Ăn trứng gia cầm thời "tẩy chay"
(Dân trí) - Người dân đã trở lại với những sản phẩm gia cầm sau một thời gian khá dài "tuyệt thực" vì sợ cúm. Và có lẽ sản phẩm dễ chế biến, ít nguy cơ nhất là trứng.
Băn khoăn thịt gà
Tại quầy thịt gà trong Siêu thị Big C, gà sạch hiệu Phúc Thịnh bày bán khá nhiều, đóng gói cả con hoặc nửa con, 38.000đ/kg. Khá nhiều khách hàng dừng chân, chú ý đến sản phẩm thịt gà. Hầu hết khách không hề lo lắng, dao động về cúm ở sản phẩm gà sạch. Họ hoàn toàn yên tâm chọn mua về để chế biến món ăn cho cả gia đình. Điều băn khoăn, cân nhắc nằm ở chất lượng của gà sạch Phúc Thịnh và thói quen tiêu dùng của gia đình mình.
Chị Phạm Thị Lượng (Thanh Xuân - Hà Nội) cầm một khay thịt gà lên, tần ngần một chút rồi lại thả xuống. Chị cho biết, ngay từ ngày đầu siêu thị BigC bán thịt gà trở lại chị đã mua về dùng 3 - 4 lần. Nhưng lần này chị quyết định không tiếp tục mua gà Phúc Thịnh vì: “Ở đây chỉ có gà tam hoàng, kiểu gà công nghiệp béo, mỡ, nhiều da, thịt nhũn và nhạt, không ngon. Các cháu nhà tôi bảo thèm ăn thịt gà nhưng ăn gà Phúc Thịnh đến lần thứ hai là chán. Gia đình tôi trước nay chỉ thích ăn gà ta thôi. Tại sao ở đây lại không có bán gà ta sạch nhỉ?”.
Suy nghĩ của chị Lượng cũng là băn khoăn của nhiều bà nội trợ trước quầy thịt gà khay nào khay nấy đều tăm tắp những khối thịt béo tròn, sờ nhũn và chảy da. Da gà trắng hơi nhợt, nhìn không thể hấp dẫn bằng gà ta xương xương, chắc nịch, da nổi gân trong.
Các bà nội trợ chép miệng quay ra quầy bày trứng mua “tạm”.
Trứng “sạch” và “không sạch”
| |
Mua trứng ở siêu thị độ an toàn |
Món trứng chế biến cũng đơn giản, tiện dụng, là món ăn không thể thiếu trong mỗi gia đình. Chị Lượng (ở Thanh Xuân) khẳng định gia đình chị chưa bao giờ bỏ không dùng trứng, kể cả trong thời gian dịch cúm đang bùng phát mạnh mẽ. Chị vẫn thường xuyên ốp-lết trứng kẹp bánh mì cho các con ăn sáng, thường xuyên chế biến món trứng đúc thịt, trứng luộc dầm mắm chấm rau cải, trứng cuộn… trong bữa ăn gia đình. Dịch cúm chỉ gây ảnh hưởng duy nhất với gia đình chị là… giá trứng rẻ hơn rất nhiều, có thời điểm giá chỉ 4.500 - 5.000đ/chục trứng. Chị Lượng cho rằng trứng an toàn, chỉ cần cẩn thận, tránh tiếp xúc lâu trặc tiếp với trứng sống, còn khi chế biến rồi thì vi rút H5N1 không thể tồn tại. Chỉ nên tránh ăn các món trứng trần tái, sống.
Trong khi đó, ở một khu vực ngoại thành Hà Nội, trứng gia cầm vẫn được dùng phổ biến mà không ai biết sự an toàn của nó có được cơ quan nào đảm bảo. Tại các chợ làng khu vực Yên Viên (Hà Nội), Đình Bảng (Bắc Ninh), từ trứng chim cút, trứng gà, trứng vịt, trứng ngỗng, trứng vịt lộn vẫn bày bán thường ngày. Người bán người mua không mấy ai lo sợ về đại dịch.
| |
Chị Phú (Yên Viên) vẫn thoải mái dùng trứng không rõ nguồn gốc cho bữa ăn gia đình. |
Đám sinh viên trường Trung học Thuỷ sản IV khu vực Đình Bảng thì mừng rơn vì trứng rẻ và “cẩn thận một chút là OK”. Long - SV năm thứ hai bày cách tránh dịch: “Em cứ đến hàng bán trứng, nói người bán chọn hộ, bỏ vào hai lần túi nilon, buộc chặt lại rồi cứ thế xách về nhà, thả cả túi trứng y nguyên như thế vào nồi nước, luộc kỹ. Thế là yên tâm, mình có động vào quả trứng đâu”. Trứng rẻ, 4.500/chục trứng vịt. 1.500đ/chục trứng cút… ăn thoải mái!”.
Vậy là dù trứng “sạch” hay chưa chắc đã “sạch” vẫn là món ăn bình thường thời cúm gia cầm. Đó có phải là cách nghĩ cứu sống ngành chăn nuôi gia cầm thời tiêu huỷ, tẩy chay hàng loạt này?
Phương Thảo - Nguyễn Hiền