Ba cặp từ khóa trong quan hệ Việt Nam - New Zealand
(Dân trí) - Ổn định và củng cố, tăng cường và mở rộng, tăng tốc và bứt phá là ba cặp từ khóa được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi nói về mối quan hệ hợp tác gần 50 năm giữa Việt Nam - New Zealand.
Sáng 11/3 (giờ địa phương), tại thủ đô Wellington, sau lễ đón chính thức và hội đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon đã tổ chức họp báo thông tin về kết quả.
Cảm ơn sự đón tiếp trọng thị, chu đáo của Chính phủ và người dân New Zealand, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam luôn coi trọng. Ông tin chuyến thăm lần này sẽ góp phần đưa quan hệ song phương phát triển lên tầm cao mới.
Thúc đẩy đầu tư về nông nghiệp chất lượng cao, năng lượng tái tạo
"Tôi và Thủ tướng New Zealand vừa có cuộc hội đàm rất thành công", người đứng đầu Chính phủ Việt Nam thông báo.
Ông cho biết hai bên cùng nhận định quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - New Zealand đang phát triển tốt đẹp và hiệu quả. Trên tinh thần xây dựng và hợp tác, hai Thủ tướng đã thảo luận toàn diện về các lĩnh vực hợp tác và đề ra phương hướng để đưa quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ, sâu sắc hơn nữa.
Nói về mối quan hệ giữa hai nước, Thủ tướng khái quát bằng ba cặp từ khóa là "ổn định và củng cố", "tăng cường và mở rộng", và "tăng tốc và bứt phá".
Diễn giải cụ thể hơn, Thủ tướng cho biết ổn định và củng cố tin cậy chính trị, lòng tin chiến lược, hợp tác chính trị, ngoại giao, tạo nền tảng vững chắc hơn cho quan hệ song phương.
Thứ hai, tăng cường và mở rộng hợp tác trên tất cả các trụ cột hợp tác quan trọng của quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước, gồm kinh tế - thương mại - đầu tư, an ninh quốc phòng, nông nghiệp và giao lưu nhân dân.
Thủ tướng nhấn mạnh tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư; phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt mục tiêu 2 tỷ USD trong năm 2024 và sớm tăng gấp đôi đầu tư hai chiều, trong đó có mở cửa thị trường và giảm rào cản thương mại hai chiều.
"Việt Nam hoan nghênh đầu tư từ New Zealand trong các lĩnh vực, nhất là giáo dục - đào tạo, nông nghiệp chất lượng cao, năng lượng tái tạo", Thủ tướng nói.
Ông cũng nhắc đến mở rộng hợp tác quốc phòng - an ninh, ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống đang ngày càng gia tăng trong khu vực.
Trong mở rộng hợp tác văn hóa, giáo dục đào tạo, thúc đẩy giao lưu nhân dân, Thủ tướng cho rằng việc sớm mở lại đường bay thẳng sẽ là động lực quan trọng mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực này.
Thứ ba, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh ba lĩnh vực cần tăng tốc và bứt phá.
Đó là tăng tốc trong hợp tác khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, chuyển giao công nghệ thân thiện môi trường, giảm phát thải, ngành công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI), chip bán dẫn...
Bứt phá trong hợp tác kinh tế biển, bảo vệ môi trường biển, nhất là về chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng chính sách, chuyển giao công nghệ.
Hai bên cũng trao đổi về các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm, đồng thời nhất trí phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau trên diễn đàn quốc tế.
Về vấn đề Biển Đông, hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông. Hai bên cũng nhất trí trao đổi, chia sẻ thông tin và tăng cường hợp tác biển, cùng phấn đấu đưa Biển Đông thành vùng biển của hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Việt Nam là quốc gia tạo đà phát triển rất mạnh mẽ
Chia sẻ thêm thông tin về hội đàm, Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon vui mừng khi cùng Việt Nam đưa ra các cam kết về chính trị, thương mại, qua đó cùng xây dựng sự ổn định, hòa bình trong khu vực, ký kết những hiệp định song phương để đem lại lợi ích cho người dân hai nước.
"Việt Nam và các quốc gia châu Á là các đối tác cực kỳ quan trọng đối với New Zealand, trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia tạo đà phát triển rất mạnh mẽ. Khi hợp tác với Việt Nam, New Zealand sẽ tăng được cơ hội giao thương cũng như cam kết về chính trị, ổn định trật tự", ông Christopher Luxon nhấn mạnh.
Thủ tướng Christopher Luxon cho biết 5 năm qua, kim ngạch thương mại song phương đã tăng 60%, người dân và các doanh nghiệp New Zealand được hưởng lợi nhờ điều này.
Quốc gia này cũng đã xây dựng mục tiêu rõ ràng là kim ngạch thương mại song phương đạt 2 tỷ USD; thảo luận vấn đề phi thuế quan, hợp tác phát triển nông nghiệp, giáo dục, du lịch…
"Hai nước còn nhiều tiềm năng, dư địa trong hợp tác, trong đó có mục tiêu cùng nhau xây dựng kế hoạch Net Zero bằng không. New Zealand sẽ đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực phát triển nông nghiệp, bảo vệ môi trường góp phần hiện thực hóa mục tiêu này", ông Christopher Luxon khẳng định.
Nhân dịp này, dưới sự chứng kiến của hai Thủ tướng, các cơ quan chức năng của hai nước đã ký kết 3 văn kiện hợp tác quan trọng về giáo dục - đào tạo, thương mại và tài chính.
Hoài Thu (Từ Wellington, New Zealand)