An Giang sắp có tượng Phật Di Đà hai mặt lớn nhất miền Tây
(Dân trí) - Nếu như nghệ nhân Thụy Lam từng biết đến là người cha đẻ của tượng Phật Di Lặc ở Núi Cấm đã đạt kỷ lục Châu Á về tượng phật lớn nhất ở đỉnh núi thì hiện nay nhóm ông đang đúc tượng Phật Di Đà 2 mặt được xem là lớn nhất miền Tây.
Anh Hồ Văn Đen, trưởng nhóm thi công tượng Phật Di Đà 2 mặt tại chùa Linh Ẩn Tự (thị trấn Long Bình, huyện An Phú) thuộc đội thi công tượng phật của nghệ nhân Thụy Lam cho biết, tượng phật có chiều ngang lớn nhất 6m, thân tượng cao 18m. Nếu tính từ chân Đài sen đến hết bức tượng thì có tổng chiều cao gần 25m, với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng. Điều đặc biệt của bức tượng này là có hai mặt, một mặt nhìn về chùa Linh Ẩn Tự. Mặt còn lại nhìn qua nước bạn Campuchia.
“Một mặt mà làm chiều cao như thế này đã khó giờ hai mặt mà thiết kế hào quang rộng quá, lần đầu tiên nhóm thực hiện nên cũng gặp nhiều khó khăn lắm! Theo tôi được biết đây là tượng Phật Di Đà lớn nhất miền Tây mà có hai mặt như thế này!” – anh Đen nói.
Cũng theo anh Đen, tượng Phật này có ánh hào quang được thiết kế rộng và lớn hơn rất nhiều bức tượng phật khác mà anh đã đi thiết kế nhiều nơi ở miền tây. Nếu bức tượng hoàn thành thì sẽ soi sáng cả khu vực giáp biên. Hiện nay, nhóm có khoảng 10 người đang thi công liên tục các công việc còn lại như: chỉnh sửa khuôn mặt, sơn thân tượng và tòa đài sen ở dưới chân tượng... Dự kiến đến cuối năm nay sẽ làm xong.
Tượng phật có chiều ngang lớn nhất 6m, thân tượng cao 18m. Nếu tính từ chân Đài sen đến hết bức tượng thì có tổng chiều cao gần 25m, với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng.
Trao đổi với chúng tôi, Đại đức Thích Bửu Niệm, trụ trì chùa Linh Ẩn Tự cho biết, sở dĩ xây hai mặt là do nhu cầu phật tử vùng này muốn có được bức tượng phật lớn để cúng viếng, sau đó ông đã liên hệ với đội thi công tượng phật của nghệ nhân Thụy Lam rồi hình thành ý tưởng xây Phật Di Đà 2 mặt để phật tử hai nước Việt Nam – Campuchia cùng nhau thấy được mặt Phật.
Tính đến thời điểm hiện tại, tượng Phật Di Đà hai mặt này được cho là lớn nhất ở miền Tây
Theo Trụ trì chùa Linh Ẩn Tự cho biết, toàn bộ kinh phí xây dựng do bà con phật tử gần xa đóng góp. Tượng đã làm được gần 70% khối lượng công trình. Sau khi hoàn thành sẽ làm xung quanh tượng là vườn cây sala – nơi Đức Phật ngày xưa viên tịch để cho phật tử đến cúng viếng trong không gian đẹp và yên tỉnh.
Được biết, nghệ nhân Thụy Lam, tên thật là Phạm Dân Chủ, 69 tuổi, quê ở Phường Long Sơn, Thị xã Tân Châu, An Giang không chỉ nổi tiếng trong giới điêu khắc mà còn được nhiều người biết đến, ông chính là tác giả của bức tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi Cấm vừa đạt kỷ lục châu Á vừa qua.
Minh Thư