1. Dòng sự kiện:
  2. Người hùng cứu tài xế gặp nạn ở cầu Phú Mỹ
  3. Hóa đơn nước hơn 57 triệu đồng/tháng

630 tỷ đồng làm dự án danh thắng quốc gia núi Hàm Rồng ở Sa Pa

Thế Kha

(Dân trí) - Dự án Danh lam thắng cảnh quốc gia núi Hàm Rồng (thị xã Sa Pa, Lào Cai) có tổng mức đầu tư 630,6 tỷ đồng và thời gian hoạt động 70 năm.

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công khai Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của "Dự án Danh lam thắng cảnh Quốc gia núi Hàm Rồng (phường Hàm Rồng và phường Sa Pa, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai)" tham vấn rộng rãi cộng đồng.

Báo cáo ĐTM cho biết, năm 2021 UBND tỉnh Lào Cai có quyết định chấp thuận nhà đầu tư (Công ty TNHH Đầu tư Tây Bắc đại diện liên danh) thực hiện dự án với quy mô trên 310.000m2 (31ha), tổng mức đầu tư 630,6 tỷ đồng.

Các hạng mục chính của dự án gồm: Nhà quản lý vận hành diện tích 400m2, một tầng và có chiều cao 10,5m; nhà dịch vụ 3.000m2; nhà hàng 2.000m2; cửa hàng trưng bày và bán đồ lưu niệm 777m2; trung tâm biểu diễn nghệ thuật và sân khấu ngoài trời diện tích 1.300m2, cao 2 tầng; nhà ga cáp treo 1.740m2, cao 4 tầng; khu vui chơi giải trí 3.000m2 cao 2 tầng; chùa Hàm Long 1.347m2...

630 tỷ đồng làm dự án danh thắng quốc gia núi Hàm Rồng ở Sa Pa - 1

Thị xã Sa Pa nhìn từ núi Hàm Rồng (Ảnh: Phạm Ngọc Triển).

Thông tin về các yếu tố nhạy cảm môi trường, báo cáo ĐTM nói dự án sẽ ảnh hưởng đến 19 hộ gia đình có nhà cửa thuộc diện đền bù, tái định cư và khoảng 254 hộ gia đình có đất nông nghiệp, lâm nghiệp thuộc diện đền bù.

Dự án cũng dự kiến chuyển đổi mục đích sử dụng 143.400m2 đất nông nghiệp và khoảng 157.363m2 rừng trồng sản xuất thuộc "Quy hoạch tổng thể Danh lam thắng cảnh Quốc gia núi Hàm Rồng, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai" đã được phê duyệt.

Ngoài ra, theo ĐTM, các công trình di tích được bảo vệ nguyên trạng có tổng diện tích trên 136.000m2 (13,6ha) nằm tại khu A núi Hàm Rồng, gồm: Chòi ngắm Fansipan; hang Trao Duyên; cụm di tích Sân Mây (gồm Sân Mây, Cổng Trời 1, Cổng Trời 2, Hòn Phật Bà, Hang Tam Môn, Hòn Con Cóc, Hòn Phụ Tử, Hòn Ông Trạng); khu vực cổng trời 1; khu vực Đầu Rồng.

630 tỷ đồng làm dự án danh thắng quốc gia núi Hàm Rồng ở Sa Pa - 2

Vườn đá Thạch Lâm ở núi Hàm Rồng Sa Pa (Ảnh: Du lịch).

Diện tích đất nông nghiệp, lâm nghiệp được quy hoạch bảo tồn nguyên trạng là vùng bảo vệ cảnh quan có tổng diện tích trên 1 triệu m2 nhằm hình thành cảnh quan sinh thái xen kẽ giữa các khu vực chức năng, tạo phong cảnh thiên nhiên với địa hình của núi đồi, màu xanh của rừng cây, nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng dân tộc…

Chủ đầu tư dự kiến sẽ phát triển chương trình du lịch tham quan, ngắm cảnh đô thị du lịch Sa Pa và các điểm du lịch thác Bạc, núi Hàm Rồng, cổng trời, thác Tình yêu, bãi đá cổ, chợ Sa Pa, cầu Mây; cầu Thiên Sinh, cột cờ Lũng Pô, động Mường Vi (huyện Bát Xát).

Phát triển du lịch sinh thái kết hợp với nghỉ dưỡng, ngắm cảnh thiên nhiên theo mùa (ruộng bậc thang, mùa hoa Anh Đào, hoa Đỗ Quyên, hái đào, mận, lê...); tìm hiểu, trải nghiệm các quy trình sản xuất nông nghiệp tại các trang trại rau sạch, trang trại hoa, trang trại nuôi cá nước lạnh; nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe bằng thảo dược của người dân bản địa.

Đồng thời kết hợp với các sản phẩm du lịch bổ trợ như du lịch tâm linh gắn với hệ thống đền, chùa trong tổ hợp vui chơi giải trí cáp treo Fansipan; các điểm di tích tâm linh trong khu vực…

630 tỷ đồng làm dự án danh thắng quốc gia núi Hàm Rồng ở Sa Pa - 3

Kiến trúc công trình nhà dịch vụ tại dự án (Ảnh: ĐTM).

Ước tính khách dịch vụ du lịch tới đây tối đa 10.000 lượt khách/ngày, tương ứng khoảng 2 triệu lượt/năm (trung bình 6.500 lượt/ngày); lượng khách lưu trú tối đa khoảng 432 người.

Theo báo cáo ĐTM, thời gian hoạt động của dự án nêu trên là 70 năm, kể từ ngày được UBND tỉnh Lào Cai chấp thuận nhà đầu tư.

Tiềm năng lớn nhưng ít được đầu tư và đã xuống cấp

Khu danh thắng núi Hàm Rồng có tiềm năng lớn để phát triển du lịch nhờ cảnh quan thiên nhiên, sinh thái; địa điểm thuận lợi cho việc chiêm ngưỡng toàn bộ cảnh quan thị xã Sa Pa.

"Đây là một trong số các điểm du lịch có sức hút mạnh mẽ đối với du khách khi đến với Lào Cai nói chung và thị xã Sa Pa", báo cáo ĐTM nhận định.

Dù vậy, sau nhiều năm khai thác, ít được đầu tư nên Danh lam thắng cảnh Quốc gia núi Hàm Rồng đã xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu phát triển, không thu hút được khách du lịch trong và ngoài nước, dẫn đến lãng phí tài nguyên du lịch.

"Mô hình quản lý còn nhiều hạn chế, không phát huy được hết các giá trị của khu danh thắng. Điều này dẫn đến việc quản lý, khai thác khu danh thắng núi Hàm Rồng không đạt được các yêu cầu đặt ra", ĐTM nêu thực tế.