B52 “sập bẫy” tên lửa SAM 2 trên bầu trời Hà Nội
(Dân trí) - “Đúng là bắt được B52 trên màn hình rađa cực khó. Nhưng đã bắt được nó đi như con nhộng trên màn hình thì bắn quả nào trúng quả ấy. Mỹ công bố ta bắn hơn 1.000 quả tên lửa, thực chất bắn 334 quả, diệt 29 B52”, Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt nhớ lại.
Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt
“Máy bay địch từng đánh gần chỗ tôi bắn, chỉ cách 120 - 130m. Do vậy, để bảo vệ được mình và đồng đội phải có những quy định rất nghiêm ngặt như ngụy trang công sự giống như thảm thực vật, phát sóng rađa cũng phải đúng góc độ quy định để địch không thể phát hiện…”, Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt cho biết cách né bom đạn máy bay địch của quân đội ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không.
Theo Trung tướng Phiệt, khi bắt đầu sử dụng tên lửa nhiễu sóng, máy bay trên màn hình rađa ít nên khi địch vào vẫn bị hạ gục. Về sau, Mỹ thay đổi chiến thuật lắp thêm nhiều máy gây nhiễu và kéo dài khoảng cách bay giữa các máy bay đến 360m. Vì vậy, năm 1967 đến 1968, người dân băn khoăn nhìn máy bay địch rất gần mà tên lửa không bắn trúng.
Trong 12 ngày đêm, quân đội ta đã diệt 34 máy bay B52. Riêng các đơn vị phòng không quân diệt 29 máy bay, quân chủng phòng không ở Hà Nội hạ 25 máy bay. |
Từ những khó khăn đó, lực lượng phòng không - không quân đã tìm cách đánh mới: chỉ đánh vào 1/3 dải nhiễu là trúng đích; còn bay từng tốp thì cứ bám vào 1 chiếc và áp dụng cách đánh đó là “ăn”. Để bắt được B52, lực lượng phòng không cũng phải nâng công suất cho 3 loại máy phát và 6 loại máy thu.
Nhờ những cải tiến đó, đúng 20h11 phút ngày 19/12/1972, tốp B52 của Mỹ bay từ Lào sang đã lọt vào tầm ngắm của tên lửa SAM 2. Chỉ vài giây sau đó chiếc B52 bị bắn hạ.
Các chiến sĩ đơn vị phòng không không quân bảo vệ bầu trời Hà Nội
Toàn bộ chiến dịch Điện Biên Phủ trên không 12 ngày đêm, các đơn vị tên lửa đã hạ 29 chiếc B52, trong tổng số 34 chiếc. Riêng ở Hà Nội bắn rơi 25 chiếc B52, trong đó 16 chiếc rơi tại chỗ. Trung đoàn Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt bắn rơi 12 chiếc, trong đó 7 chiếc rơi tại chỗ.
Đến bây giờ Trung tướng Phiệt vẫn thừa nhận bắt được B52 trên màn hình cực khó. Nhưng nếu đã bắt được nó đi như con nhộng trên màn hình thì bắn quả nào trúng quả ấy.
Ngoài ra, để bớt nhiễu do đám máy bay F4 đi theo bảo vệ B52 gây ra, lực lượng phòng không quân quân còn sử dụng chiến thuật bắn tên lửa giả (tên lửa vẫn nằm dưới đất nhưng sóng phát tên lửa đã ra ngoài). “Mỗi lần làm như vậy đám F4 nháo nhào chạy bỏ lại B52, chúng tôi tha hồ xử lý”, Trung tướng Phiệt hồ hởi nói.
Chính vì chiến thuật bắn tên lửa giả, Trung tướng Phiệt cho biết, Mỹ đã sập bẫy SAM 2 trên bầu trời Hà Nội. Chúng đã công bố nhầm chúng ta bắn hơn 1.000 quả tên lửa trong chiến dịch B52. “Thực chất chỉ bắn 334 quả, riêng 12 ngày đêm ở Hà Nội ta bắn 241 quả và diệt 25 B52”, Trung tướng Phiệt tự hào.
Theo Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt, trong những ngày đối đầu với không quân Mỹ, có những chiến sĩ đã trở thành “đài rađa sống”. Mặc dù tứ bề bị máy bay địch dội bom những các chiến sĩ vẫn kiên cường ngồi trên đài dùng kính quang học nhìn máy bay địch (khoảng cách nhìn được từ 40 - 45km) để báo cho lực lượng phòng không bắn hạ mục tiêu. |
Quang Phong