1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Vi phạm giao thông ở các thành phố lớn

Ai có quyền giới thiệu ứng viên Chủ tịch QH, Chủ tịch nước?

(Dân trí) - "Ai là người có quyền giới thiệu nhân sự cho chức vụ Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước?" Câu hỏi này, theo đại biểu Dương Hoàng Hương nên được trả lời, được hiến định là UB Thường vụ QH.

Trọn ngày 5/11, Quốc hội dành thời gian thảo luận tại Hội trường về dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi.

Khập khễnh trong kiểm soát quyền lực

Ai có quyền giới thiệu ứng viên Chủ tịch QH, Chủ tịch nước

Đại biểu Dương Hoàng Hương: "đề nghị bổ sung quyền giới thiệu để Quốc hội bầu các chức danh Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch nước cho UB Thường vụ QH".
Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) dành nhiều thời lượng, tâm huyết nói về vấn đề tổ chức quyền lực nhà nước. Theo đại biểu, khoản 3 Điều 2 dự thảo Hiến pháp thể hiện nội dung quan trọng về bản chất và cơ chế thực hiện quyền lực nhà nước ở Việt Nam: "Quyền lực nhà nước là thống nhất có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp".

Thêm một từ “kiểm soát” đưa vào điều khoản quy định này thể hiện quan điểm xây dựng cơ chế kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp là điểm mới, tiến bộ của dự thảo Hiến pháp lần này.

Ủng hộ tư tưởng này, ông Đáng phân tích, sự kiểm soát lẫn nhau trong thực hiện quyền lực nhà nước là điều cần thiết và tất yếu bởi vì tự trong bản chất của quyền lực, nhất là quyền lực nhà nước, nguy cơ lạm quyền, tiếm quyền vẫn luôn có thể xảy ra. Cơ chế kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước không được triển khai nghiêm túc, chặt chẽ thì dù có thống nhất cao, phân công rõ ràng, quyền lực vẫn dễ bị lạm dụng.

“Gật đầu” với quan điểm này nhưng đại biểu vẫn chưa yên tâm vì còn có sự khập khễnh trong các nội dung liên quan khi nguyên tắc kiểm soát quyền lực giữa khối lập pháp, hành pháp, tư pháp chưa được thể hiện rõ nét trong các chương, điều khác của Hiến pháp. Ông Đáng dẫn chứng chương Quốc hội (chương V), Điều 70 quy định quyền giám sát tối cao của Quốc hội.

“Thực chất đây là quy định về việc cơ quan giữ quyền lập pháp kiểm soát quyền lực đối với các cơ quan hành pháp và tư pháp. Còn quyền lập pháp và cơ quan nhà nước về lập pháp có được kiểm soát bởi hành pháp hoặc tư pháp hay không cũng như có cơ chế nào để tư pháp kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước của các cơ quan hành pháp và lập pháp hay không thì chưa có quy định cụ thể” – ông Đáng lập luận.

Dẫn chiếu thêm Điều 94 tại Chương VII (chương Chính phủ) quy định “Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, ông Đáng cho rằng, điều này mặc nhiên khẳng định không có sự kiểm soát của hành pháp với lập pháp.

Với tư tưởng tiến bộ về kiểm soát quyền lực đề ra ngay từ đầu, theo đại biểu, những điểm “khập khễnh” này không đáng có. Đại biểu đề nghị bổ sung các quy định cụ thể về sự kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong các chương về Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án…

Cũng liên quan đến vấn đề tổ chức bộ máy quyền lực nhà nước, đại biểu Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) đi vào nội dung cụ thể là quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của UB Thường vụ QH (Điều 74). Điều luật này liệt kê 12 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thường trực của QH theo ông Hương chưa hết, chưa đầy đủ so với những quyền hạn thực tế UB Thường vụ đang thực hiện.

Đại biểu đề nghị bổ sung quyền giới thiệu để Quốc hội bầu các chức danh Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch nước, các Phó Chủ tịch Quốc hội… cho cơ quan đại diện này. Đây chính là câu hỏi được đặt ra tại phiên thảo luận đầu kỳ họp “ai là người giới thiệu ứng viên cho chức vụ Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước?”.

