Bác bỏ thông tin năm 2050, TPHCM và ĐBSCL bị "xoá sổ"
(Dân trí) - Chiều 1/11, PGS.TS Huỳnh Thị Lan Hương - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) khẳng định, thông tin lan truyền năm 2050, TPHCM và ĐBSCL sẽ bị xoá sổ là chưa đủ cơ sở khoa học, chỉ dựa trên các giả định cực đoan.
Các nhà khoa học của Climate Central vừa mới công bố bài báo khoa học trên Tạp chí Nature Communications về nguy cơ ngập gây ra bởi nước biển dâng do biến đổi khí hậu cho các đồng bằng trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, ưu điểm nổi bật của nghiên cứu này là đã sử dụng sử dụng số liệu Lidar và mô hình trí tuệ nhân tạo nhằm hiệu chỉnh và cập nhật số liệu địa hình địa hình.
Tuy nhiên, một số vấn đề trong bài báo cần được xem xét kỹ lưỡng hơn khi chỉ sử dụng số liệu của Mỹ để hiệu chỉnh cho toàn cầu. Các giả thiết về mực nước biển dâng kết hợp với triều cường là tình huống cực đoan rất khó xảy ra và không được IPCC (Ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu) khuyến cáo.
Theo PGS.TS Huỳnh Thị Lan Hương, năm 2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố kịch bản Biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Tại kịch bản này, số liệu địa hình được sử dụng để xây dựng bản đồ nguy cơ ngập do nước biển dâng cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được lấy từ: Mô hình số địa hình kích thước ô lưới là 2mx2m của 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, do Cục Viễn thám Quốc gia thực hiện năm 2008; Bản đồ số địa hình tỷ lệ 1:2.000 do dự án bay chụp Lidar của Cục Đo đạc Bản đồ và Thông tin Địa lý Việt Nam thực hiện.
Các số liệu này đều được quy chuẩn theo mốc quốc gia về bề mặt khu vực. “Số liệu trong nghiên cứu trong bài báo trên không tốt hơn số liệu mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đã sử dụng. Thông tin “vào năm 2050, TP. HCM và ĐBSCL sẽ bị xoá sổ” là chưa đủ cơ sở khoa học và dựa trên các giả định cực đoan”-bà Hương nhấn mạnh.
Thông điệp cần lưu ý khi quy hoạch sự sụt lún, nước biển dâng và ngập lụt
Theo bà Lan Hương, trong nghiên cứu của Climate Central, các tác giả sử dụng kịch bản nước biển dâng 2 m kết hợp với triều cường trong xây dựng bản đồ nguy cơ ngập.
Thực tế, đây là sự chồng chập của hai giả định rất cực đoan, tất nhiên, sẽ dẫn đến tình trạng nguy cơ rủi ro rất cao. Hơn nữa, kết quả đưa ra sẽ không thể phân biệt ngập lụt do mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu (ngập vĩnh viễn) và nguyên nhân ngập lụt do hiệu ứng thủy triều (chỉ trong vài giờ).
Kịch bản nước biển dâng 2m không được đề xuất trong báo cáo Đánh giá lần thứ năm của Ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (AR5). Trong quá trình xây dựng kịch bản Biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam năm 2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng kịch bản với mức ngập 2m, với mức ngập 2m, tỷ lệ ngập tại ĐBSCL lên tới 87,34%.
Trong Kịch bản biến đổi khí hậu đã được công bố năm 2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, kết quả xác định nguy cơ ngập ứng với mực nước dâng 100cm (tương ứng với kịch bản RCP 8.5, đến năm 2100) như sau: Khoảng 16,8% diện tích Đồng bằng sông Hồng, 1,47% diện tích các tỉnh ven biển miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, 17,8% diện tích TPHCM, 38,9% diện tích ĐBSCL có nguy cơ bị ngập; cụm đảo Vân Đồn, Côn Đảo và Phú Quốc có nguy cơ ngập cao.
Nguy cơ ngập đối với quần đảo Trường Sa là không lớn. Quần đảo Hoàng Sa có nguy cơ ngập lớn hơn.
Bản đồ nguy cơ ngập với mực nước biển dâng 100 cm cho khu vực tỉnh Bạc Liêu (Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường).
Trên thực tế, ĐBSCL hiện nay, có chỗ hạ, chỗ nâng đan xen, đặc biệt Long An, An Giang nâng lên rõ rệt. Khu vực Bạc Liêu theo nghiên cứu thì hạ nhiều nhất (nhưng trong hạ vẫn có nâng, tuy rất ít).
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã hoàn thành giai đoạn tiếp theo của việc đo đạc địa hình khu vực ĐBSCL. Hiện nay đã bàn giao đưa vào sử dụng 3 đợt, dự kiến sẽ bàn giao nốt khu vực còn lại vào đầu năm 2020. Các số liệu này đều được quy chuẩn theo mốc quốc gia về bề mặt khu vực mới nhất (kết quả phân tích cho thấy, có mốc nâng và có mốc hạ).
Trên cơ sở số liệu địa hình mới cập nhật năm 2019, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đã tiến hành xây dựng kịch bản ngập cho tỉnh Bạc Liêu ứng với mực nước biển dâng 100cm để thử nghiệm so sánh với kịch bản biến đổi khí hậu năm 2016. Kết quả cho thấy không thay đổi nhiều so với kịch bản năm 2016, có khu vực diện tích nguy cơ ngập tăng, có khu vực lại giảm (mức ngập trong bản đồ năm 2016 và năm 2019 tương ứng là 48,6% và 49,1%).
Điều này phù hợp với nhận định trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, có khu vực nâng, có khu vực hạ.
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tiến hành cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Dự kiến, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục cập nhật các bản đồ nguy cơ ngập do nước biển dâng từ dữ liệu cập nhật này trong các kịch bản tới.
Tuy nhiên, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng nhìn nhận nội dung bài báo trên cũng là một thông điệp cần quan tâm để khi xây dựng các phương án quy hoạch chính quyền cần chú ý đến sự sụt lún, nước biển dâng và ngập lụt do triều cường để đề xuất phương án hợp lý giải quyết vấn đề nước biển dâng cho ĐBSCL và TPHCM.
Thế Kha