60 năm Hàm Rồng chiến thắng: "Hai ngày đen tối của không lực Mỹ"

Thanh Tùng

(Dân trí) - "60 năm trôi qua, nhưng khi quay trở lại Hàm Rồng, tôi vô cùng xúc động. Tôi nhớ những đồng đội trước kia, có người tuổi vừa tròn 18, đã hy sinh giữa chiến trường khốc liệt".

Đó là những lời tâm sự của Thiếu tá Phan Văn Thiệu, cựu chiến sĩ thuộc Khẩu đội 2, Đại đội 9, Tiểu đoàn 4 (Tỉnh đội Thanh Hóa), tại Lễ kỷ niệm 60 năm Hàm Rồng chiến thắng (3/4/1965 - 3/4/2025), diễn ra tối 3/4 tại thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Ông Thiệu năm nay 88 tuổi, nhưng mỗi khi nhắc lại một thời oanh liệt ở "tọa độ lửa cầu Hàm Rồng", ông lại hừng hực khí thế hào hùng, đôi mắt bừng sáng.

60 năm Hàm Rồng chiến thắng: Hai ngày đen tối của không lực Mỹ - 1

Toàn cảnh lễ kỷ niệm (Ảnh: Hoàng Dương).

Ông cho biết, trước đây ông công tác trong ngành thủy lợi, năm 1965, ông được điều động tham gia chiến đấu tại "tọa độ lửa cầu Hàm Rồng". Khẩu đội của ông trực chiến cách núi Ngọc bên cầu Hàm Rồng khoảng 500m, làm nhiệm vụ theo dõi và bắn phá không quân Mỹ.

"Đó là cuộc chiến cam go, ác liệt, anh em phải thay nhau trực chiến suốt ngày đêm. Có những lúc ăn cơm chỉ vỏn vẹn 5 phút, đi tắm vài phút, rồi lại lao ra trực", ông Thiệu chia sẻ. Mỗi dịp kỷ niệm Hàm Rồng chiến thắng, cảm xúc trong ông lại bồi hồi, lâng lâng khó tả.

60 năm Hàm Rồng chiến thắng: Hai ngày đen tối của không lực Mỹ - 2

Thiếu tá Phan Văn Thiệu (người bên trái) (Ảnh: Thanh Tùng).

Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm, ông Nguyễn Doãn Anh, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, nhấn mạnh rằng Hàm Rồng chiến thắng là sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của lòng trung thành tuyệt đối và tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân và dân cả nước nói chung, quân và dân Thanh Hóa nói riêng.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, trong những năm tháng chiến tranh, xác định Thanh Hóa là hậu phương trực tiếp của mặt trận Bình - Trị - Thiên và cầu Hàm Rồng là "điểm tắc lý tưởng" trên tuyến vận tải từ Bắc vào Nam, phá sập cầu Hàm Rồng sẽ cắt đứt mạch máu giao thông, nên Tổng thống Giôn-Xơn và chính quyền Mỹ đã đánh phá tỉnh Thanh Hóa. Đặc biệt là khu vực Hàm Rồng, Mỹ sử dụng lực lượng hỗn hợp của không quân và hải quân.

60 năm Hàm Rồng chiến thắng: Hai ngày đen tối của không lực Mỹ - 3

Ông Nguyễn Doãn Anh, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa (Ảnh: Hoàng Dương).

Đúng 8h45 ngày 3/4/1965, Mỹ cho hàng loạt máy bay lao và cắt bom, bắt đầu từ cầu Đò Lèn (huyện Hà Trung) đánh phá vào khu vực trọng điểm Hàm Rồng.

Ngày đầu tiên, không quân Mỹ sử dụng 102 tốp máy bay tiêm kích đánh phá dữ dội trong suốt 3 giờ.

Ngày 4/4/1965, địch tiếp tục dùng một lực lượng lớn máy bay bắn phá với tốc độ và cường độ lớn, cứ 10 phút lại tổ chức một đợt công kích.

"Trong bối cảnh đó, quân dân Thanh Hóa trên khắp các trận địa, các vị trí chiến đấu vẫn bám trụ kiên cường, với cách đánh thông minh, táo bạo, bất ngờ, quyết đánh và quyết thắng, bảo vệ quê hương.

Trong 2 ngày 3-4/4/1965, quân dân Thanh Hóa đã bắn rơi 47 máy bay Mỹ, trong đó, riêng tại khu vực Hàm Rồng đã bắn rơi 31 chiếc. Đế quốc Mỹ phải cay đắng thừa nhận đó là 2 ngày đen tối của không lực Mỹ", ông Anh nói.

Theo ông Anh, Hàm Rồng chiến thắng đã trở thành tượng đài bất tử, minh chứng cho tinh thần quật khởi của dân tộc Việt Nam trước mọi kẻ thù xâm lược. Đây cũng là thất bại lớn đầu tiên của không quân Mỹ trên bầu trời miền Bắc, là sự khẳng định về sức mạnh của nhân dân Việt Nam.

60 năm Hàm Rồng chiến thắng: Hai ngày đen tối của không lực Mỹ - 4

Cầu Hàm Rồng trong kháng chiến chống Mỹ (Ảnh tư liệu: Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thanh Hóa).

"60 năm đã đi qua, nhưng sự kiện Hàm Rồng chiến thắng mãi là bản anh hùng ca bất tử, để lại những bài học quý giá, có ý nghĩa sâu sắc cho các thế hệ hôm nay và mai sau", ông Anh nhấn mạnh.

Cuối buổi lễ kỷ niệm là chương trình nghệ thuật sân khấu hóa với chủ đề "Hàm Rồng - Vang mãi bản hùng ca". Chương trình gồm 3 phần: Hàm Rồng sẵn sàng chiến đấu; Hàm Rồng chiến thắng; Hàm Rồng vang mãi bản hùng ca.