Quy định này, ông Hương cho rằng cần được hiến định vì đó là bước khởi đầu của quy trình thiết lập bộ máy nhà nước, gắn với quy trình bầu các chức danh đầu tiên và cao nhất của bộ máy nhà nước. Mặt khác, việc bổ sung quy định về quyền này của UB thường vụ Quốc hội cũng là để tạo sự tương xứng với các quy định nhiệm vụ, quyền hạn về tổ chức bộ máy trong chế định Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ.

Không yên tâm với thu hồi đất cho phát triển kinh tế - xã hội
 
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng: Trường hợp nào được xác định là cần thiết để thu hồi đất?.
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng: "Trường hợp nào được xác định là cần thiết để thu hồi đất?".

Phiên thảo luận tại hội trường ngày 5/11 cũng tiếp tục ghi nhận rất nhiều ý kiến góp ý của các đại biểu về vấn đề thu hồi đất được nêu trong dự thảo.

Đại biểu Trần Đình Thu (Gia Lai) cho rằng việc thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, nếu quy định cứng trong Hiến pháp thì không tránh khỏi lạm dụng. “Cần hiến định chặt chẽ để tránh lạm dụng, thu hồi tràn lan, vi phạm quyền sử dụng đất của người dân. Chỉ cần quy định thu hồi đất đai vì lợi ích an ninh quốc phòng, vì lợi ích công cộng là đủ, còn cụ thể sẽ do Luật Đất đai quy định” – đại biểu đề xuất.

Bảo vệ quan điểm không thu hồi đất cho dự án phát triển kinh tế - xã hội, ông thu lập luận, Việt nam đang trong giai đoạn phát triển, việc thu hồi đất để phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội theo quy hoạch bổ sung quy hoạch hoặc phát triển là điều không thể tránh khỏi, tuy nhiên, quy hiến định vấn đề này, quá trình áp dụng sẽ dễ bị lạm dụng và không được ổn định lâu dài. Giới hạn ở 3 mục đích là vừa đủ gọn, vừa bao quát được nội hàm về kinh tế - xã hội trong lợi ích quốc gia, công cộng và phù hợp với quá trình hội nhập phát triển kinh tế đất nước.

Ủng hộ quan điểm này, đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cũng đề nghị vấn đề về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất không nên hiến định, nên để luật định sẽ cụ thể hơn, tránh lạm dụng.

“Quyền sử dụng đất, rất nhiều, nếu ghi hết sẽ rất dài trong Hiến pháp, vì vậy Hiến pháp không cần ghi, mà cần khẳng định quyền sử dụng đất là quyền tài sản của người dân, vì để có đất người ta phải bỏ tiền ra mua. Quyền sử dụng đất là quyền tài sản của người dân được pháp luật bảo hộ, chỉ cần vậy là đủ, quyền tài sản bao gồm tất cả các quyền khác” – ông Hùng đề nghị và cho biết, thu hồi đất cần được đặc biệt quan tâm, vì nó là yếu tố dẫn đến các xung đột.

Đại biểu cũng băn khoăn Hiến pháp ghi thu hồi đất trong trường hợp cần thiết nhưng như thế nào là cần thiết vẫn chưa được làm rõ. Ông Hùng đề nghị ghi Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp cần thiết theo luật định và phải do QH, HĐND cấp tỉnh xem xét quyết định.

Đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên) cũng đề nghị thu hồi đất bảo đảm công bằng, trách nhiệm. Chỉ có Nhà nước mới có quyền trưng dụng và thu hồi đất. Ông Tường khái quát, quyền này phải thể hiện cụ thể trong Hiến pháp. Thay vì hạn chế quyền thu hồi của Nhà nước thì yêu cầu Nhà nước bảo đảm trách nhiệm khi thu hồi. Cử tri cho rằng xác định trách nhiệm khi thu hồi đất là cách để bảo đảm thu hồi đất một cách chính xác, hiệu quả nhất.

Đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) nhấn mạnh, người dân đang mong đợi Hiến pháp và Luật Đất đai lần này sẽ giải quyết được vấn đề thu hồi đất đai. Tán thành Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp cần thiết, nhưng ông Lâm đề cao yêu cầu phải công khai, minh bạch, được bồi thường thỏa đáng và Luật Đất đai cần quy định thật cụ thể các trường hợp phải thu hồi đất.

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm