Trách nhiệm pháp lý vụ sạt lở taluy làm 2 người chết ở Đà Lạt

Dân trí

(Dân trí) - Nguyên điều tra viên cho rằng cần rà soát hồ sơ dự án, đánh giá tính pháp lý, năng lực cũng như việc tuân thủ các quy tắc nghề nghiệp của các đơn vị thi công để xác định trách nhiệm pháp lý (nếu có).

Công an TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, đã khởi tố vụ án Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại phường 10 rạng sáng 29/6.

Trước đó, như Dân trí đã thông tin, rạng sáng 29/6, một taluy cao khoảng 30m, dài 20m bất ngờ đổ sập xuống dưới hẻm 36 đường mới Hoàng Hoa Thám, phường 10. Sự việc làm sập và hư hỏng một số căn nhà, hai công nhân ngủ lại lán bị đất đá đè tử vong.

Qua đánh giá sơ bộ, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng xác định do TP Đà Lạt có mưa lớn liên tục, đồng thời chủ đầu tư đắp đất để tạo mặt bằng thi công nên khiến lượng nước thấm xuống đất lớn. Cộng với khối lượng đất đắp sau lưng tường chắn lớn làm gia tăng áp lực lên taluy nên gây mất khả năng chịu lực, dẫn đến sạt lở và sụp đổ công trình.

Trách nhiệm pháp lý vụ sạt lở taluy làm 2 người chết ở Đà Lạt - 1

Hiện trường vụ sạt lở sáng 29/6 (Ảnh: Hữu Long).

Theo dõi thông tin sự việc, độc giả Dân trí nêu câu hỏi, với việc cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, những cá nhân nào có thể phải chịu trách nhiệm trong vụ án này?

Những vấn đề cần làm rõ

Luật sư Hoàng Ngọc Biên (nguyên Điều tra viên Hình sự cao cấp Bộ Quốc phòng) đánh giá, đây là vụ việc có tính chất rất nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Bởi tính phức tạp cũng như sự liên quan tới rất nhiều người của sự việc, công tác điều tra, xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ cần được tiến hành hết sức tập trung, thận trọng, tỉ mỉ và khách quan thì mới có thể giải quyết triệt để vụ án.

Trách nhiệm pháp lý vụ sạt lở taluy làm 2 người chết ở Đà Lạt - 2

Luật sư Hoàng Ngọc Biên (Ảnh: H.L).

Với những thông tin hiện tại, luật sư cho rằng chưa thể xác định chính xác vai trò cũng như trách nhiệm pháp lý của bất cứ cá nhân nào. Tuy nhiên, với kinh nghiệm nhiều năm hoạt động điều tra, ông Biên cho rằng trong những vụ việc có tính chất như trên, trước tiên cần tập trung làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư cũng như hồ sơ pháp lý của dự án.

"Trong vụ án này, trước tiên cần xác minh chủ đầu tư của công trình xây dựng là tổ chức, cá nhân nào; hồ sơ năng lực của họ ra sao và đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép để thi công, xây dựng hay chưa. Tiếp đến, cần lật lại hồ sơ dự án để rà soát, xác minh các tổ chức, cá nhân có vai trò hỗ trợ như đơn vị cấp phép, khảo sát, thiết kế, giám sát, thi công… là những tổ chức, cá nhân nào; đã đủ giấy tờ pháp lý và năng lực để thực hiện những công việc đó hay chưa.

Sau khi làm rõ danh tính, cơ quan điều tra sẽ làm việc lần lượt với họ để làm rõ vai trò, trách nhiệm của họ đối với từng giai đoạn xây dựng; xác định họ đã làm đúng trách nhiệm, tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc trong quá trình thi công hay có lỗi (cố ý hoặc vô ý) trong quá trình thi công hay không. Nếu có lỗi, đó có phải nguyên nhân góp phần dẫn tới sự việc đau lòng hay không", luật sư Biên nêu quan điểm.

Theo vị nguyên điều tra viên, về nguyên tắc, cơ quan điều tra sẽ yêu cầu tất cả các tổ chức, cá nhân có liên quan đến công trình này phải cung cấp tài liệu, chứng cứ có liên quan đến phạm vi hoạt động của mình. Đây sẽ là căn cứ để xem xét, đánh giá, phân loại làm căn cứ quy buộc trách nhiệm hình sự đối với hậu quả do hành vi phạm tội (nếu có) gây ra.

Do liên quan tới nhiều người, việc thu thập tài liệu, chứng cứ để củng cố hồ sơ vụ án phải được diễn ra cẩn trọng và cần nhiều thời gian. Bởi vậy, luật sư Biên đánh giá việc lãnh đạo UBND TP Đà Lạt yêu cầu các cán bộ liên quan ở lại thành phố để phối hợp với cơ quan điều tra là động thái thể hiện sự trách nhiệm của chính quyền địa phương và sẽ giúp cho quá trình điều tra, xác minh trở nên thuận lợi hơn.

Về tội Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 298 Bộ luật Hình sự 2015, luật sư cho rằng để xác định một cá nhân có phạm tội này hay không, cần căn cứ vào lỗi vi phạm và hậu quả xảy ra. Nói cách khác, cần xác định rõ mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm (nếu có) ở các giai đoạn thi công với hậu quả xảy ra.

Đối với những vụ án như trên, hậu quả xảy ra thường là ngoài ý muốn. Yếu tố lỗi trong vụ án thường là lỗi vô ý, khi người có hành vi vi phạm đã "cẩu thả vì quá tự tin". Trong trường hợp xuất hiện lỗi cố ý trong vụ án, cần xem xét ở những tội danh khác.

Người vi phạm có thể bị xử lý ra sao?

Luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng đánh giá đây là sự việc có tính chất phức tạp, có nhiều tình tiết cần làm rõ. Trách nhiệm pháp lý có thể liên quan tới nhiều cá nhân, nắm giữ các vai trò khác nhau trong quá trình thi công, xây dựng như chủ đầu tư, các đơn vị cấp phép, khảo sát, thiết kế, giám sát hay thi công.

Trách nhiệm pháp lý vụ sạt lở taluy làm 2 người chết ở Đà Lạt - 3

UBND TP Bảo Lộc đã lên phương án đánh sập bờ taluy trái phép tại hẻm 377, đường Trần Phú (Ảnh: Khánh Phúc).

Trong trường hợp bị xác định vi phạm pháp luật hình sự, tùy thuộc kết quả xác minh thiệt hại về con người và tài sản, những người vi phạm có thể bị xử lý theo khoản 2 hoặc 3, Điều 298 Bộ luật Hình sự 2015 về tội Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng. Khung hình phạt tại khoản 2 là 3-10 năm tù còn nếu bị xử lý theo khoản 3, người phạm tội sẽ đối diện mức phạt 7-15 năm tù.

Cũng theo luật sư Dũng, ngoài mức phạt áp dụng đối với các tình tiết định khung tại Điều này, cơ quan chức năng cũng sẽ phân loại bị can (nếu có), phân chia vai trò và trách nhiệm của họ trong vụ án, từ đó xác định khung hình phạt phù hợp đối với mỗi cá nhân.

Hoàng Diệu