Bác Hồ có đặt tên cho bà Lê Hiền Đức không?
Lẽ ra tôi không viết bài này, nếu như tôi không xem hai bản tin được phát trên Đài Truyền hình Hà Nội và trên Kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam, về diễn biến vụ việc xảy ra tại Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Hà Nội chiều ngày 1/6/2012.
Thú thật, tôi rất ngạc nhiên khi thấy bà Lê Hiền Đức đi đi, lại lại, ngồi ghếch chân lên ghế gọi điện thoại khi ở trong Sở TT&TT, nơi không mời bà vẫn đến. Tiếng của bà trong băng hình phát trên hai Đài Truyền hình nghe rất rõ:
- “Gọi ngay đi! Gọi hết Dương Nội, Văn Giang, Đắc Nông đến đây! Phá cổng! Công an phải đến dẹp!”
Một chị phụ nữ, cán bộ Sở TT&TT, khẩn khoản:
- “Bây giờ hết giờ làm việc rồi! Bác về đi!”
Bà Hiền Đức đáp lại:
- “Không! Không! Về thế nào được! Mẹ! Về thế nào được! Bà cứ ngồi đây cho chúng mày phục vụ luôn!”
- “Bà mà điên lên, bà đập hết! Vi tính vi tiếc, đập hết!…”
Tôi ngạc nhiên bởi vì bà Lê Hiền Đức nói rằng bà là người được Bác Hồ đặt tên, trong khi tôi từng biết những người được Bác đặt tên, những người từng là thư ký riêng của Bác, cận vệ, phục vụ, văn thư… của Bác, không một ai có cái khẩu khí “lạ đời” đến vậy. Vì thế tôi tự hỏi: Có đúng bà Lê Hiền Đức được Bác Hồ đặt tên hay không? Tôi xin không viết về hành động và lời nói của bà Lê Hiền Đức trong vụ việc xảy ra tại Sở TT&TT chiều tối ngày 1/6/2012 đúng sai thế nào, bởi vì điều đó chắc chắn sẽ có cơ quan có trách nhiệm xem xét và kết luận. Tôi chỉ xin viết đôi điều tôi được nghe về chuyện có hay không việc Bác Hồ đặt tên cho bà từ Lê Đức thành Lê Hiền Đức như lời bà kể.
Phải nói rằng, cách đây mấy năm tôi rất có thiện cảm với bà Lê Hiền Đức và các việc bà làm trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Bà cùng tuổi với chị gái đầu của tôi, lại là một nhà giáo như cha tôi. Bà là giáo viên cấp 1 đã về hưu từ rất lâu nên chắc là cuộc sống của bà cũng thanh bạch như cha tôi và những thầy cô giáo khác đã về hưu từ thời bao cấp, chỉ sống đạm bạc bằng đồng lương hưu ít ỏi. Vì thế, cũng rất dễ hiểu vì sao tôi lại có thiện cảm với bà Lê Hiền Đức, một người phụ nữ tích cực đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, không những được nhiều người trong nước biết đến mà còn được cả Tổ chức minh bạch quốc tế tặng giải thưởng Liêm chính!
Nhưng rồi, sau đó ít lâu, đọc một số lời phát biểu thái quá của bà trên báo, nhất là nghe bà trả lời phỏng vấn trên Đài BBC của Anh và trên một số đài, báo nước ngoài khác, thì thiện cảm của tôi đối với bà giảm dần. Tháng 5/2008, khi tôi gặp ông Tạ Quang Chiến, một cán bộ cận vệ của Bác Hồ suốt trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, người được Bác Hồ đặt tên, để hỏi chuyện và viết bài báo “Những người được Bác Hồ đặt tên ai còn ai mất?” nhân dịp Kỷ niệm Ngày sinh của Bác thì thiện cảm của tôi đối với bà Đức lại thêm một lần nữa bị giảm.
Số là trước đó, bà Đức đã kể nhiều lần, rằng bà là chiến sĩ dịch mật mã cho Bác Hồ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp trên chiến khu Việt Bắc. Một lần hỏi chuyện Bác biết tên bà là Lê Đức như tên con trai nên Bác đặt tên cho bà là Lê Hiền Đức cho nữ tính hơn! Còn ông Tạ Quang Chiến, một cán bộ giúp việc và bảo vệ Bác, theo Bác hàng ngày trong suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp nói với tôi rằng, trong 9 năm kháng chiến đó Bác Hồ chỉ đặt tên cho 18 người. Lúc đầu Bác đặt tên cho 8 người, là các ông: Trường – Kỳ – Kháng – Chiến – Nhất – Định – Thắng – Lợi. Các ông đều là cán bộ giúp việc và bảo vệ Bác, được Bác đặt tên khi dừng chân nghỉ lại ở xã Cổ Tiết, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ trên đường rời Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp. Còn trong thời gian Bác ở trên chiến khu Việt Bắc, Bác đặt tên cho 8 người nữa, là các ông: Trung – Dũng – Đồng – Tâm – Kiên – Quyết – Cần – Kiệm, cũng là các chiến sĩ cận vệ và phục vụ Bác. Tên Bác đặt cho mỗi người đều mang ý nghĩa riêng, rất đặc biệt.
