1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

"Sẽ có nguồn lực, nhà khoa học đưa Sáng kiến an toàn giao thông vào thực tiễn"

Tiến Thịnh

(Dân trí) - Theo TS Đinh Quang Toàn, Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải có thể đồng hành cùng các tác giả dự thi và người dân có sáng kiến trên toàn quốc để đưa những ý tưởng an toàn giao thông đi vào thực tiễn.

Sau hơn 4 tháng phát động, cuộc thi Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam 2023 do Báo Dân trí cùng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công An, Công ty Toyota Việt Nam triển khai, đã khép lại với vòng chung kết và trao giải vào ngày 11/10.

Với số lượng bài thi năm nay tăng mạnh, lên tới gần 1.200, gấp 5 lần so với năm ngoái, ban tổ chức đã vinh danh 10 sản phẩm xuất sắc nhất, thuộc hai hạng mục Sáng kiến An toàn giao thông và Sáng kiến công nghệ về an toàn giao thông.

Từ đây, những sản phẩm hội tụ đủ các yếu tố về tư duy mới, công nghệ hàng đầu và có khả năng cao áp dụng vào thực tiễn ở Việt Nam đã giành được các giải thưởng cao nhất.

Đó là Giải pháp Cải tạo hệ thống hồ điều hòa, công viên hiện tại trở thành hồ đa năng, đa mục tiêu, bền vững tại Việt Nam của nhóm tác giả đại diện là anh Đoàn Trần Đức Hải; Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong điều tiết giao thông và phát hiện đi ngược chiều của tác giả Phạm Minh Hiếu.

Sẽ có nguồn lực, nhà khoa học đưa Sáng kiến an toàn giao thông vào thực tiễn - 1
Hai giám khảo là TS Đinh Quang Toàn, nhà báo Phạm Phúc Hưng cùng anh Đoàn Trần Đức Hải có mặt tại tòa soạn Báo Dân trí để tham gia tọa đàm. Anh Phạm Minh Hiếu tham dự online tại đầu cầu Hà Tĩnh (Ảnh: Thành Đông).

Trong buổi tọa đàm do Báo Dân trí, Công ty Toyota Việt Nam và Bảo hiểm PVI phối hợp tổ chức với sự tham gia của đại diện ban giám khảo là Tiến sĩ Đinh Quang Toàn, Viện trưởng viện đổi mới sáng tạo và Kinh tế số trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải, nhà báo Phạm Phúc Hưng, Tổng thư ký tòa soạn Báo Dân trí, cùng hai đại diện nhóm tác giả, các khách mời đã đi sâu vào việc đánh giá hiệu quả của cuộc thi, tính mới, khả năng ứng dụng của các sáng kiến và đề xuất giải pháp để hiện thực hóa tác phẩm đạt giải.

Theo anh Đoàn Trần Đức Hải, nhóm tác giả xác định địa bàn TPHCM với tác động của Elnino, các vấn đề quy hoạch hồ điều hòa, bãi đỗ xe… cùng nguồn lực hạn chế của thành phố, nên đặt ra giải pháp về những mô hình đa chức năng.

"Chúng tôi muốn tạo ra một hệ thống hồ điều hòa đáp ứng 7 mục tiêu, có các giải pháp về vận hành, về tài chính, đầu tư công, đầu tư PPP… Chúng tôi cũng mong muốn tạo ra mô hình mà Nhà nước có thể cho vay với lãi suất đầu tư công để nhà đầu tư vận hành", anh Hải cho hay.

Sẽ có nguồn lực, nhà khoa học đưa Sáng kiến an toàn giao thông vào thực tiễn - 2
Tác giả Đoàn Trần Đức Hải mong muốn sớm đưa dự án của mình vào thực tế, áp dụng cho các thành phố lớn, trong đó có TPHCM (Ảnh: Thành Đông).

Trong khi đó, với đặc điểm công việc tại phòng An ninh mạng, công an tỉnh Hà Tĩnh, anh Hiếu cho biết sau khi nghiên cứu trí tuệ nhân tạo đã nhận thấy công nghệ này có rất nhiều chức năng trong việc hỗ trợ lực lượng chức năng đảm bảo an toàn giao thông và trật tự xã hội. Do đó, anh quyết định tận dụng hệ thống camera sẵn có tại địa phương để đưa ra mô hình ứng dụng AI nhằm điều tiết giao thông cũng như nhận biết người đi ngược chiều, tạo cơ sở để cơ quan giám sát xử lý.

Đánh giá về tính mới, tính ứng dụng của các sáng kiến đạt giải trong cuộc thi, nhà báo Phạm Phúc Hưng cho rằng các tác phẩm đều có những điểm nổi trội về sử dụng công nghệ mới, giải quyết bài toán cấp bách, khả năng đưa vào thực tiễn và tính bền vững của giải pháp.

