Thủ tướng: Kinh tế Việt Nam thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu thế giới

(Dân trí) - Tăng trưởng kinh tế đạt khá cao, năng suất lao động và chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện; kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn. Tốc độ tăng GDP cả năm ước đạt trên 6,8%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực, thế giới.

Kết quả nói trên được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đưa ra trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV, sáng 21/10. 

Tăng trưởng kinh tế vượt mục tiêu đề ra

Người đứng đầu Chính phủ cho biết, từ đầu năm đến nay, tình hình quốc tế diễn biến phức tạp và có nhiều yếu tố không thuận lợi. Kinh tế thế giới, thương mại toàn cầu tăng trưởng chậm lại; cạnh tranh chiến lược và căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn gia tăng… Tình hình khu vực, biển Đông diễn biến rất phức tạp. Những khó khăn, hạn chế nội tại của nền kinh tế và thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống.

Trong điều kiện tác động, ảnh hưởng từ bên ngoài rất lớn và ngày càng gia tăng, Thủ tướng cho biết Chính phủ đã kiên định mục tiêu đề ra, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Chính phủ chỉ đạo tập trung rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, đưa ra định hướng, giải pháp tạo động lực phát triển các ngành, lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế…

Thủ tướng: Kinh tế Việt Nam thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu thế giới - 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định kinh tế Việt Nam tăng trưởng vượt mục tiêu đề ra (ảnh: Việt Hưng)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, năm 2019 là năm thứ 2 liên tiếp đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Tăng trưởng kinh tế vượt mục tiêu đề ra trong khi vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc hơn, lạm phát được kiểm soát tốt và các cân đối lớn của nền kinh tế được củng cố, mở rộng.

Đặc biệt, tăng trưởng kinh tế đạt khá cao, năng suất lao động và chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện; kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn. Tốc độ tăng tổng sản phẩm quốc hội (GDP) cả năm ước đạt trên 6,8%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực, thế giới.

Trong điều kiện thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế biến động mạnh, Việt Nam vẫn duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dưới 3%, thấp hơn mục tiêu đề ra. Thị trường tài chính, tiền tệ và tỷ giá được điều hành chủ động, linh hoạt và duy trì ổn định phù hợp; dự trữ ngoại hối đạt khoảng 73 tỷ USD; Hệ số tín nhiệm quốc gia được nâng hạng từ BB- lên BB với triển vọng “tích cực”.

Lãnh đạo Chính phủ cho hay, tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) vượt 3,3% dự toán; tỷ trọng chi đầu tư phát triển tăng, đạt 26,6%; bội chi NSNN khoảng 3,4% GDP; nợ công giảm còn 56,1% GDP (năm 2016 là 64,6% GDP). Việt Nam đã tập trung tháo gỡ khó khăn nhiều mặt nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm. Huy động được nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là đầu tư tư nhân với nhiều dự án lớn được triển khai mạnh mẽ.

Thủ tướng: Kinh tế Việt Nam thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu thế giới - 2
Nghị trường Quốc hội sáng 21/10 (ảnh: Việt Hưng)

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước khoảng 33,8% GDP; tỷ trọng đầu tư của khu vực ngoài nhà nước tăng lên 45,3%, theo đúng định hướng tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội. Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện 9 tháng đạt 14,2 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.

Trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm, xuất khẩu vẫn tăng khoảng 7,9%; xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng mạnh; xuất siêu năm thứ tư liên tiếp. Xử lý nghiêm nhiều vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại.

Việt Nam tăng bậc xếp hạng trên thế giới

Trong báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Nguyên Xuân Phúc cho biết, các tổ chức quốc tế uy tín và nhiều quốc gia, đối tác đánh giá cao và khẳng định Việt Nam tiếp tục là một điểm sáng trong khu vực, toàn cầu. Nước ta được xếp thứ 8 trong số các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư năm 2019, tăng 15 bậc so với năm 2018.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới đánh giá năng lực cạnh canh của Việt Nam cải thiện vượt bậc trên cả 3 trụ cột thể chế, cơ sở hạ tầng và kỹ năng, xếp thứ 67/141 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 10 bậc so với năm 2018.

Theo Thủ tướng, việc cấu lại nền kinh tế thực chất hơn, các ngành, lĩnh vực chủ yếu vẫn phát triển ổn định, tích cực trong bối cảnh khó khăn. Sản xuất công nghiệp tăng mạnh; trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò động lực tăng trưởng kinh tế. Bảo đảm an ninh năng lượng; phát triển mạnh các dự án năng lượng tái tạo.

Thủ tướng: Kinh tế Việt Nam thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu thế giới - 3
Các Đại biểu Quốc hội nghe báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2019, sáng 21/10 (ảnh: Việt Hưng)

Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN); tập trung xử lý các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, thất thoát lớn, trong đó có dự án bước đầu có lãi và một số dự án từng bước khắc phục khó khăn, vận hành trở lại.

Môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Tập trung đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí, hỗ trợ tiếp cận thị trường và các nguồn lực. Phát huy tinh thần khởi nghiệp, phát triển mạnh mẽ các mô hình đổi mới, sáng tạo; ước cả năm có khoảng 134.000 doanh nghiệp thành lập mới và hàng chục nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại. 

Tổng số vốn đăng ký mới và bổ sung trong 9 tháng đầu năm đạt trên 3 triệu tỷ đồng. Tập trung chỉ đạo, củng cố và phát triển khu vực kinh tế tập thể, nhất là hợp tác xã kiểu mới; đến nay có gần 24.000 hợp tác xã kiểu mới với đa số hoạt động hiệu quả.

Các quỹ phát triển khoa học công nghệ phát huy hiệu quả; có hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp và một số quỹ đầu tư mạo hiểm. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam tăng 3 bậc, xếp thứ 42/129 quốc gia, vùng lãnh thổ; đứng thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp và thứ 3 trong ASEAN... 

Thủ tướng: Kinh tế Việt Nam thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu thế giới - 4
Năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh mục tiêu tổng quát là tập trung ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát...

Về kế hoạch năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh mục tiêu tổng quát là tập trung ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Năm 2020, dự kiến GDP tăng khoảng 6,8%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân dưới 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33 - 34% GDP. 

Châu Như Quỳnh