1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

6 giải pháp “cấp cứu” tắc đường Hà Nội

(Dân trí) - Tình trạng tắc đường “đồng bộ” tại Hà Nội liên tiếp xảy ra từ đầu tháng 9. Lực lượng CSGT cũng gần như “tê liệt” đứng… nhìn. Trong cuộc họp chiều qua, Phòng CSGT - CATP đã đề ra 6 giải pháp “cấp bách” để cải thiện tình trạng phản ứng chậm và bị động trong việc đối phó với tắc đường.

>> Tắc đường nghiêm trọng ngày khai trường

 

>> Hà Nội: Tắc đường “đồng bộ” và nghiêm trọng

 

Nguyên nhân của tình trạng tắc đường trầm trọng, liên miên gần đây nhìn từ trách nhiệm của lực lượng CSGT thành phố là phản ứng chậm và bị động. Thượng tá Đào Công Hải, trưởng phòng CSGT - Công an Hà Nội phân tích nguyên nhân “đến hẹn lại lên” sinh viên nhập trường.

 

“Chúng tôi không biết là năm nay sinh viên nhập học vào ngày 10/9 (mọi năm là 5/9). Không ai thông báo với chúng tôi “lịch mới” nên 5/9, lực lượng CSGT đã căng toàn lực lượng để đảm bảo giao thông. Đến 10/9, giảm cường độ thì lưu lượng xe đổ vào thành phố lại quá lớn, cảnh sát lại bị động, bất ngờ” - ông Hải nhăn nhó. Thậm chí, 10/9 mưa to, nhiều điểm ngập úng càng làm tình trạng ùn tắc thêm trầm trọng.

 

6 giải pháp “cấp” đã được Công an thành phố đề ra, trong đó tập trung vào một số giải pháp tăng khả năng điều tiết của lực lượng CSGT. CSGT sẽ được trang bị máy bộ đàm để nắm tình hình chung cả các tuyến đường trong khu vực nhằm hướng dẫn hướng đi cho người dân.

 

Trong giờ cao điểm, CSGT được phép không đứng trên bục mà thực hiện điều hoà giao thông một cách chủ động. Có thể cho đi 2-3 nhịp đèn rồi mới dừng để tránh ùn tắc ở những ngã ba, ngã tư đèn tín hiệu không hiệu quả; Triển khai phương án phối hợp giữa CSGT và Cảnh sát trật tự, công an các phường, quận tại các điểm nóng hay ùn tắc.

 

Vấn đề được đặt ra là tại sao đến thời điểm này, phòng CSGT mới tính tới các biện pháp cấp bách đối phó với tắc đường trong khi việc “nhập trường là tắc đường” mỗi năm đã là chuyện… xưa như trái đất. Thượng tá Đào Công Hải giải thích, phòng CSGT cũng đã có giải phương án sẵn nhưng vì thời gian gần đây tình trạng ùn tắc quá lớn nên phải đề ra những phương án mới.

 

6 giải pháp “cấp cứu” tắc đường Hà Nội - 1
 Mọi nỗ lực của các lực lượng cảnh sát đều trở nên vô nghĩa giữa

dòng người đông nghịt và hỗn loạn. (Ảnh chụp hôm khai trường 5/9/2007).

 

Chính việc không tiên liệu đúng mức độ những sự kiện dù đã có quy luật nên lực lượng CSGT Hà Nội đã không kịp ứng phó. Ông Hải cũng thừa nhận, đội ngũ CSGT quá mỏng, một số nơi bố trí không hợp lý, thậm chí một số cán bộ chiến sĩ còn lúng túng khi điều hành, có cán bộ còn làm chưa hết trách nhiệm.

 

Ông Hải cũng nhấn mạnh, đã có cán bộ chiến sĩ không làm tròn trách nhiệm bị đình chỉ công tác. Thời gian tới, nếu người dân phát hiện cán bộ chiến sĩ thiếu trách nhiệm, Công an thành phố cũng sẽ kiểm tra, xử lý.

 

Tuy nhiên, ông Hải cũng “than khó” khi hàng chục năm qua, người CSGT vẫn chỉ có cây gậy trong tay. Họ vẫn phải chịu cảnh da cháy nắng, mắt đỏ bụi, hít khói và... nhìn cảnh tắc đường.

 

Với tình trạng giao thông như hiện nay, CSGT còn chịu khổ và sẽ còn khổ hơn trong thời gian tới. Đề ra các giải pháp cấp bách là để đánh giá sớm, đánh giá đúng về tình hình giao thông. Được trao đổi thông tin một cách chính xác và sớm có kế hoạch, phương án dự phòng thì có thể tình trạng ùn tắc sẽ không diễn ra nghiêm trọng như những ngày qua. Và dòng người sẽ bớt tắc hơn dù họ còn phải đi chậm như rùa trong thời gian dài dài.

 

Theo tính toán, khả năng thông xe của các tuyến đường, phố ở Hà Nội hiện đã vượt quá 200% thiết kế. Mật độ lưu thông từ khi bỏ chủ trương tạm dừng đăng ký xe máy đã lên tới 540 ôtô và 5.900 môtô, xe máy lưu thông/ 1km đường.

 

Gần đây, mỗi tháng Hà Nội có thêm 2.500 ôtô và 15.000 môtô, xe máy đăng ký mới. Hà Nội đang quản lý 1,9 triệu môtô, xe máy và gần 194.000 ôtô, chưa kể 30% số xe máy đang lưu thông tại Hà Nội là xe ngoại tỉnh và xe của các đơn vị quân đội.

 

Từ năm 1999 đến năm 2006, Hà Nội mới tăng được... 50 km đường, chủ yếu ở các chung cư, khu đô thị mới.

 

Phương Thảo - Kim Tân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm