9 sự kiện thời sự năm 2019
(Dân trí) - Lần đầu tiên Việt Nam chủ trì, tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên. Lần đầu tiên bóng đá Việt Nam bước lên ngôi vô địch Đông Nam Á sau 60 năm chờ đợi. Lần đầu tiên cuộc chiến chống tham nhũng đạt kết quả quan trọng, buộc 2 cựu Bộ trưởng thừa nhận tội “nhận hối lộ”…
1. Thành tích cao về tăng trưởng kinh tế
2019 là năm thứ hai liên tiếp, nền kinh tế ước đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu Quốc hội giao, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt và 7 chỉ tiêu đạt kế hoạch đề ra và quan trọng là năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam đã được tăng 10 bậc. Kinh tế vĩ mô ổn định. Các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện. Tốc độ tăng GDP ước đạt trên 7%, lạm phát dưới 3% GDP. GDP bình quân đầu người xấp xỉ 3.000USD.
Bức tranh sáng của nền kinh tế trong năm 2019 đang tạo sức bật để kinh tế 2020 có thể về đích không chỉ Kế hoạch 5 năm 2016-2020, mà cả Chiến lược 10 năm 2011-2020.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá: “Kinh tế đạt được những kết quả toàn diện và khá tích cực. Kinh tế vĩ mô xét trên cả 4 mặt là lạm phát, cán cân xuất nhập khẩu, bội chi và nợ công, lao động và việc làm đều ổn định và có bước tiến triển tốt. Thậm chí, nếu cố gắng, tăng trưởng kinh tế có thể đạt gần 7%, quy mô nền kinh tế và thu nhập bình quân đầu người đều tăng”.
2. Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội
Hội nghị diễn ra trong 2 ngày, 27-28/2/2019, trong đó có các hoạt động bên lề quan trọng: Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un thăm chính thức Việt Nam, Tổng thống Mỹ Donald Trump thăm Việt Nam.
Theo thống kê, hoạt động tuyên truyền về Việt Nam và sự kiện này lớn gấp 50 lần so với APEC 2017. Đã có hơn 3.000 nhà báo quốc tế của các hãng thông tấn hàng đầu thế giới có mặt, qua đó giúp quảng bá tích cực cho Hà Nội, Việt Nam.
Những ngày diễn ra sự kiện, Việt Nam đón lượng khách quốc tế kỷ lục: 2 tháng đầu năm 2019 đón 3,15 triệu lượt khách, riêng tháng 2 là 1,59 triệu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, là nước chủ nhà của hội nghị, Việt Nam đã nỗ lực, chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho Hội nghị, thể hiện rõ đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Thành công của việc tổ chức hội nghị đem lại vị thế mới, nâng tầm cao mới cho đất nước. Lãnh đạo Triều Tiên, Hoa Kỳ đều bày tỏ cảm ơn Việt Nam, ấn tượng về công tác tổ chức của Việt Nam.
3. Cuộc chiến chống tham nhũng “không dừng”, “không nghỉ”
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái đánh giá, năm 2019, công tác phòng chống tham nhũng tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh, “không dừng”, “không nghỉ”, “không chùng xuống”.
Trong năm 2019, số cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị kỷ luật là 11 người (trong đó 5 người bị cách chức, 6 người bị cảnh cáo).
Với vụ án sử dụng sai phạm đất quốc phòng, Đô đốc Nguyễn Văn Hiến , nguyên ủy viên TƯ Đảng, nguyên ủy viên Quân ủy TƯ, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng bị khởi tố, bắt giam để điều tra.
Cuối năm 2019, vụ án Nhật Cường được đưa vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.
2 cựu Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn bị truy tố, xét xử trong vụ án Mobifone mua AVG, trong đó cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đối mặt với án tử hình về tội “nhận hối lộ”.
Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí cho rằng, Vụ AVG là một bước tiến trong làm án tham nhũng vì đấu tranh để các Bộ trưởng khai nhận việc cầm hàng triệu USD, chốt được tội danh “nhận hối lộ” không đơn giản, trước nay chưa từng có.
Như vậy, kết quả đấu tranh phòng chống tham nhũng thời gian qua đã có chuyển biến tốt, năm sau đã làm tốt hơn năm trước.
4. Việt Nam trúng cử vào Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc
21h tối 7/6/2019, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã bỏ phiếu cho 5 ghế ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Việt Nam là ứng viên duy nhất của khu vực châu Á, đã trúng cử với số phiếu cao kỷ lục, 192/193 phiếu.
Đây là lần thứ hai Việt Nam đảm nhiệm vị trí ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, sau khi đã trúng cử nhiệm kỳ 2008 - 2009.
Với mong muốn thực sự trở thành “Đối tác vì hòa bình bền vững”, trong nhiệm kỳ 2 năm sắp tới, Việt Nam sẽ có cơ hội chủ động đề xuất, thúc đẩy những sáng kiến của mình nhằm đóng góp trực tiếp và xây dựng vào những nỗ lực chung của Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế vì hòa bình, an ninh và phát triển.
