1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Ai được miễn lệ phí cấp căn cước công dân gắn chip điện tử?

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Người đổi căn cước công dân (CCCD) khi Nhà nước quy định thay đổi địa giới hành chính; công dân từ đủ 14 tuổi trở lên cấp CCCD lần đầu... sẽ không phải đóng lệ phí cấp CCCD mới.

Theo đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an), Điều 4 Thông tư số 59/2019 của Bộ Tài chính quy định 6 trường hợp miễn, không phải nộp lệ phí khi đi làm CCCD gắn chip.

Theo quy định này, người đổi CCCD khi Nhà nước quy định thay đổi địa giới hành chính; đổi, cấp lại CCCD cho thân nhân của liệt sĩ, thương binh hay người hưởng chính sách như thương binh sẽ được miễn lệ phí.

Công dân thường trú tại các xã biên giới, huyện đảo, người dân tộc thiểu số ở các xã đặc biệt khó khăn; công dân thuộc hộ nghèo hoặc công dân dưới 18 tuổi mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa cũng không phải đóng lệ phí cấp CCCD mới.

Những trường hợp cũng được miễn lệ phí gồm công dân từ đủ 14 tuổi trở lên cấp CCCD lần đầu; đổi giấy tờ tùy thân khi có sai sót về thông tin do lỗi của cơ quan chức năng.

Ai được miễn lệ phí cấp căn cước công dân gắn chip điện tử? - 1

Người dân ở huyện Mèo Vạc (Hà Giang) đi làm thủ tục cấp căn cước công dân gắn chip. (Ảnh: Phi Hùng).

Cũng theo Bộ Công an, từ nay đến ngày 1/7, việc cấp CCCD gắn chip sẽ ưu tiên cho công dân từ đủ 14 tuổi trở lên chưa được cấp giấy tờ tùy thân; người đã được cấp CMND 9 số và người đã có CCCD 12 số hay mã vạch nhưng bị hỏng, mất, hết hạn sử dụng hoặc có thay đổi thông tin.

Về tính ưu việt của CCCD gắn chip, Bộ Công an nhấn mạnh loại thẻ này tích hợp mã QR code lưu trữ các trường thông tin của công dân đã được cơ quan chức năng xác thực.

Do đó, khi người dân giao dịch hành chính, dân sự các cơ quan, tổ chức có thể sử dụng chức năng quét mã QR để kiểm tra thông tin nhân thân, số giấy tờ tùy thân cũ mà không cần xuất trình giấy xác nhận.

Đối với CMND 12 số hay CCCD mã vạch chưa bị hỏng và chưa hết thời hạn sử dụng, Bộ Công an khẳng định các loại giấy tờ này vẫn nguyên giá trị pháp lý trong các giao dịch, thủ tục.

Bộ Công an cho biết, Khoản 2 Điều 21 Luật CCCD thì trường hợp thẻ CCCD được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn 2 năm trước tuổi quy định (đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi) thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo. Như vậy nếu công dân làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD khi đã đủ 38 tuổi thì thẻ CCCD sẽ có giá trị sử dụng đến khi công dân đủ 60 tuổi.

Về thu hồi CCCD mã vạch khi làm thủ tục đổi thẻ CCCD gắn chíp điện tử: Với trường hợp công dân đăng ký nhận thẻ CCCD qua đường chuyển phát nhanh đến địa chỉ theo yêu cầu sẽ tiến hành thu CCCD, cắt góc và trả lại sau khi công dân hoàn thành thủ tục cấp CCCD;
 
Với trường hợp công dân đăng ký nhận thẻ CCCD tại đơn vị cấp: Tiến hành thu hồi, cắt góc và trả lại CCCD khi trả thẻ CCCD gắn chíp điện tử; Đối với CCCD bị hỏng, bong tróc, không rõ nét thì thu, hủy CCCD.
 
Bộ Công an cho biết từ tháng 7/2021, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ hoàn thiện để kết nối với dự án cấp căn cước công dân gắn chip. Mục tiêu đặt ra là cấp 50 triệu căn cước mới trước 1/7/2021.
 
Hơn 2 tháng qua, cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội của công an các tỉnh, thành phố đã làm việc 3 ca mỗi ngày, kể cả cuối tuần, để thu nhận và xử lý hồ sơ cấp căn cước gắn chip.
 
Mọi người dân từ đủ 14 tuổi trở lên đều đủ điều kiện cấp loại giấy tờ gắn chip mới. Tuy nhiên, trước ngày 1/7/2021, việc cấp căn cước gắn chip sẽ ưu tiên cho 3 nhóm, gồm: Người từ đủ 14 tuổi nhưng chưa từng được cấp giấy tờ tùy thân; người đang có chứng minh nhân dân 9 số; người được cấp căn cước 12 số hay căn cước mã vạch nhưng bị hỏng, mất, hết thời hạn hoặc cần thay đổi thông tin.