Việt Nam ưu tiên gì khi làm Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc?

(Dân trí) - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, gắn kết các tổ chức khu vực với công việc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam khi làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và giữ vai trò Chủ tịch luân phiên vào tháng 1/2020.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trả lời phỏng vấn PV Dân trí về quá trình 10 năm ứng cử và trúng cử của Việt Nam vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nhiệm kỳ 2020-2021 (Video: Hữu Nghị)

- Phóng viên: Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thể hiện tầm vóc và vị thế trên trường quốc tế, Phó Thủ tướng đánh giá như thế nào về thành công lớn của ngành ngoại giao nước nhà?

- Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Tối 7/6 (theo giờ Việt Nam) tại New York, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã bầu Việt Nam thành thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kì 2020-2021. Việt Nam trúng cử với số phiếu trúng cử rất cao 192/193 phiếu, điều đó thể hiện các nước hết sức coi trọng vai trò vị thế và uy tín của Việt Nam, đặc biệt là khả năng đóng góp của Việt Nam vào các công việc chung của thế giới.

Chúng ta biết rằng Hội đồng Bảo an là một cơ quan có vai trò hàng đầu trong tổ chức của Liên Hợp Quốc về vấn đề đóng góp vào việc hòa bình an ninh của thế giới. Với việc tham gia vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Việt Nam chúng ta sẽ tham gia vào một tổ chức toàn cầu trong lĩnh vực bảo đảm an ninh hòa bình của thế giới và giải quyết những vấn đề xung đột trên thế giới.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là một tổ chức mà các nước đều mong muốn có thể ứng cử để trở thành thành viên. Việc cạnh tranh vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hết sức quyết liệt giữa các nước, thậm chí giữa các nước trong cùng một nhóm. Trong lịch sử đã có những cuộc bầu cử diễn ra hơn 140 vòng mà không bầu được 1 thành viên của một nhóm để trở thành thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cuối cùng một nước khác phải đứng ra ứng cử và trúng cử.

- Thưa Phó thủ tướng, khi làm việc ở vị trí thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Việt Nam sẽ có lợi ích gì và đâu là thách thức phải đối mặt?

- Trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có 15 thành viên, trong đó 5 thành viên thường trực và 10 thành viên không thường trực. Việc quan trọng nhất là sự phối hợp hợp tác của các nước thành viên không thường trực và thường trực để giải quyết vấn đề, đảm bảo làm sao tất cả những vấn đề đưa ra giải quyết tại Hội đồng Bảo an đạt được được đồng thuận là tốt nhất.

Việt Nam ưu tiên gì khi làm Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc? - 1
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (ảnh: Hữu Nghị)

Trong thời gian vừa qua, một kinh nghiệm trong Hội đồng Bảo an đó là trên 90% các vấn đề được giải quyết thông qua đồng thuận, điều đó đảm bảo cho vấn đề thực hiện các nghị quyết của Hội đồng Bảo an mang tính hiệu quả cao hơn.

Khi những nghị quyết mà Hội đồng Bảo an không đạt được thống nhất hoặc là có sự phủ quyết của một thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thì điều đó có nghĩa sẽ có sự khác biệt hoặc thậm chí chia rẽ trong Hội đồng Bảo an. Đây là điều chúng ta cần hết sức tránh, chúng ta phải có sự phối hợp tốt với các nước thành viên thường trực cũng như thành viên không thường trực khác để tạo được sự đồng thuận cao nhất.

Có nhiều vấn đề chúng ta phải thể hiện quan điểm, vì bất cứ một nước thành viên nào khi đã vào Hội đồng Bảo an cũng phải thể hiện quan điểm trên tất cả vấn đề đưa ra. Đây là một vấn đề cần hết sức nghiên cứu kĩ cũng như ra quyết định chính xác.

- Thưa Phó Thủ tướng, việc Việt Nam tham gia ứng cử vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc được cho là quyết định mang tính lịch sử. Trong thời gian qua, Việt Nam đã chuẩn bị, nỗ lực như thế nào để ứng cử và tiến tới trúng cử vào Hội đồng Bảo an?

- Quyết định tham gia Hội đồng Bảo an của chúng ta là quyết định quan trọng. Chúng ta thể hiện vai trò, vị thế của Việt Nam nhưng đồng thời thể hiện trách nhiệm của Việt Nam là một thành viên trong tổ chức Liên Hợp Quốc cũng như thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Việt Nam ưu tiên gì khi làm Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc? - 2
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, với vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 1/2020, Việt Nam sẽ có những ưu tiên cụ thể (ảnh: Hữu Nghị)

Đây là lần thứ hai chúng ta tham gia vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (lần trước là nhiệm kỳ 2008-2009). Chính vì đã có những đóng góp và kinh nghiệm nên thế giới cũng như các nước trong Liên Hợp Quốc đã công nhận vai trò của Việt Nam. Trong 10 năm qua, Việt Nam đã nỗ lực hết sức và đã trúng cử với số phiếu cao nhất, với tư cách là một ứng cử viên duy nhất của nhóm Châu Á - Thái Bình Dương tham gia vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

- Năm 2020, Việt Nam sẽ là Chủ tịch luân phiên của ASEAN, vậy chúng ta sẽ tận dụng cơ hội khi đảm nhận vai trò kép như thế nào, thưa Phó Thủ tướng?

- Đúng vậy, năm 2020 theo luân phiên chúng ta sẽ là chủ tịch của ASEAN, đồng thời cũng là bắt đầu 1 nhiệm kỳ của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Đó sẽ là một năm hết sức bận rộn, khó khăn và nhiều công việc Việt Nam phải làm. Gắn kết các tổ chức khu vực với công việc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là một trong ưu tiên hàng đầu của Việt Nam.  

Với vai trò là Chủ tịch kép, một điều thuận lợi là chúng ta sẽ đóng góp vào chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, là sự phối hợp, là quan hệ giữa tổ chức Liên Hợp Quốc hay Hội đồng Bảo an với các tổ chức khu vực, Việt Nam có vị trí để đề xuất thúc đẩy vấn đề này.

- Xin cảm ơn Phó Thủ tướng!

Châu Như Quỳnh