Ông Huỳnh Văn Nén được bồi thường ít hơn ông Nguyễn Thanh Chấn?

(Dân trí) - Mặc dù thời gian ngồi tù oan lên tới 17 năm 5 tháng, nhưng ông Huỳnh Văn Nén (huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) vẫn có thể nhận số tiền bồi thường oan sai thấp hơn ông Nguyễn Thanh Chấn - người vừa qua đã nhận được 7,2 tỷ đồng bồi thường cho 10 năm oan sai.

 

Tính đến thời điểm được tại ngoại để chữa bệnh, ông Huỳnh Văn Nén ngồi tù oan 17 năm 5 tháng (Ảnh: Trọng Vũ).
Tính đến thời điểm được tại ngoại để chữa bệnh, ông Huỳnh Văn Nén ngồi tù oan 17 năm 5 tháng (Ảnh: Trọng Vũ).

 

Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Việt Hưng - Phó cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp) cho rằng số tiền bồi thường oan sai cho ông Huỳnh Văn Nén (thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) có thể cao hơn, nhưng cũng có thể thấp hơn số tiền 7,2 tỷ đồng mà Tòa tối cao TAND Tối cao đã bồi thường cho ông Nguyễn Thanh Chấn (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) cách đây chưa lâu.

Theo ông Hưng, trong tổng số tiền 7,2 tỷ đồng mà ông Nguyễn Thanh Chấn nhận được chỉ có 665 triệu đồng bồi thường tổn thất tinh thần cho 10 năm ngồi tù oan; số còn lại là chi phí ăn, ở, đi lại kêu oan của người thân, chi phí cho những người mà lẽ ra ông Chấn phải phụng dưỡng...

Tương tự như vậy, ông Hưng ước tính với thời gian ngồi tù oan trên 17 năm, ông Huỳnh Văn Nén có thể nhận được số tiền bồi thường tổn thất tinh thần vào khoảng 750-800 triệu đồng.

“Chi phí ăn ở, đi lại kêu oan, khiếu nại tố cáo, chi phí cho những người mà ông ấy phải phụng dưỡng, chăm sóc nếu không phải ngồi tù, chi phí sinh hoạt và chi tiêu ở tỉnh Bình Thuận thời điểm này, thiệt hại về tài sản, mức thu nhập trung bình ở địa phương,... sẽ được đưa ra tính toán để xem xét bồi thường. Những khoản này giữa ông Chấn và ông Nén có sự khác nhau nên số tiền bồi thường sẽ có sự chênh lệch, có thể bồi thường cho ông Nén cao hơn nhưng cũng có thể thấp hơn ông Chấn”- ông Hưng nhìn nhận.

Tính đến thời điểm được tạm cho tại ngoại để chữa bệnh vào chiều 22/10/2015, ông Huỳnh Văn Nén đã ngồi tù hơn 17 năm 5 tháng. Dự kiến ngày 3/12, các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận sẽ tổ chức xin lỗi công khai ông Nén tại thị trấn Tân Minh nơi ông Nén đang cư trú.

Theo hồ sơ vụ án, ông Huỳnh Văn Nén bị khởi tố điều tra về hai tội danh “Giết người” và “Cướp tài sản” trong vụ án giết bà Lê Thị Bông vào ngày 23/4/1998 ở huyện Hàm Tân và bị bắt vào ngày 17/5/1998.

Khi đang bị bắt giữ, ông Nén khai ra vụ án giết bà Dương Thị Mỹ (kỳ án vườn điều) cùng với 9 người khác trong gia đình mình (xảy ra trước đó nhiều năm - ngày 18/3/1993 tại huyện Hàm Tân).

Ngày 31/8/2000, ông Huỳnh Văn Nén bị TAND tỉnh Bình Thuận xử phạt chung thân trong vụ án giết bà Lê Thị Bông; còn vụ giết hại bà Dương Thị Mỹ, ông Nén lãnh án 6 năm tù và 9 người thân khác cũng bị tù tội.

Tuy nhiên đến năm 2005, vụ giết bà Dương Thị Mỹ đã được xác định oan sai và 9 người thân của ông Nén đã được nhà nước bồi thường. Riêng ông Nén vẫn phải tiếp tục kêu oan trong vụ án giết hại bà Lê Thị Bông.

Đến tháng 10/2014, VKSND Tối cao kháng nghị hủy án ông Huỳnh Văn Nén sát hại bà Lê Thị Bông vì có quá nhiều sai sót, mâu thuẫn trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

 

TAND tỉnh Bình Thuận phải bồi thường oan sai cho ông Nén

Như Dân trí đã phản ánh, sau khi được cơ quan chức năng xin lỗi công khai tại nơi cư trú, ông Nguyễn Thanh Chấn đã làm đơn yêu cầu TAND Tối cao bồi thường oan sai trên 9,3 tỷ đồng. Sau đó giữa gia đình ông Chấn và TAND Tối cao đã có sự trao đổi, tính toán, thỏa thuận về mức tiền bồi thường và chốt lại ở mức trên 7,2 tỷ đồng.

Theo một chuyên gia luật, ông Huỳnh Văn Nén bị kết án chung thân bằng bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Bình Thuận. Chính vì thế tới đây, gia đình ông Nén cần nhờ luật sư tính toán số tiền bồi thường để làm đơn yêu cầu TAND tỉnh Bình Thuận phải bồi thường xứng đáng cho những tổn thất mà cả gia đình ông phải gánh chịu suốt quãng thời gian trên 17 năm qua. Trường hợp hai bên không thỏa thuận được số tiền bồi thường phù hợp thì ông Nén có thể khởi kiện ra tòa.

 

Thế Kha