1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

60 nghìn tỷ đồng cho công tác giảm nghèo

Thủ tướng Chính phủ vừa thông qua khoản đầu tư từ 60 đến 62 nghìn tỷ đồng trong 5 năm tới để tạo bước đột phá trong công tác giảm nghèo, phấn đấu đến năm 2010, cơ bản tất cả các hộ nghèo sẽ có đất sản xuất hoặc được chuyển đổi nghề phù hợp.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hằng cho biết từ năm 2006, các hộ nghèo, hộ tàn tật, hộ đồng bào thiểu số có nhu cầu vay vốn kinh doanh, làm nền nhà vượt lũ, chuộc lại đất sản xuất sẽ được giải quyết cho vay một cách linh hoạt với lãi suất cho vay thấp hơn thị trường 25%-30%.  

 

Bên cạnh đó, các địa phương còn quỹ đất sẽ giao cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số với mức tối thiểu là 0,5ha đất nương/hộ hoặc 0,25ha ruộng lúa nước/hộ. Những địa phương không còn quỹ đất sẽ hỗ trợ hộ nghèo thiếu đất (do bị cầm cố) có đủ vốn để chuộc lại đất hoặc tiến hành đào tạo chuyển nghề. Những hộ nghèo không có đất ở tại khu vực nông thôn sẽ được cấp tối thiểu 200m2. Hộ nào chưa có nhà hoặc có nhà ở tạm bợ, nhà nước sẽ hỗ trợ 1 lần với mức hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ.

 

Ngoài ra để công cuộc phòng chống đói nghèo đạt hiệu quả, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng vừa đề nghị Chính phủ sửa đổi Quyết định 139/2003 theo hướng đối tượng thụ hưởng của chương trình không chỉ dừng ở những người nghèo mà bao gồm cả người mới thoát nghèo. Chính sách y tế dự kiến sẽ tăng thời hạn sử dụng thẻ bảo hiểm y tế từ 1 năm lên 2 năm và tăng mức trần cho mỗi lần người nghèo khám bệnh.

 

Chính sách hỗ trợ người nghèo về giáo dục, dạy nghề cũng sẽ thực hiện ở tất cả các cấp học, bậc học kể cả hệ thống ngoài công lập. Nhằm khuyến khích xã hội hóa công tác dạy nghề, tạo việc làm, những doanh nghiệp, tổ chức dạy nghề tiếp nhận người nghèo vào làm việc ổn định từ 2 năm trở lên sẽ được nhà nước hỗ trợ khoản kinh phí bằng mức hỗ trợ cho người nghèo học nghề.

 

Riêng về cách thức tổ chức thực hiện các chương trình giảm nghèo trong giai đoạn tới, Bộ trưởng Nguyễn Thị Hằng cho biết Thủ tướng vừa yêu cầu thành lập Ban Chỉ đạo do một Phó Thủ tướng làm trưởng ban, ngoài ra còn thành lập Ban quản lý chương trình ở 4 cấp.

 

Trước đây, mặc dù Việt Nam đạt được nhiều thành tích về giảm nghèo, nhưng quy chiếu với mức chuẩn nghèo mới thì vẫn còn 4,6 triệu hộ thuộc diện nghèo vào cuối năm 2005. Đáng nói là các chương trình giảm nghèo trước đây chủ yếu tập trung giải quyết loại nghèo “tuyệt đối”, tức là thiếu lương thực, thực phẩm. Các chương trình giảm nghèo trong giai đoạn tới chủ yếu là giải quyết nghèo “tương đối”, trong đó chú trọng vào các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Theo TTXVN