"Giải pháp Cải tạo hệ thống hồ điều hòa, công viên hiện tại trở thành hồ đa năng, đa mục tiêu, bền vững tại Việt Nam có tính ứng dụng rất cao tại Hà Nội, TPHCM và các thành phố lớn khác của Việt Nam. Sáng kiến này cũng đảm bảo tính bền vững của môi trường sinh thái, không gian sinh sống cho người dân và tính hợp lý khi điều tiết giao thông của người dân hàng ngày", nhà báo Phạm Phúc Hưng nói.

Sẽ có nguồn lực, nhà khoa học đưa Sáng kiến an toàn giao thông vào thực tiễn - 3
Nhà báo Phạm Phúc Hưng chỉ ra 3 yếu tố giúp đưa các Sáng kiến an toàn giao thông 2023 vào thực tiễn (Ảnh: Thành Đông).

Tổng thư ký tòa soạn Báo Dân trí cũng cho rằng một sáng kiến đi vào cuộc sống cần thời gian dài hay ngắn sẽ phục thuộc vào 3 yếu tố gồm các nhà sáng tạo, cơ quan chức năng và đơn vị doanh nghiệp đồng hành.

"Tôi cho rằng trách nhiệm của phía ban tổ chức đến hôm nay vẫn chưa kết thúc. Ban tổ chức vẫn phải tiếp tục tạo nên những cầu nối để ba yếu tố đó nhanh chóng đến được với nhau và tìm tiếng nói chung nhất. Điều này cũng không có gì xa vời, bởi các sáng kiến của năm 2022 đều đã đi vào thực tiễn. Có những sáng kiến được đánh giá rất cao, thậm chí quy đổi bằng con số cụ thể, cho thấy tính thực tiễn của giải thưởng này ngày càng cao hơn. Tôi tin rằng chúng ta sẽ rất nhanh được thấy các sáng kiến năm nay đi vào thực tế".

Với vai trò là nhà khoa học và là đơn vị của Bộ Giao thông Vận tải, đang trực tiếp thực hiện những nhiệm vụ chính của trường và Bộ giao trong việc nghiên cứu sản phẩm, dự án để thương mại hóa trên thị trường, TS Đinh Quang Toàn, Viện trưởng Viện đổi mới sáng tạo và Kinh tế số trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải, cho biết đơn vị của ông sẵn sàng có các nguồn lực như nhà khoa học, phòng thí nghiệm để đồng hành cùng các tác giả nhằm thương mại hóa sớm nhất các dự án này trên thị trường.

Sẽ có nguồn lực, nhà khoa học đưa Sáng kiến an toàn giao thông vào thực tiễn - 4
TS Đinh Quang Toàn khẳng định Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải cùng Viện đổi mới sáng tạo và Kinh tế số sẵn sàng hỗ trợ về chuyên môn cho các ý tưởng ngành giao thông (Ảnh: Thành Đông).

"Bản thân tôi đang làm Trưởng làng TransTech của Bộ GTVT, của cuộc thi Techfest quốc gia, nên chúng tôi rất mong muốn có những ý tưởng, dự án công nghệ để tiếp tục đồng hành, cùng với các chuyên gia, nhà khoa học, nhà công nghệ đang trong vườn ươm tạo công nghệ đổi mới sáng tạo để hiện thực hóa các ý tưởng sản phẩm, đưa ra thị trường trong thời gian ngắn nhất. Từ đó đóng góp vào nền kinh tế xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực đảm bảo an toàn giao thông.

Tôi cũng hy vọng thông qua độc giả Báo Dân trí và các tác giả đang có ý tưởng rất thiết thực sẽ đồng hành cùng nhà trường để sớm báo cáo cơ quan quản lý Nhà nước, tiếp tục triển khai thực hiện, nâng cấp, hiện thực hóa nhanh nhất", TS Đinh Quang Toàn bày tỏ.

Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam năm 2023 do Cục Cảnh sát Giao thông, Báo điện tử Dân trí và Công ty Ô tô Toyota Việt Nam phối hợp thực hiện.

Chương trình được phát động với mục đích nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông, tìm kiếm những ý tưởng, sản phẩm sáng tạo để đưa tình trạng giao thông Việt Nam dần ổn định hơn và giúp người tham gia giao thông hiểu đúng luật, tham gia giao thông an toàn, văn minh hơn.

Để biết thêm thông tin chi tiết về chương trình cũng như thể lệ tham gia cuộc thi, độc giả có thể truy cập website của chương trình tại https://sangkienatgt.dantri.com.vn.

Đồng hành cùng Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam có đơn vị tài trợ chính Công ty Ô tô Toyota Việt Nam, đơn vị tài trợ Tổng công ty Bảo hiểm PVI.