Ai cấp phép cho tàu ngầm “Trường Sa” ra biển?

Sáng 25/3, ông Nguyễn Quốc Hòa - Giám đốc Công ty cơ khí Quốc Hòa (Thái Bình) cho biết, sắp tới, ông sẽ cho đập chiếc bể thử nghiệm rồi đưa tàu ngầm ra hồ chạy thử nghiệm tiếp.

Ông Hòa bên chiếc tàu
ngầm khi đang trong thời gian chế tạo

Ông Hòa bên chiếc tàu ngầm khi đang trong thời gian chế tạo

Viện kỹ thuật tàu quân sự vào cuộc hỗ trợ

Như PetroTimes đã thông tin trước đó, ông Hòa được báo chí, dư luận nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây với việc làm “gây sốc”: tự đóng tàu ngầm mini mang tên “Trường Sa”.

Ông Hòa cho biết: Vào sáng ngày 24/3 vừa qua, đoàn của Viện thiết kế tàu quân sự (Bộ Quốc phòng) đã tham quan, khảo sát chiếc tàu ngầm. Thành phần của đoàn gồm Viện trưởng Đào Ngọc Thạch, Viện phó Phạm Chí Linh, cùng nhiều chuyên gia trong viện. Ông Hòa đã giới thiệu tỉ mỉ về nguyên lý hoạt động, cách bố trí của con tàu, cũng như động cơ, hệ thống không khí tuần hoàn. Ông Hòa cho biết, đoàn của Viện quan tâm chủ yếu về hoạt động của hệ thống không khí tuần hoàn của tàu ngầm.

Ông Hòa đã trực tiếp dẫn từng người vào khoang tàu để giới thiệu tỷ mỉ cách bố trí, nguyên lý hoạt động của con tàu. Sau đó, ông Hòa đã trực tiếp đóng nắp tàu, vào trong khoang để trình diễn khả năng lặn, nổi của con tàu. Trong khoảng thời gian gần 5 phút, con tàu đã chìm hoàn toàn xuống dưới nước, động cơ và chân vịt của tàu vẫn hoạt động bình thường.

Đoàn của Viện thiết kế tàu quân sự đã rất ngạc nhiên trước những bước tiến mà ông Hòa làm được với tàu ngầm Trường Sa. Các chuyên gia của viện cho biết, họ vẫn thường xuyên theo dõi thông tin về tàu ngầm Trường Sa trên báo chí. Nhưng khi “tận mục sở thị”, họ mới công nhận chiếc tàu của ông Hòa có hình dạng đáp ứng được những nguyên lý cơ bản của tàu ngầm.

Viện Thiết kế tàu quân sự sẽ theo sát và giúp đỡ chiếc tàu ngầm Trường Sa hết sức. Được biết, ngoài Viện Thiết kế tàu quân sự, thì Viện Kỹ thuật hải quân (Quân chủng Hải Quân, Bộ quốc phòng) cũng đã có công văn cho biết sẵn sàng trợ giúp trong quá trình thử nghiệm nếu ông Hòa có đề nghị.

Tàu ngầm ở trong bể
thử nghiệm

Tàu ngầm ở trong bể thử nghiệm

Thử nghiệm tại hồ trong khu công nghiệp

Ông Nguyễn Quốc Hòa cho biết: “Đây sẽ là lần cuối cùng tôi thử nghiệm trong chiếc bể này. Chiều 25/3, tôi sẽ đập chiếc bể này để lấy tàu ngầm ra, sau đó dùng cần cẩu di chuyển tàu ngầm ra hồ nằm tại KCN Vĩnh Trà (cách Cty của ông Hòa khoảng 3 km) để chạy thử nghiệm khả năng di chuyển của tàu ngầm”.

Theo ông Hòa, chạy thử nghiệm trong bể là để để thử các hoạt động khi lặn của tàu, còn chạy trong hồ là để kiểm tra khả năng chạy nổi của tàu (hoạt động của bánh lái, chân vịt và hệ thống điện tử…)

Sau đó, ông dự định sẽ điều chỉnh lại một số tính năng và mang con tàu ra một hồ gần khu công nghiệp để thử nghiệm khả năng di chuyển của con tàu. Ông Hòa cho hay sẽ dùng cần cẩu 50 tấn để di chuyển tàu ngầm ra khỏi Cty.

“Hồ này là hồ nhân tạo, rộng khoảng 3 ha, sâu khoảng 2m. Người trông coi hồ đã đồng ý cho tôi chạy tàu ngầm xuống rồi, với điều kiện tôi không làm chết… cá. Ngoài thử nghiệm tính năng di chuyển thì tôi còn tập lái để sau này khi ra biển khỏi bỡ ngỡ. Dù sao thì cẩn thận vẫn hơn trước khi ra biển” - ông Hòa nói. Khi ra biển, ông Hòa cho hay sẽ cho tàu ngầm chạy trong vòng bán kính 50 km.

Ông Hòa cho biết thêm, trước khi ra biển thì ông sẽ gửi đơn để xin được cấp phép cho tàu ngầm. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là đơn vị nào sẽ cấp phép và cấp phép như thế nào? Bởi lẽ tàu ngầm do cá nhân làm là lĩnh vực rất mới: Đăng kiểm chưa có danh mục; Luật Hàng hải cũng không đề cập đến phương tiện này; giấy phép lái tàu ngầm thì cũng chưa có tiền lệ!

Ông Hòa lạc quan: “Việc cấp phép chắc chắn sẽ được, vấn đề chỉ là sớm hay muộn. Vì tôi làm tàu ngầm này là để cho hải quân, cho ngư dân… chứ không phải làm cho mình”.

“Tôi sẽ gửi công văn lên Chính phủ, Quốc hội, Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân, Bộ đội Biên phòng để đề nghị được cấp phép ra biển. Việc chạy thử nghiệm ở biển sẽ phụ thuộc vào việc cấp giấy phép này”- ông Hòa khẳng định với phóng viên PetroTimes.

Theo Thục Quyên
PetroTimes