Chỉ có hai trường hợp Bác Hồ đặt tên ngoài số cán bộ, chiến sĩ phục vụ Bác nói trên. Đó là trường hợp Bác đặt tên cho kỹ sư Phạm Quang Lễ là Trần Đại Nghĩa. Ông Trần Đại Nghĩa là một Việt Kiều ở Pháp về nước tham gia kháng chiến chống Pháp, từng giữ chức Cục trưởng Cục Quân giới, người đã chế tạo thành công nhiều loại vũ khí cho quân đội ta đánh Pháp. Trường hợp thứ hai là khi nghe Giáo sư Tôn Thất Tùng báo tin sinh con trai đầu lòng, Bác đã đặt tên cho con trai ông là Tôn Thất Bách, hàm ý trân trọng tài năng và phẩm chất của một vị trí thức yêu nước dám từ bỏ mọi vinh hoa, phú quý ở chốn đô thành để lên chiến khu Việt Bắc tham gia kháng chiến chống Pháp, hiên ngang như cây tùng, cây bách trên đời.
Điều đáng chú ý, trong lần gặp ông Tạ Quang Chiến năm 2008 ấy, ông nói với tôi là những năm sau kháng chiến chống Pháp có một số người tự nhận là được Bác Hồ đặt tên, trong đó có trường hợp bà Lê Hiền Đức. Ông Tạ Quang Chiến nói với tôi, ông đã gọi điện thẳng cho bà Lê Hiền Đức và cho những tờ báo đăng chuyện Bác Hồ đặt tên cho bà Lê Hiền Đức để khẳng định chuyện đó là không có. Ông nói, trong kháng chiến chống Pháp, tất cả những người được Bác Hồ đặt tên đều là nam giới, không có một người phụ nữ nào. Bà Lê Hiền Đức sinh năm 1932, năm 1946, 1947, 1948 mới 14, 15, 16 tuổi không thể là người được chọn dịch mật mã cho Bác Hồ. Thời kỳ đó, người dịch mật mã cho Bác là một đồng chí nam giới.
Sau khi Đài Truyền hình Hà Nội và Đài Truyền hình Việt Nam đưa tin về sự việc xảy ra chiều ngày 1/6/2012 tại Sở TT&TT có liên quan đến bà Lê Hiền Đức, tôi gọi điện thăm ông Tạ Quang Chiến để hỏi thêm về chuyện Bác Hồ đặt tên cho bà. Ông Tạ Quang Chiến năm nay đã 87 tuổi, nhưng tiếng vẫn to, trí nhớ vẫn rất tốt. Ông khẳng định với tôi một lần nữa là không có chuyện Bác Hồ đặt tên cho bà Lê Hiền Đức như đã từng nói với tôi 4 năm trước. Tôi hỏi thêm hai người từng là cán bộ giúp việc Bác Hồ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp ở chiến khu Việt Bắc về chuyện Bác đặt tên cho bà Lê Hiền Đức, thì cả hai đều khẳng định với tôi là không có chuyện đó. Bà Nguyễn Thị Tuệ Oanh, nguyên cán bộ Hội Phụ nữ Cứu quốc, vợ của ông Nguyễn Chấn, nguyên Bộ trưởng Bộ Điện Than trước đây, người từng được điều động giúp việc đánh máy cho Bác khi Bác dịch cuốn sách “Tỉnh ủy bí mật ở chiến khu Việt Bắc“, nói rằng thời gian ở chiến khu những người giúp việc Bác mà bà biết không có ai được Bác đặt tên là Lê Hiền Đức cả.
Còn ông Dương Văn Phúc, nguyên cán bộ văn phòng phụ trách cơ yếu của Văn phòng Trung ương Đảng năm 1945, 1946, sau đó là cán bộ cơ yếu của Văn phòng Phủ Thủ tướng trong kháng chiến chống Pháp, con rể của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, sau này là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, một trong những người giúp việc lâu năm, gần cận của Bác Hồ, khẳng định với tôi trong kháng chiến chống Pháp không có ai là Lê Hiền Đức được giao dịch mật mã cho Bác Hồ và Bác Hồ không đặt tên cho ai là Lê Hiền Đức cả. Ông bảo tôi, với tư cách nhà báo tôi nên viết rõ chuyện này trên báo để mọi người được biết.
- nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin Văn phòng Chính phủ