1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ai chịu trách nhiệm cảnh giới, “ngăn” tai nạn đường sắt - đường bộ?

(Dân trí) - Thông tư 28/2018 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) có hiệu lực từ ngày 1/7/2018 quy rõ trách nhiệm kết nối tín hiệu đèn giao thông đường bộ với tín hiệu đèn báo hiệu trên đường bộ tại đường ngang, cung cấp thông tin hỗ trợ cảnh giới tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt.

Theo Thông tư, trách nhiệm của các tổ chức trong thực hiện các nội dung trên gồm: Chính quyền địa phương nơi có đường sắt đi qua theo phân cấp, ủy quyền của UBND cấp tỉnh; Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng.

Chính quyền địa phương phải chủ trì, phối hợp với Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng kiểm tra, xác định các vị trí cần phải kết nối tín hiệu và tiếp nhận thông tin hỗ trợ cảnh giới, đề xuất với UBND cấp tỉnh thực hiện.

Hiện trường vụ tai nạn kinh hoàng giữa tàu hỏa và xe tải tại Thanh Hóa ngày 24/5
Hiện trường vụ tai nạn kinh hoàng giữa tàu hỏa và xe tải tại Thanh Hóa ngày 24/5

Cũng theo Thông tư này, chủ đầu tư xây dựng mới công trình đường ngang hoặc nút giao đường bộ với đường sắt chịu trách nhiệm kinh phí thực hiện kết nối tín hiệu.

Đối với việc thực hiện kết nối tín hiệu và cung cấp, lắp đặt các trang thiết bị phục vụ cảnh giới tại các vị trí cần cảnh giới trên đường sắt quốc gia, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt chịu trách nhiệm kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước hoặc các khoản thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật để lắp đặt đường cáp kết nối tín hiệu được cấp từ tủ điều khiển đèn báo hiệu trên đường bộ tại đường ngang đến hộp kết nối hoặc tủ điều khiển tín hiệu đèn giao thông đường bộ và cung cấp, lắp đặt các trang thiết bị phục vụ cảnh giới tại các vị trí cần cảnh giới.

Chủ sở hữu, quản lý, sử dụng hệ thống đèn giao thông đường bộ chịu trách nhiệm kinh phí theo quy định của pháp luật để lắp đặt đường cáp kết nối tín hiệu từ tủ điều khiển tín hiệu giao thông đường bộ đến hộp kết nối và kết nối đèn giao thông đường bộ với tín hiệu đèn báo hiệu trên đường bộ tại đường ngang.

Liên quan đến an toàn giao thông đường sắt, rạng sáng ngày 24/5, một vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra giữa đoàn tàu khách mang số hiệu SE19 và 1 xe ô tô tải vượt đường sắt khi đến đường ngang có gác tại Km234+050, khu gian Khoa Trường - Trường Lâm, tuyến Đường sắt Hà Nội - TPHCM (thuộc xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa).

Vụ tai nạn làm 2 người chết là lái tàu và phụ lái tàu. Trong số 10 người bị thương có 3 nhân viên đường sắt, 1 lái xe ô tô tải và 6 hành khách đi tàu. Tai nạn đã khiến đầu máy kéo tàu bị đổ và 6 toa xe khách bị trật bánh khỏi đường sắt, ô tô bị hư hỏng nặng, đường sắt Bắc - Nam bị gián đoán gần 12 tiếng đồng hồ.

Ngày 25/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án hình sự “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại điều 360 - Bộ luật Hình sự năm 2015; Khởi tố 2 bị can là nhân viên gác chắn đường ngang của Công ty đường sắt Thanh Hóa gồm Nguyễn Văn Hùng, sinh năm 1983 và Phạm Văn Vui, sinh năm 1978, cùng trú tại thôn Khoa Trường, xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa về hành vi thiếu trách nhiệm để xảy ra vụ tại nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, đồng thời ra lệnh tạm giam 3 tháng.

Đề cập tới vụ tai nạn thương tâm này, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết sẵn sàng nhận vợ con của lái tàu tử nạn vào làm việc trong ngành đường sắt. Hiện Tổng Công ty đã hỗ trợ trước mắt mỗi gia đình lái tàu xấu số 30 triệu đồng.

C.N.Q