1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bà Tú của thời @ và "siêu thị đồng nát" Trung Văn

Đến ven làng Trung Văn, xã Trung Văn, Từ Liêm, Hà Nội, hỏi người trong làng không ai cũng biết đến bà Mỹ, chủ của một “siêu thị” đồ cũ độc nhất vô nhị.

Bà Mỹ, chủ siêu thị đồ cũ độc nhất vô nhị. (Ảnh: Kiều Trang/Vietnam+)

Bà Mỹ, chủ "siêu thị" đồ cũ độc nhất vô nhị. (Ảnh: Kiều Trang/Vietnam+)

“Siêu thị” của người nghèo

Người dân xung quanh gọi vui bãi đồ cũ của bà Mỹ là “siêu thị” bởi ở đây không thiếu bất cứ mặt hàng nào, từ chén đĩa, quần áo, giầy dép, nội thất, đồ điện tử, gia dụng, thậm chí cả bàn thờ cũ…

Phóng viênVietnam+đến gặp bà vào một ngày thường nhưng câu chuyện với bà luôn bị đứt đoạn vì khách đến mua hàng không ngớt. Hàng hóa chủ yếu bà thu mua của những người bán đồng nát, hầu hết là những đồ đạc, vật dụng còn sử dụng được. Thậm chí bà còn cam đoan với khách: “Nếu không dùng được thì có thể đem trả”.

Khách đến mua hàng của bà Mỹ rất đa dạng. Sinh viên và những người lao động nghèo quanh vùng thường tìm đến chỗ bà sắm sửa đồ đạc gia dụng, quần áo, giày dép cũ. Cũng có người đến nhặt nhạnh linh kiện điện tử, máy móc, vật liệu… đem về sửa chữa bán lại cho khách có nhu cầu.

Siêu thị của bà Mỹ không thiếu thứ gì. (Ảnh: Kiều Trang/Vietnam+)

"Siêu thị" của bà Mỹ không thiếu thứ gì. (Ảnh: Kiều Trang/Vietnam+)

Anh Nguyễn Văn Hưng (Xã Trung Văn, Từ Liêm, Hà Nội) vừa lật chọn những đôi giầy cũ vừa cho biết: “Nhà tôi cũng gần đây nên hay ra bãi này chọn đồ, trong nhà cứ thứ gì hỏng hoặc thiếu là lại chạy ra đây tìm trước, nếu không có mới ra chợ mua. Ở đây cũng nhiều món đồ còn dùng tốt mà giá chỉ bằng 1/3 giá hàng mua mới.”

Bà Mỹ kể rằng có ngày bà bán được 4 - 5 triệu đồng tiền hàng, trừ tiền vốn mua cũng lãi được 2 - 3 triệu đồng. Nhưng trừ đi tiền trả cho nhân công, hàng tồn, bến bãi, rồi mua lại đồ cũ người ta đem bán nên cũng chẳng được là bao, chưa kể bà còn bị trộm mất đồ liên tục.

Hàng đắt khách, bà phải thuê thêm ba nhân viên với thù lao 120.000 đồng/người/ngày để bán và trông hàng mà chuyện mất cắp vẫn xảy ra như cơm bữa. Có khi bọn trộm ngang nhiên lấy hàng của bà rồi chạy mất. Thân già, bà cũng đành chịu.

“Tôi chỉ ngồi một chỗ, những hàng hóa còn mới hay có giá trị tôi đều đặt xung quanh để đề phòng nhưng vẫn không tránh khỏi bị trộm. Nhiều lúc mải mê bán hàng quay ra vừa mất cả tiền vừa mất cả hàng lúc nào không hay,” bà Mỹ cười.

Nơi bà Mỹ bán cũng chính là "ngôi nhà" nơi bà đang sinh hoạt, dù chỉ là bãi đất trống ven đường, xung quanh không rào chắn. Hàng hóa cứ thế bà bày la liệt, không mái che, không cửa chặn.

Thuê bãi đất này với giá 1,5 triệu đồng/tháng, điện nước sinh hoạt không có, chỉ có một gian mái lá bà Mỹ để cất hàng lúc nắng, lúc mưa, còn bản thân bà thì ở túp lều nhỏ chỉ có mỗi cái giường, xung quanh toàn hàng hóa cũ.

Gần 60 tuổi đời, bà chỉ thui thủi một mình quanh bãi. Bà lo cho cơ ngơi của mình hơn cả lo cho bản thân vì sợ bọn trộm cắp, nghiện ngập đến trộm hàng.

Từ “gái phố” đến bà chủ đồng nát

Bà Bùi Thị Mỹ (sinh năm 1954) vốn là con gái gốc Hà Thành, sinh ra và lớn lên trên phố Cửa Nam. Bà từng học hết lớp 10 (tương đương lớp 12) tại trường Chu Văn An, Hà Nội nhưng vì nhà nghèo nên dù có giấy gọi vào đại học, bà Mỹ cũng không thể theo bạn bè đến trường.

Cuộc đời bà long đong với hai đời chồng đều đã khuất, một thân một mình bà nuôi 9 đứa con ăn học đều dựa vào cái “siêu thị” đồ cũ ấy, thấm thoắt đến nay đã được gần 30 năm.

Cả ngày buôn bán, khách khứa, người ra vào tấp nập là thế nhưng cứ đến tối thì chỉ còn mình bà ở lại bãi hàng trong ánh đèn dầu le lói. Những ngày mưa, một mình bà tất tả kéo phủ bạt lên che hàng cho khỏi ướt.

Góc sinh hoạt kiêm chỗ bày hàng của bà Mỹ. (Ảnh: Kiều Trang/Vietnam+)

Góc sinh hoạt kiêm chỗ bày hàng của bà Mỹ. (Ảnh: Kiều Trang/Vietnam+)

Tết đến, lo bãi hàng bị trộm, bà chỉ dám loanh quanh đón giao thừa ngay tại bãi. Con cái đến đón bà cũng không muốn rời, có đi bà cũng canh cánh chỉ mong nhanh nhanh quay về.

“Chỉ đi chúc Tết có vài nhà mà khi quay về đã bị mất bao nhiêu hàng. Nếu bỏ bãi đi cả Tết chắc tôi chẳng còn gì để bán,” bà Mỹ than thở.

Không có điện nước nên bà Mỹ cũng chẳng nấu nướng gì, những bữa ăn của bà là những hộp cơm nhờ mua hộ, cái bánh tẻ, bánh đúc... Tuổi cũng đã cao, không thể sống mãi một mình tại bãi đồ cũ, con cái của bà Mỹ cũng khuyên bà bỏ bãi về ở với con cháu nhưng gắn bó với bãi hàng đã lâu, bà không dứt ra được.

“Bây giờ muốn bỏ nghề, tôi sợ sẽ là gánh nặng cho con cháu. Lương hưu không có, của để dành cũng không, mình vui hàng, mình còn sức lực thì còn cố gắng làm thêm,” bà Mỹ tâm sự.

Tần tảo nuôi con nhờ cái "siêu thị" đã gần 30 năm, tính ra nghề này gắn bó với bà Mỹ nhiều hơn cả thời gian bà được sống với chồng với con. Hình ảnh người phụ nữ ở tuổi 60 tuổi vẫn "lặn lội thân cò khi quãng vắng", dù đã có thể nghỉ ngơi quây quần bên con cháu, quả thật đáng nể phục, chẳng kém hình ảnh "bà Tú" trong bài "Thương vợ" của nhà thơ Tú Xương./.

Theo Kiều Trang 
Vietnam+

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm