1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Vi phạm giao thông ở các thành phố lớn

Bạc Liêu:

Bà Lê Thị Ái Nam: "Mạnh dạn thay cán bộ có hành vi nhũng nhiễu người dân"

Huỳnh Hải

(Dân trí) - "Cần xử lý nghiêm các biểu hiện nhũng nhiễu tiêu cực, nhất là tình trạng "trên trải thảm, dưới rải đinh; thủ kho to hơn thủ trưởng", bà Lê Thị Ái Nam, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bạc Liêu nói.

Ngày 23/9, UBND tỉnh Bạc Liêu phối hợp Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) tổ chức hội nghị công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021.

Từ "đội sổ" tăng lên 8 bậc

Ông Huỳnh Chí Nguyện, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bạc Liêu, cho biết, chỉ số PCI của tỉnh năm 2021 xếp thứ 55/63 tỉnh, thành cả nước, tăng 8 bậc so với năm 2020 (xếp thứ 63/63 tỉnh, thành). Bạc Liêu ở nhóm tương đối thấp so với cả nước và đứng thứ 12/13 trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong 10 chỉ số thành phần, có 5 chỉ số tăng điểm (tính minh bạch, chi phí không chính thức, tính năng động của chính quyền tỉnh, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự) và 5 chỉ số giảm điểm (gia nhập thị trường, chi phí thời gian, cạnh tranh bình đẳng, tiếp cận đất đai, đào tạo lao động).

"So với năm 2020, PCI năm 2021 tỉnh Bạc Liêu tăng 8 bậc. Kết quả này cho thấy có dấu hiệu khả quan trong việc tăng cường, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh", ông Nguyện đánh giá.

Bà Lê Thị Ái Nam: Mạnh dạn thay cán bộ có hành vi nhũng nhiễu người dân - 1

Ông Huỳnh Chí Nguyện, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bạc Liêu (Ảnh: Huỳnh Hải).

Nhóm các chỉ số tăng điểm, nổi bật có chỉ số tính năng động của chính quyền tỉnh khi có đến 80% doanh nghiệp cho biết các khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ kịp thời qua các cuộc đối thoại, tiếp xúc doanh nghiệp; 85% doanh nghiệp cho biết UBND tỉnh linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi;...

Đáng chú ý, tuy chỉ số chi phí không chính thức tăng điểm và tăng thứ hạng nhưng vẫn còn một số chỉ tiêu có điểm số và thứ hạng thấp, như: 73% doanh nghiệp cho biết chi trả "hoa hồng" là cần thiết để có cơ hội thắng thầu; 90% doanh nghiệp trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra xây dựng; 69% doanh nghiệp cho biết hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục là phổ biến.

"Qua đó cho thấy chi phí không chính thức vẫn còn tồn tại khá phổ biến ở một số lĩnh vực thủ tục thiết yếu với doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp đánh giá các sở ngành, chính quyền cấp huyện không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh, làm cho thứ hạng của các chỉ tiêu này ở mức thấp", ông Nguyện thông tin.

Với nhóm các chỉ số giảm điểm cho thấy vẫn còn tồn tại nhiều bất cập như ở chỉ số cạnh tranh bình đẳng: 70% doanh nghiệp cho biết hợp đồng, đất đai và các nguồn lực kinh tế khác chủ yếu rơi vào tay các doanh nghiệp có liên kết chặt chẽ với chính quyền tỉnh; 60% doanh nghiệp cho biết tỉnh ưu tiên giải quyết các khó khăn cho các doanh nghiệp lớn so với doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước; 50% doanh nghiệp cho biết việc tỉnh ưu ái cho doanh nghiệp lớn (cả Nhà nước và tư nhân) gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Điều này cho thấy nhìn nhận của cộng đồng doanh nghiệp về sự ưu ái của chính quyền tỉnh đối với doanh nghiệp lớn (doanh nghiệp nhà nước, FDI, các doanh nghiệp tư nhân trong nước có quy mô lớn và doanh nghiệp "thân quen") nhiều hơn so với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Xử lý nghiêm hành vi nhũng nhiễu

Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, nhấn mạnh, người dân hài lòng rồi thì cái gì cũng được, còn không hài lòng thì rất khó.