Cũng trong năm 2019, Việt Nam và EU đã hoàn tất ký kết hiệp định thương mại EVFTA . Các thỏa thuận được ký kết hứa hẹn mang lại lợi ích chưa từng có cho các công ty, người tiêu dùng và người lao động châu Âu và Việt Nam…
5. Trung Quốc xâm phạm bãi Tư Chính của Việt Nam
Trong tháng 7/2019, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông. Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về Luật biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.
Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam.
Ngày 7/8 nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã dừng hoạt động khảo sát và rút khỏi đã rút khỏi vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam (gần bãi Tư Chính). Tuy nhiên, đến ngày 13/8, tàu khảo sát Hải Dương 8 và một số tàu hộ tống của Trung Quốc đã trở lại hoạt động xâm phạm vùng biển Việt Nam.
Ngày 24/10, nhóm tàu khảo sát Hải Dương địa chất 8 rời khỏi khu vực hoạt động, di chuyển về Trung Quốc cùng hai tàu hộ tống.
Tháng 11/2019 Quốc hội thông qua Bộ luật lao động sửa đổi, chính thức nâng tuổi nghỉ hưu lên mức 62 tuổi đối với nam, 60 tuổi đối với nữ với một lộ trình tăng dần từ năm 2021, kết thúc vào năm 2035. Bộ luật cũng quy định thêm 1 ngày nghỉ liền với ngày Quốc khánh 2/9 hàng năm. Bộ luật được đánh giá cao ở nhiều điểm mới bảo vệ người lao động.
Trao đổi với báo chí sau khi Bộ luật được thông qua, Bộ trưởng Lao động, Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: “Tăng tuổi nghỉ hưu chưa bao giờ dễ dàng, ngay cả ở các nước phát triển. Việt Nam đã thành công trong việc xây dựng sớm chiến lược để ứng phó với tiến trình già hóa dân số”.
7. Bóng đá Việt Nam vô địch toàn diện tại Đông Nam Á
Trong năm 2019, bóng đá Việt Nam tiếp tục "thống trị" Đông Nam Á. Ngày 8/12, đội tuyển nữ Việt Nam đã vượt qua Thái Lan với tỷ số 1-0, để lần thứ 6 vô địch SEA Games 30.Sau đó ít ngày, đội tuyển U22 bóng đá nam cũng lên ngôi vô địch khi đánh bại Indonesia 3-0 trong trận chung kết SEA Games.
Thành tích này đã hiện thực hóa giấc mờ vàng của bóng đá Việt Nam ở đấu trường SEA Games sau 60 năm chờ đợi.
Gặp mặt các cầu thủ sau SEA Games 30, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấm mạnh: “Điều quan trọng nhất, sau các cầu thủ là dân tộc, là bản lĩnh và khát vọng Việt Nam. Khát vọng ấy tràn ngập trong các huấn luyện viên, vận động viên”.
8. 39 người Việt tử nạn tại Anh
1h40’ sáng 23/10, cảnh sát hạt Essex, London, Anh được thông báo về việc phát hiện 39 thi thể trong chiếc container đông lạnh được đưa vào Anh qua cảng biển. 39 nạn nhân đã trải qua hành trình dài 15 giờ, đi 900km từ Bỉ tới Anh trong thùng xe lạnh -25 độ C.
Toàn bộ 39 nạn nhân sau đó được khẳng định đều là người Việt Nam, được đưa đi theo các đường dây nhập cư trái phép vào Anh.
8/11, Công an Việt Nam, Anh chính thức công bố danh tính các nạn nhân. Theo đó, nạn nhân trong vụ việc là người Hải Dương, Thừa Thiên Huế, Hải Phòng, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An…
Sau nỗ lực của chiến dịch bảo hộ công dân, cuối tháng 11, toàn bộ các nạn nhân được hồi hương bằng kinh phí ứng trước của Chính phủ.
9. Hàng loạt sự cố môi trường nghiêm trọng ở Hà Nội
Cuối tháng 8/2019, vụ cháy nhà kho Công ty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông (phố Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) làm từ 15,1 đến 27,2 kg thủy ngân trong bóng đèn phát tán ra môi trường. Nhiều gia đình trong khu vực phải sơ tán nhiều ngày.
Tiếp đó, cuộc khủng hoảng nước sạch sông Đà (do đầu nguồn nhà máy nước bị đổ dầu thải) hồi tháng 10/2019 đã khiến hơn 250.000 hộ gia đình ở Hà Nội lao đao. Tổng Giám đốc Công ty nước sạch sông Đà sau đó đã mất chức vì biết nguồn nước không đảm bảo vẫn bơm, bán cho người dân.
Trong năm 2019 cả Hà Nội và TPHCM đều hứng chịu những đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng . Chỉ số ô nhiễm bụi mịn (PM2.5) ở cả 2 thành phố lớn nhất cả nước nhiều thời điểm gây nguy hại cho sức khỏe con người.
Ban Thời sự Báo điện tử Dân trí