chọn để trình bày và thảo luận cho các bạn sinh viên. Từ đó thể hiện sự nhận thức đầy đủ của cả thầy và trò trong việc góp phần cùng nhau tạo ra xã hội ATGT", Phó hiệu trưởng Nguyễn Hữu Huy Nhựt chia sẻ.
Nhiều sáng kiến đến từ thế hệ trẻ
Trong số 1.400 bài dự thi có đến hơn 70% đến từ các sinh viên, học sinh.
Thiếu tướng Lê Xuân Đức đánh giá, các bài dự thi của sinh viên đã đánh giá được phương pháp, tính khả thi và tính toán cả về tài chính để thực hiện, làm sao khi áp dụng hiệu quả nhất.
Lãnh đạo Cục CSGT đánh giá cao sáng kiến đạt giải Ba của tập thể học sinh lớp 12 về thiết bị cảm biến phát hiện người tại vị trí điểm mù của ô tô tải. Thực tế ngoài đường đang có rất nhiều tình huống người điều khiển xe máy, xe đạp rơi vào điểm mù xe tải đã gây ra các vụ tai nạn thảm khốc.
Bạn trẻ Nguyễn Thiện Nhân cùng nhóm cộng sự là tác giả đã chia sẻ khởi nguồn của sáng kiến này: "Chúng em e ngại về độ an toàn khi tham gia giao thông cùng các phương tiện lớn. Chính chúng em không ít lần rơi vào trường hợp nguy hiểm, song chưa đủ kinh nghiệm để xử lý. Từ đó, sáng kiến của chúng em được ra đời, giúp cảnh báo từ xa để giảm thiểu tai nạn".
Sáng kiến móc chìa khóa in biểu tượng "đã uống rượu bia thì không lái xe", kèm mã QR liên kết đến video tuyên truyền thông điệp này, của nhóm tác giả dự thi cũng được Thiếu tướng Đức nhắc đến. Đồng thời, gần 500 chiếc móc khóa này đã được phát cho mỗi người tại sự kiện.
Ngoài ra, trong y tế thì việc cứu người có giờ vàng quan trọng, các bạn trẻ cũng nghiên cứu sáng kiến cảnh báo TNGT trên điện thoại cá nhân, để khi có tai nạn, đơn vị cứu thương và cơ quan chức năng có thể đến ngay vị trí đó để cấp cứu kịp thời.
Trong chương trình, khách mời là Á hậu Miss World Việt Nam 2019 Kiều Loan, đại diện cho thế hệ trẻ, đã chia sẻ suy nghĩ: "Thế hệ trẻ đang được thừa hưởng sự ổn định của xã hội, càng phải có trách nhiệm nhiều hơn nữa trong việc có trách nhiệm và ý thức chấp hành TTATGT, thể hiện qua những hành động nhỏ, thì sẽ góp phần làm cho xã hội ngày càng an toàn và đáng sống hơn.
Thông qua những thông tin trong chương trình này sẽ góp phần nâng cao kiến thức để xã hội an toàn hơn và xây dựng nét văn hóa giao thông tốt đẹp hơn".
Đồng hành cùng Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam trong 2 năm liên tiếp có các đơn vị là Nhà tài trợ chính - Công ty Ô tô Toyota Việt Nam, Nhà tài trợ đồng hành Tổng công ty Bảo hiểm PVI.
Để biết thêm thông tin chi tiết về chương trình cũng như thể lệ tham gia cuộc thi, vui lòng truy cập website của chương trình tại: https://sangkienatgt.dantri.com.vn.