"Chi phí không chính thức là vấn đề khó chịu nhất của người dân. Khi làm hồ sơ thủ tục thì có quy định chi phí, lệ phí hết rồi. Ngoài cái đó lại tự đặt ra thêm làm khó cho người dân, doanh nghiệp thì đó là tham nhũng vặt, không nhiều nhưng rất khó chịu", ông Thiều nói.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu chia sẻ thêm: "Thời gian tới Bạc Liêu "chạy" vào top cao thì những địa phương khác cũng "chạy". Tỉnh chúng ta bước một bước thì các tỉnh khác đã bước 2-3 bước rồi. Khó khăn của tỉnh là xuất phát từ điểm cuối mà muốn "chạy" vào top 20 thì là cả một vấn đề. Do đó, chỉ số còn thấp rơi vào ngành, địa phương nào thì phải quyết liệt cải cách, thông cảm chia sẻ cho người dân, doanh nghiệp".

Bà Lê Thị Ái Nam: Mạnh dạn thay cán bộ có hành vi nhũng nhiễu người dân - 2

Bà Lê Thị Ái Nam, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bạc Liêu (Ảnh: HH).

Chỉ đạo tại hội nghị, bà Lê Thị Ái Nam, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bạc Liêu, thẳng thắn đặt vấn đề: "Có 30 - 35% chi phí không chính thức ở mức không chấp nhận được, đây là biểu hiện của tham nhũng vặt; có 17 - 20% doanh nghiệp bị thanh, kiểm tra 2 - 3 lần trong một năm; có đến 58% phải trả chi phí mới nhận được thông tin đất đai, cho thấy cán bộ, công chức mình làm khó doanh nghiệp như thế nào?".

Do đó, bà Ái Nam đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, có kế hoạch khắc phục hạn chế, tồn tại đã được chỉ ra. Đây được xem là nhiệm vụ trọng tâm, phấn đấu PCI đạt top 20 cả nước đến năm 2025. 

"Tăng cường thanh, kiểm tra giám sát, nhất là nội bộ, để kiểm tra kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ; xử lý nghiêm các biểu hiện nhũng nhiễu tiêu cực, nhất là tình trạng "trên trải thảm, dưới rải đinh, thủ kho to hơn thủ trưởng"; mạnh dạn thay đổi cán bộ có hành vi nhũng nhiễu người dân", bà Ái Nam yêu cầu.

Lãnh đạo Tỉnh ủy Bạc Liêu cũng mong các doanh nghiệp cần phản ánh những khó khăn, nếu còn e ngại có thể phản ánh trực tiếp đến thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh để góp phần xây dựng môi trường đầu tư lành mạnh hơn.

Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho biết Bạc Liêu có điểm mạnh khi có 2 năm tăng trưởng liên tục trong vùng ĐBSCL, không phải tỉnh nào cũng làm được.

Mặc dù PCI năm 2020 đứng cuối bảng, nhưng trong năm dịch Covid-19 2021 lại có sự thay đổi thứ hạng, điểm số. Các tỉnh mà tăng từ 3 - 5 hạng là vô cùng khó khăn, trong khi Bạc Liêu tăng 8 bậc, đây là tín hiệu cực kỳ tốt, cho thấy sự chuyển động theo chiều hướng tích cực của tỉnh.

"Kết quả này xem như một toa thuốc khi chúng tôi được giao đi khám bệnh. Khi đưa ra toa thuốc, cần uống thuốc loại nào cho phù hợp, có sức khỏe tốt hơn, không uống hoặc uống không đúng thuốc thì lại là câu chuyện khác. Với kết quả như vậy, nếu như chỉ định điều chỉnh toa thuốc thì cũng khó. Kết quả nào đi nữa thì cũng chỉ mang tính đại diện", ông Lam ví von.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm