1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

An Giang:

Ám ảnh với tình trạng sạt lở ở sông Hậu

(Dân trí) - Mặc dù giữa mùa khô nhưng mấy ngày qua trên địa bàn tỉnh An Giang xảy ra liên tục 3 vụ sạt lở nghiêm trọng, trong đó vụ sạt lở tuyến đường liên xã cặp bờ sông Hậu (ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới) là kinh hoàng nhất, "nuốt gọn" 14 ngôi nhà.

Như Dân trí đã thông tin, sáng 22/4 trên tuyến đường liên xã thuộc xã Mỹ Hội Đông đã xảy ra một vụ sạt lở nghiêm trọng làm 14 nhà dân bị kéo sụp xuống sông Hậu trong chớp mắt. Cơ quan chức năng tỉnh An Giang nhận thấy tình hình vụ sạt lở diễn ra phức tạp, có nguy cơ sạt lở tiếp nên khẩn trương di dời trên 108 hộ dân ra khỏi vùng cảnh báo sạt lở nghiêm trọng.


Khu vực xảy ra sạt lở nghiêm trọng.

Khu vực xảy ra sạt lở nghiêm trọng.

Trong lúc ngành chức năng An Giang nỗ lực trong công tác di dời dân, ổn định cuộc sống của hàng trăm người dân ở xã Mỹ Hội Đông thì chiều cùng ngày, trên địa bàn xã Nhơn Hội (huyện An Phú), một vụ sạt lở khác xảy ra làm sụp một đoạn bờ sông dài, gây trở ngại cho người dân qua lại.

Liên quan vụ sạt lở này, chiều 27/4, UBND xã Nhơn Hội báo cáo, vụ sạt lở xảy ra ở bờ sông Bình Di, xảy ra vào khoảng 15h30 ngày 22/4 đã làm sụp bờ sông dài hơn 35 mét, ăn sâu vào đất liền 13 mét, độ sâu khoảng 12 mét. Vị trí sạt lở nằm trên đoạn đường vắng dân cư nên không thiệt hại về người. Tuy nhiên, làm mất một đoạn đường giao thông liên xã, gây nhiều trở ngại cho người dân lưu thông qua tuyến đường này. Hiện nay, tại hiện trường sạt lở xuất hiện nhiều vết nứt, cho thấy sạt lở chưa có dấu hiệu dừng lại.


Hiện trường vụ sạt lở bờ sông Bình Di làm mất một đoạn đường liên xã Nhơn Hội.

Hiện trường vụ sạt lở bờ sông Bình Di làm mất một đoạn đường liên xã Nhơn Hội.

Sau khi nhận được tin, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lâm Quang Thi đã cùng lãnh đạo ban, ngành chức năng trực tiếp thị sát hiện trường và cho ý kiến xử lý. Phó Chủ tịch Lâm Quang Thi yêu cầu huyện An Phú phải bố trí lực lượng canh phòng khu sạt lở, hạn chế tối đa các phương tiện trọng tải lớn qua lại, đồng thời khẩn trương di dời những gia đình nào còn nằm trong khu vực nguy cơ đến nơi an toàn.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND Lâm Quang Thi còn chỉ đạo Sở TN-MT, Sở NN&PTNT tiến hành đo đạc, quan trắc địa hình đáy sông, đánh giá lại tổng thể nguyên nhân sạt lở... từ đó đề xuất những giải pháp hiệu quả trong việc phòng, chống sạt lở.

Trong một diễn biến khác, cách điểm sạt lở nghiêm trọng tại xã Mỹ Hội Đông 10km trên tuyến đường liên xã Kiến Thành và Kiến An xuất hiện một vết nứt chạy dài hơn 200m.

Tuyến đường liên xã nối xã Kiến An và Kiến Thành xuất hiện vết nứt chạy dài hơn 200m. Hiện tuyến đường này, chính quyền địa phương phong tỏa không cho xe ô tô qua lại (ảnh: CTV)
Tuyến đường liên xã nối xã Kiến An và Kiến Thành xuất hiện vết nứt chạy dài hơn 200m. Hiện tuyến đường này, chính quyền địa phương phong tỏa không cho xe ô tô qua lại (ảnh: CTV)

Ngay sau khi nhận được tin báo của chính quyền địa phương, ông Lâm Quang Thi cùng đoàn công tác Sở TN-MT, lãnh đạo huyện Chợ Mới đến khảo sát tình hình. Tại đây, ông Thi chỉ đạo Trung tâm Quan trắc kiểm tra ngay khu vực xảy ra vết nứt, dưới lòng sông có xuất hiện hố xoáy hay hàm ếch không để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh thiệt hại về người và tài sản.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Trương Trung Lập - Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới - cho biết, tuyến đường xuất hiện vết nứt nằm cặp theo sông Ông Chưởng, nếu bị sạt lở sẽ gây khó khăn cho hàng ngàn người dân vì đây là tuyến đường liên xã nối xã Kiến An với xã Kiến Thành.

"Qua khảo sát, chúng tôi thấy có 4 nhà dân nằm cặp bờ sông nguy hiểm nên cho tháo dỡ, đồng thời đặt biển cảnh báo sạt lở và cấm ô tô qua lại tuyến đường này. Khi có kết quả của trung tâm quan trắc, địa phương xin ý kiến UBND tỉnh để có hướng xử lý tiếp theo", ông Lập cho hay.

Tỉnh An Giang hiện có 51 đoạn đoạn sông cảnh báo có nguy cơ sạt lở, với tổng chiều dài 162km trên tổng số 400km đường bờ sông của tỉnh. Trong 162 km cảnh báo có 15 đoạn dài khoảng 30km nằm trong dạng nguy hiểm có khả năng sạt lở cao, uy hiếp khoản hơn 20.000 hộ dân.

Theo báo cáo của đơn vị này, trong những năm gần đây trên địa bàn tỉnh An Giang liên tục xảy ra tình trạng sạt lở bờ sông. Cụ thể năm 2015 xảy ra 20 vụ; năm 2016 xảy ra 18 vụ, thiệt hại 142 căn nhà và nhiều tài sản khác, ước tính mỗi năm thiệt hại do sạt lở hơn 100 tỷ đồng.

Chiều 28/4, trao đổi với PV Dân trí, ông Vũ Minh Thao – Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới, cho biết: tính đến thời điểm hiện tại, điểm sạt lở không ghi nhận thêm điều gì bất thường, nhưng huyện vẫn duy trì lịch trực 24/24h. Hiện nay, lực lượng trực tại các chốt giảm chỉ còn 30 người/ngày (trước đây 150 người/ngày).


Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 sắp tới, hàng chục cán bộ công an, quân sự, dân quân tự vệ vẫn túc trực tại điểm sạt lở 24/24h.

Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 sắp tới, hàng chục cán bộ công an, quân sự, dân quân tự vệ vẫn túc trực tại điểm sạt lở 24/24h.

Đặc biệt, trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 sắp tới, ông Thao cho biết, lịch trực vẫn không thay đổi, tại điểm sạt lở vẫn duy trì 5 điểm chốt trực, gồm lực lượng công an, quân sự, dân quân tự vệ…

Riêng cán bộ UBND xã Mỹ Hội Đông đảm bảo trực 100% để tiếp nhận quà các tổ chức đến hỗ trợ bà con sạt lở, đồng thời giải quyết các vấn đề vướng mắc cho người dân nên không được nghỉ lễ.


Cán bộ xã Mỹ Hội Đông trực 100% và trực 24/24h

Cán bộ xã Mỹ Hội Đông trực 100% và trực 24/24h

Nguyễn Hành