1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Vụ "siêu lừa" Nguyễn Đức Chi:

Ai sẽ trả 11,5 tỉ đồng cho tỉnh Khánh Hòa?

Tiếp tục điều tra vụ Nguyễn Đức Chi - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Đầu tư và phát triển du lịch Rus-Invest-Tur (RIT) - lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hôm nay 4/7, cơ quan công an sẽ làm việc với Sở Tài nguyên - Môi trường Khánh Hòa về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dự án khu nghỉ mát Rusalka ở Nha Trang.

Sao lại quên khoản 11,5 tỉ đồng?

Ngày 3/7, trao đổi với báo chí, ông Mai Đức Chính, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Khánh Hòa cho biết: Sau khi dự án khu nghỉ mát Rusalka được Chính phủ phê duyệt, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo các cơ quan chức năng làm thủ tục giao đất cho RIT. Tại khu đất giao cho RIT có một con đường cụt dài khoảng 1 km chạy qua.

Theo quy hoạch của tỉnh, con đường này sẽ được mở tiếp để thông với Quốc lộ 1A đoạn chạy qua phía bắc thành phố Nha Trang. RIT cho rằng việc mở đường giao thông chạy giữa khu nghỉ mát Rusalka sẽ ảnh hưởng không tốt đến hoạt động du lịch; họ đề nghị tỉnh giao đoạn đường này cho dự án và mở đường theo hướng khác.

Ngày 25/2/2003, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Duân đã chủ trì họp với các ngành chức năng về dự án khu du lịch Rusalka và kết luận: "Theo tính toán của Ban Quản lý dự án các công trình trọng điểm thì RIT cần thanh toán lại cho tỉnh một khoản kinh phí 11,5 tỉ đồng, do RIT đề nghị thay đổi tuyến đường không đi qua khu đất của dự án. RIT phải thanh toán cho tỉnh 4 tỉ đồng trong tháng 3/2003, số tiền còn lại cho phép trả chậm trong 3 năm kể từ năm 2003. Sau khi thực hiện việc này, UBND tỉnh sẽ giao Sở Địa chính kiểm tra và làm các thủ tục trình xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định".

Kết luận này được nêu trong văn bản số 92/TB-UB, ngày 6/3/2003.

Ngày 7/5/2003, RIT có văn bản đề nghị UBND tỉnh ký hợp đồng thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngày 9/5/2003, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Duân có bút phê vào văn bản của RIT: "Kính chuyển Sở Địa chính kiểm tra lại các quy định và đề xuất sớm".

Ngày 20/5/2003, Sở Địa chính có tờ trình gửi UBND tỉnh, đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thuê cho RIT. Mặc dù RIT chưa nộp tiền theo kết luận tại văn bản số 92/TB-UB, nhưng ngày 27/5/2003, ông Trần Minh Duân đã ký quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ("sổ đỏ") cho RIT.

Cần nhắc lại rằng, việc RIT phải nộp 11,5 tỉ đồng đã được nêu trong văn bản số 92/TB-UB nói trên; văn bản này đã được gửi cho ông Trần Minh Duân cùng các sở Địa chính, Tài chính - Vật giá... và RIT, nên ông Trần Minh Duân, RIT và các cơ quan giúp việc không thể không biết chuyện này.

Đến nay, Nguyễn Đức Chi đã bị bắt với những khoản nợ khổng lồ và không thể trả cho tỉnh Khánh Hòa 11,5 tỉ đồng nêu trên.

Vấn đề đặt ra là: Vì sao chính ông Trần Minh Duân chỉ đạo Sở Địa chính Khánh Hòa khi nào RIT nộp đủ tiền thì mới làm thủ tục cấp "sổ đỏ"; nhưng cũng chính ông Trần Minh Duân ký quyết định cấp "sổ đỏ" cho RIT khi họ chưa nộp đồng nào?

Trách nhiệm của ngân hàng

Cơ quan công an cho biết sau khi có "sổ đỏ", Nguyễn Đức Chi đã thế chấp toàn bộ dự án Rusalka cho ngân hàng để vay tiền. Theo một quan chức của Sở Tài nguyên - Môi trường Khánh Hòa, để có căn cứ cho vay, ngân hàng phải xác định giá trị tài sản thế chấp của RIT, cụ thể là tiền thuê đất, tiền đền bù giải tỏa và giá trị tài sản trên đất.

Thực ra, RIT chưa trả tiền thuê đất, chưa đền bù giải tỏa cho hộ nào, giá trị tài sản trên đất chỉ là phần san lấp và một số công trình dạng thô. Vậy căn cứ vào đâu để một ngân hàng bảo lãnh cho RIT vay đến 30 tỉ đồng?

Một vấn đề khác cũng đang được cơ quan công an xem xét là vì sao RIT có thể đem "sổ đỏ" thế chấp tại nhiều ngân hàng ?

Theo Thanh niên

Dòng sự kiện: Nguyễn Đức Chi

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm