(Dân trí) - Giữa làn mưa bom, bão đạn, ông Thoảng gan dạ bơi ra dòng sông Thạch Hãn, dùng răng cắn nối đường dây liên lạc để giữ mạch thông tin cho đồng đội chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.
Những ngày tháng 4, khi cả nước đang hướng tới kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ký ức về cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị lại ùa về trong tâm trí của Trung tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Mai Ngọc Thoảng.
Anh hùng Mai Ngọc Thoảng sinh ra ở vùng quê xứ Mường, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa. Năm nay đã 71 tuổi nhưng ông còn khá nhanh nhẹn, minh mẫn. Mỗi khi nhắc về cuộc chiến 81 ngày đêm ở Thành cổ Quảng Trị, đôi mắt ông bừng sáng nhớ lại ký ức hào hùng với những lần vượt "mưa bom, bão đạn" nối đường dây liên lạc trên chiến trường.
"Đó là một cuộc chiến không thể nào quên. Cho đến bây giờ, trong tâm trí tôi vẫn luôn nhớ về những trận đánh, những lần cùng đồng đội xông pha ở chiến trường. Thậm chí, trong giấc mơ, hình ảnh về cuộc chiến cam go, ác liệt ấy vẫn thường xuyên xuất hiện", ông Thoảng nói.
Nhớ lại ký ức về trận chiến lịch sử, ông Thoảng kể, năm 1972, ông cùng các chiến sĩ trong Đại đội thông tin 18, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B (sau này là Sư đoàn 390, Quân đoàn 1) được điều động tham gia chiến dịch giải phóng thị xã Quảng Trị.
Sau nhiều trận đánh diễn ra cam go với quân địch, ngày 1/5/1972 toàn bộ thị xã Quảng Trị được giải phóng. Lúc bấy giờ, quân ta thừa thắng xông lên với ý định giải phóng Thừa Thiên Huế. Cùng thời điểm, Mỹ - Ngụy quyết định dốc toàn bộ lực lượng, mở cuộc phản kích hòng tái chiếm lại thị xã Quảng Trị để gây sức ép cho ta tại Hội nghị Paris.
Trong cuộc tái chiếm thị xã Quảng Trị, quân địch đặt mục tiêu bằng mọi giá phải chiếm lại Thành cổ Quảng Trị trước khi Hội nghị 4 bên chính thức khai mạc tại Paris để thảo luận các vấn đề về Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Địch huy động toàn bộ lực lượng chủ lực, pháo binh, hỏa lực, bộ binh, máy bay và giàn vũ khí tối tân, hiện đại, mở chiến dịch Lam Sơn 72, liên tục dội bom, bắn phá Thành cổ. Trong suốt 81 ngày đêm (từ 28/6 đến 16/9/1972), hàng trăm tấn bom liên tục đổ dồn vào Thành cổ.
Trước sự bắn phá ác liệt của quân địch, trong muôn vàn hiểm nguy, gian khổ, các trung đoàn chủ lực của Sư đoàn 320B dồn toàn lực để phòng ngự. Trong đó, Trung đoàn 48 (biệt danh là Trung đoàn Quang Sơn) là một trong những trung đoàn được giao nhiệm vụ chốt giữ tại Thành cổ Quảng Trị.
"Thành cổ Quảng trị lúc bấy giờ trở thành túi đựng bom đạn, hàng nghìn chiến sĩ của ta hy sinh. Có thể nói, sức công phá của trận đánh tương đương 7 quả bom nguyên tử trút xuống Hirosima (Nhật Bản), trận chiến khốc liệt đến nỗi gang thép cũng phải chảy.
Nhưng với quyết tâm "Quang Sơn còn thì Quảng Trị còn", với tình yêu dân tộc, tất cả vì tổ quốc, quân ta với lực lượng và vũ khí hạn chế nhưng vẫn anh dũng chiến đấu kiên cường để bảo vệ thành công Thành cổ", vị anh hùng nhớ về thời khắc ác liệt trong trận chiến.
Ông Thoảng cho biết, trong trận chiến 81 ngày đêm lịch sử, đơn vị của ông đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo đường dây thông tin liên lạc phục vụ chiến đấu.
Thời điểm diễn ra trận chiến, ông Thoảng đảm nhiệm chức vụ Tiểu đội trưởng Tiểu đội thông tin hữu tuyến. Trước sức công phá khủng khiếp của quân địch, ông cùng đồng đội nhiều lần vượt "mưa bom, bão đạn" để đảm bảo đường dây cho sở chỉ huy chỉ đạo cuộc chiến đến các trung đoàn, đơn vị.
"Có những trận đánh kéo dài suốt 48h. Những lúc như vậy, thông tin càng đóng nhiệm vụ hết sức quan trọng, là mạch máu của chỉ huy, mất thông tin là mất chỉ huy. Vì vậy, lúc cuộc chiến đấu cam go nhất, cũng là lúc những người lính thông tin như chúng tôi càng phải lao ra chiến trường để đảm bảo đường dây được thông suốt", ông Thoảng nói.
