“Án oan Huỳnh Văn Nén, nếu không xử đủ người, đúng tội sẽ là tiền lệ xấu!”

(Dân trí) - Là một trong những luật sự bảo vệ cho ông Huỳnh Văn Nén, luật sư Phạm Công Út (Đoàn luật sư TPHCM) cho rằng cần làm rõ trách nhiệm, xét xử “đủ người đúng tội” với những ai đã gây nên án oan cho ông Nén…

Liên quan đến vụ án dẫn đến cái chết của bà Lê Thị Bông (ở xã Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận hồi năm 1998), khiến ông Huỳnh Văn Nén bị kết án tù chung thân, tính đến thời điểm được cho tại ngoại để chữa bệnh (vào ngày 22/10/2015), ông Nén đã thụ án oan hết 17 năm 5 tháng 5 ngày. Mới đây ông Nén được công bố quyết định đình chỉ điều tra (ngày 28/11/2015). Luật sư Phạm Công Út (đoàn luật sư TPHCM) đưa ra quan điểm: Cần phải làm đến nơi đến chốn, quy trách nhiệm cụ thể của từng người  đã trực tiếp hoặc gián tiếp gây nên án oan này.

Cũng theo luật sư Phạm Công Út, Cơ quan điều tra nên nhanh chóng vào cuộc khởi tố những người có dấu hiệu làm sai trong vụ này, khiến ông Huỳnh Văn Nén phải ngồi tù oan trong một thời gian rất dài (gần 2 thập kỷ). "Theo quan điểm cá nhân tôi, một số điều tra viên trong vụ án kể trên có dấu hiệu phạm 2 tội: Một là cố ý làm sai lệch hồ sơ; Hai là có dấu hiệu cố ý truy tố người không có tội…", ông Út nhấn mạnh.

 

Ông Huỳnh Văn Nén phải ngồi tù oan gần 2 thập kỷ (ảnh: Trọng Vũ)
Ông Huỳnh Văn Nén phải ngồi tù oan gần 2 thập kỷ (ảnh: Trọng Vũ)

Phóng viên: Còn về vấn đề thời hiệu thì sao thưa ông, khi vụ án đã xảy ra rất lâu?

Luật sư Phạm Công Út: Đây là vụ án có hậu quả nghiêm trọng, đối chiếu với tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội theo điều 293 khoản 3 về tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, theo điều 300 khoản 3 thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 15 năm, kể từ ngày có hành vi phạm các tội này.

Việc tính thời hiệu ở đây không phải tính theo ngày bắt đầu của chuỗi hành vi phạm tội, mà cần tính theo thời điểm cuối cùng của hành vi này. Theo tôi, nếu những người làm sai trong vụ án Huỳnh Văn Nén không bị xử phạt nghiêm minh, sẽ trở thành tiền lệ nguy hiểm về sau. Cần cân nhắc kỹ lưỡng ở chỗ họ đã dẫn dắt bộ máy tư pháp địa phương đi sai hướng.

Một vấn đề được quan tâm khác là chi phí bồi thường cho ông Huỳnh Văn Nén, trong trường hợp ông Nén chịu án oan sau ngần ấy năm ngồi tù. Chi phí bồi thường ở đây sẽ như thế nào, thưa ông?

Vấn đề này sẽ dựa vào luật trách nhiệm bồi thường. Cơ quan chức năng sẽ xác minh, thu thập chứng cứ về thiệt hại của người bị oan. Việc bồi thường hiện nay đặt nặng vấn đề thương lượng giữa người bị oan, gia đình người bị oan với tòa. Trong trường hợp các bên không thể thương lượng với nhau, người bị oan và gia đình có thể kiện ra tòa hành chính.

Tuy nhiên, điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây chính những thiệt hại tinh thần và thể chất mà ông Huỳnh Văn Nén đã chịu trong suốt gần 18 năm ngồi tù. Gia đình vợ con phải chịu điều tiếng ra sao khi mang tiếng có chồng, có cha bị buộc tội giết người rồi phải ở tù ngần ấy năm.

Rồi thiệt hại vô hình với cha ông Nén là ông Huỳnh Văn Truyện, khi ông ròng rã ngược xuôi, ngõ cửa các nơi kêu oan cho con trai cũng chừng ấy năm. Những thiệt hại đấy, khó đong đếm bằng con số thông thường được. Đó là chưa kể đến việc mẹ ông Nén qua đời với mặc cảm con phải ngồi tù - mà ngồi tù oan, cũng không thể đo lường được bằng phương pháp vật lý.

Xin cảm ơn ông!

Trọng Vũ (thực hiện)

 

“Án oan Huỳnh Văn Nén, nếu không xử đủ người, đúng tội sẽ là tiền lệ xấu!” - 2