Ẩn họa từ những căn nhà cheo leo vách núi ở Đà Lạt
(Dân trí) - Vụ sạt lở taluy khiến 2 người chết ở TP Đà Lạt (Lâm Đồng) một lần nữa là tiếng chuông cảnh báo việc xây dựng các công trình "tựa núi" ở thành phố du lịch này.
Những năm gần đây, vùng ven TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) được chọn để xây dựng các công trình phục vụ mục đích du lịch, với những vị trí đắc địa có thể ngắm cảnh núi, rừng đẹp.
Để xây dựng được các công trình nhà ở, quán cà phê nằm cheo leo bên sườn đồi, các chủ đầu tư đã làm bờ taluy cao cả chục mét.
Từ đây, những ẩn họa nhà "cheo leo" ở Đà Lạt xuất hiện. Nhà "tựa lưng" vào sườn đồi, phía dưới là thung lũng, suối hoặc là rừng thông.
Người dân xây dựng nhà cửa ven theo sườn đồi ở phường 10, TP Đà Lạt.
Trên trục đường Hoàng Hoa Thám (phường 10, TP Đà Lạt), các ngôi nhà chen chúc, lớp trên, lớp dưới san sát nhau.
Sau cơn mưa cách đây 2 tuần, một bờ taluy tại hẻm 36 (đường Hoàng Hoa Thám) đã sạt lở khiến 2 người tử vong. Nhiều công trình gần đó cũng bị hư hỏng nặng.
Bà Tuyết (sống ở đường Hoàng Hoa Thám) chia sẻ, khi thấy chủ đầu tư công trình làm bờ taluy, đổ đất cao mấy chục mét, người dân trong khu vực đều lo lắng. Ngờ đâu sự việc đau lòng lại xảy ra khiến 2 vợ chồng công nhân làm thuê cho chủ công trình tử vong thương tâm.
"Tôi ở khu vực này, khi xây nhà đã tốn hơn 500 triệu đóng cọc nhồi và làm móng. Nhưng chỉ làm nhà nhỏ thôi, còn họ làm công trình to như vậy không biết đã phê duyệt thiết kế thi công như thế nào, lại để ra sự việc đau lòng như vậy. Sau vụ việc này, tôi kiến nghị phải kiểm soát chặt việc xây taluy cao, để người dân sống xung quanh không phải lo lắng sạt lở", bà Tuyết kiến nghị.
Sau vụ sạt lở nghiêm trọng tại đây, nhiều hộ gia đình sống quanh khu vực này được chính quyền địa phương di dời sang khu vực khác.
Ngoài ra, phía chính quyền chủ động đánh sập một phần bờ taluy còn lại; cắt cử lực lượng kiểm soát khu vực nguy hiểm để bảo đảm an toàn cho người dân.
Ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết qua rà soát trên địa bàn toàn tỉnh, có hơn 170 điểm sạt trượt được phát hiện và xử lý.
"Sự cố vừa qua bộc lộ những vấn đề trong công tác quản lý và thi công các công trình tại Đà Lạt", ông Hiệp nói.
Sau sự cố nghiêm trọng tại Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng quyết định dừng toàn bộ việc cấp giấy phép xây dựng đối với những công trình có độ dốc lớn, không đảm bảo an toàn để xây dựng công trình.
Tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nhận định, địa hình của Đà Lạt là đồi núi dễ sạt trượt nên việc cấp phép xây những ngôi nhà có khối tích lớn ở những khu vực này là không an toàn.
"Trường hợp sạt lở taluy vừa qua như một cảnh báo phải lưu ý, vì nếu không sửa sai thì trong tương lai rất có khả năng sẽ xảy ra trường hợp tương tự và có thể nặng hơn, chứ không chỉ dừng lại ở hậu quả vừa ghi nhận", kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nói.