Theo ông Thoảng, trong trận chiến bảo vệ thành cổ, mạng lưới thông tin được bố trí dày đặc, từ đường dây dưới mặt đất đến lòng sông Thạch Hãn đều được thiết lập để quá trình truyền tải thông tin được thông suốt. Cũng không ít các chiến sĩ thông tin của đơn vị ông đã anh dũng hy sinh, nằm lại nơi chiến trường.
Chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ, ông Thoảng cho biết giữa tháng 8/1972, cuộc chiến diễn ra cam go nhất. Thời điểm này, dòng sông Thạch Hãn đóng vai trò trọng điểm trong việc tiếp tế hậu cần, quân binh. Cũng chính nơi này, quân địch liên tục thả bom để chặn đường của ta.
Trong một trận dội bom của địch vào dòng sông Thạch Hãn, đường dây thông tin bị đứt, việc chỉ đạo chiến đấu của sở chỉ huy bị gián đoạn, tiểu đội của ông Thoảng được giao nhiệm vụ nối đường dây trên sông.
Tuy nhiên, trước sự bắn phá ác liệt của quân địch, 3 chiến sĩ của đơn vị ông Thoảng đều hy sinh khi nỗ lực nối đường dây. Trong tình thế nguy cấp, ông Thoảng cùng đồng đội Quách Mạnh Nhạc (người cùng quê huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) xung phong nhận nhiệm vụ.
"Đồng chí Nhạc đứng trên bờ nhận nhiệm vụ quay máy, còn tôi bơi ra giữa sông để nối đường dây. Khi ra đến giữa sông, do dòng nước chảy xiết, tôi cầm hai đầu dây rồi dùng răng cắn chặt để dây không rơi xuống nước. Việc giữ đường dây này được duy trì khoảng 30 phút.
Có những lúc, anh Nhạc quay máy, dòng điện phát ra khiến tôi đau đến tê liệt dây thần kinh, ngất đi. Sau khi được đưa lên bờ, tôi mới biết mình vừa duy trì thành công mạch thông tin để Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo và động viên anh em ở chiến trường", ông Thoảng nhớ lại.
Hành động dũng cảm, gan dạ của ông Thoảng đã góp phần vào chiến thắng của quân ta trong trận chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Năm 1973, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân khi mới 20 tuổi.
Lần giở những dòng lưu bút và nhìn lại những kỷ vật quý giá một thời hoa lửa, ông Thoảng cho biết, hơn 50 năm qua, những ký ức về đồng đội năm xưa vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí. Người anh hùng thông tin luôn mong mỏi được gặp lại những người chiến sĩ năm xưa ở Thành cổ Quảng Trị để cùng nhau ôn lại kỷ niệm khó phai nhất cuộc đời.
Vị anh hùng chia sẻ, sau chiến thắng tại Thành cổ Quảng Trị, ông cùng các chiến sĩ của đơn vị tiếp tục được điều động vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Cho đến khi đất nước hoàn toàn giải phóng, ông trở về công tác ở phòng Chính trị Sư đoàn 390 (Quân đoàn 1), rồi lập gia đình.
Hiện anh hùng Mai Ngọc Thoảng cùng gia đình sinh sống tại khu phố 12, phường Ngọc Trạo, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Sau khi về quê, phát huy tinh thần chịu khó, cần cù của người lính Cụ Hồ, ông luôn tích cực làm kinh tế và các hoạt động công tác xã hội, lãnh đạo ở địa phương để góp phần xây dựng phát triển quê hương, đất nước.
Từ năm 1993 đến năm 1999, ông được nhân dân địa phương tín nhiệm bầu làm Trưởng khu phố 12; năm 1999 ông làm Phó Chủ tịch HĐND phường Ngọc Trạo. Từ năm 2000 đến năm 2010 ông giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Ngọc Trạo, thị xã Bỉm Sơn.
Nối tiếp truyền thống cách mạng của gia đình, con gái thứ 2 của ông Thoảng cũng đang công tác trong quân đội, còn con gái đầu làm giáo viên một trường cấp 3 trên địa bàn huyện Thạch Thành.
Ông Lê Hồng Phong, Chủ tịch UBND phường Ngọc Trạo, thị xã Bỉm Sơn cho biết, Anh hùng Mai Ngọc Thoảng là tấm gương sáng, đảng viên ưu tú để các thế hệ trẻ noi theo.
"Quá trình làm lãnh đạo từ khu phố đến Đảng ủy phường Ngọc Trạo, dù ở vị trí công tác nào ông vẫn luôn nỗ lực làm tròn nhiệm vụ được giao. Không chỉ vậy, tại chi bộ khu phố, ông Thoảng luôn gương mẫu, nhận được sự tín nhiệm cao trong quần chúng nhân dân, giúp chi bộ ngày càng phát triển vững mạnh, góp phần xây dựng quê hương, đất nước", ông Phong chia sẻ.
Năm 2022, ông Thoảng được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tặng Bằng khen vì đã có thành tích trong công tác "Đền ơn, đáp nghĩa"; năm 2020, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân tộc giai đoạn 2010-2020; năm 2019 ông được tặng Bằng khen vì có nhiều thành tích xuất sắc trong đóng góp phát triển kinh tế, bảo vệ an ninh biên giới thời kỳ hội nhập và phát triển…