1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Anh hùng Hồ Giáo tuổi xế chiều

(Dân trí) - Trong một chuyến về Quảng Ngãi, tôi chợt nhớ đến anh hùng Hồ Giáo, người từng được Nhà nước hai lần phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động. Tôi quyết tìm gặp ông bằng được. Muốn vậy phải vào trại giống trâu bò xã Hành Thuận.

Tôi về trại giống xã Hành Thuận (Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) vào một ngày tháng 8 nắng gắt. Đi mãi xuống cuối trại vẫn chưa thấy ông Giáo đâu. Một người đàn ông chỉ cho tôi biết ông đang cắt cỏ ở gần trại trâu. Ông Giáo đang lụi hụi cắt cỏ, cả người ông ướt đẫm mồ hôi.

 

Ông đưa tay quệt mồ hôi trên trán, vừa nói vừa thở: “Hôm nay trời nắng quá nên hơi mệt. Đợi tui cắt ít cỏ cho mấy con trâu vì đã đến giờ cho trâu ăn”. Nói dứt lời ông xốc bó cỏ lên hông, đi vào trại trâu.

 

Trại trâu được xây dựng từ lâu, phía ngoài đã cũ kỹ nhưng bên trong rất khá sạch sẽ. Phía bên kia là nơi nuôi bò của trại. Thấy ông vào, con trâu cái Núi Trà (mỗi con trâu đều được ông đặt tên gắn với những địa danh quê hương) ọ lên mấy tiếng chào chủ rồi tiến sát về phía ông, dùng sừng cà cà vào người ông…

 

Ông Hồ Giáo sinh ra trong một gia đình nghèo có 6 người con ở thôn Bình Thọ, xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Năm 12 tuổi, ông đã phải đi ở đợ cho các địa chủ trong vùng để kiếm miếng ăn, cực khổ không kể xiết. Năm 1948, ông đi theo cách mạng, tham gia chiến đấu, đến năm 1954 ông tập kết ra Bắc.

 

Sáu năm sau, ông chuyển ngành sang làm việc ở nông trường Ba Vì - Sơn Tây. Năm 1966, ông được Nhà nước phong tặng Anh hùng lao động vì tận tụy với công việc và có những đóng góp to lớn cho ngành chăn nuôi bò sữa. Chính tại nơi đây, ông đã gặp cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

 

Năm 1976, ông chuyển về công tác tại Trung tâm Nghiên cứu trâu và đồng cỏ miền Đông Nam bộ (tỉnh Sông Bé). Năm 1986, một lần nữa ông lại được Nhà nước phong tặng Anh hùng lao động lần hai vì đã có công phát triển giống trâu Mura do Chính phủ Ấn Độ tặng Việt Nam. Cả miền Đông Nam bộ bấy giờ ngập tràn trâu giống Mura.

 

Năm 1991, khi ông xin  nghỉ hưu, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng gọi ông lên giao trực tiếp nhiệm vụ chăm sóc chu đáo 15 con trâu, trong đó có 2 con do Thủ tướng Ấn Độ tặng riêng Thủ tuớng Phạm Văn Đồng, với lời dặn dò: “Hãy tạo ra thật nhiều trâu có sức kéo khỏe để tặng cho nông dân nghèo, còn sữa bò thì không được bán mà đưa cho các cháu ở các trường mầm non”.

 

15 con trâu ban đầu của Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi ấy, giờ đã nhân ra không biết bao nhiêu lứa đưa về các huyện của Quảng Ngãi.

 

Nay đã ở cái tuổi xế chiều (79 tuổi) nhưng cứ sáng ra ông lại xách chiếc cặp lồng cơm do vợ chuẩn bị, đi bộ 5 km đến trại trâu, chiều chiều lại đi bộ về.

 

Rồi câu chuyện của ông chợt đượm buồn: “Tháng ba vừa qua, tui có ra Hà Nội nhân dịp cả nước phát động phong trào học tập và noi theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Một doanh nghiệp đã mời tui ra thủ đô để kể chuyện gặp Bác Hồ. Tui nghe nói họ sắp giải tán trại, chuyển mấy con trâu ra Hà Nội. Nếu thế thì tui buồn lắm. Những con trâu này đã gắn bó với tui, tui xem chúng như con mình vậy”.

 

Rồi ông nói tiếp: “Những con trâu này quà của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cho người dân Quãng Ngãi, cụ đã giao cho tôi chăm sóc thì tôi phải có trách nhiệm. Những lời cụ căn dặn dù khó đến mấy tôi cùng làm”.

 

Phía trong bốn con trâu đang ọ…ọ mấy tiếng như gọi chủ. Ông âu yếm vuốt ve từng con một, từ con Trà Câu, con Tây Trà đến con Cà Đam, con Núi Trà. Đối với ông, những con trâu này là một phần máu thịt…

 

Khánh Hồng