1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

6 Bộ trưởng “đối mặt” chất vấn

(Dân trí) - “Các Bộ trưởng đều đã có báo cáo trả lời về lời hứa của mình ở phiên chất vấn kỳ họp trước. Thường vụ Quốc hội và các cơ quan Quốc hội cũng có những giám sát riêng. Tuy nhiên cũng có những lời hứa không thể thực hiện ngay được...”

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn trao đổi những thông tin trước phiên chất vấn và trả lời chất vấn cuối tuần này.

Chỉ còn 1 ngày là đến phiên chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã “chốt” danh sách các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn?

Thường vụ đã thống nhất sẽ có 6 Bộ trưởng tham gia trả lời chất vấn lần này. Nhưng theo luật, phải xin ý kiến đại biểu Quốc hội. Sau khi đại biểu thông qua danh sách, chúng tôi mới tham mưu các nhóm vấn đề. Và khi Thường vụ Quốc hội thống nhất, Văn phòng mới ký, gửi cho Thủ tướng Chính phủ để chuẩn bị và cho các đại biểu suy nghĩ câu hỏi. Làm như vậy, người trả lời sẽ chuẩn bị được thông tin chính xác hơn, đúng với yêu cầu của nhân dân hơn, đại biểu khi hỏi câu hỏi cũng ngắn gọn, đi vào thực tế hơn.

6 Bộ trưởng đăng đàn. Như vậy danh sách các vị Bộ trưởng trả lời chất vấn mà Ủy ban Thường vụ thông qua “chênh” với danh sách 7 Bộ trưởng (Công thương, LĐ-TB&XH, Y tế, TN-MT, Tài chính, KH-ĐT, VH-TT&DL) theo đề nghị của Chính phủ?

6 Bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn kỳ này gồm: Bộ trưởng GD-ĐT, Bộ trưởng LĐ-TB&XH, Bộ trưởng NN&PTNN, Bộ trưởng Công thương, Bộ trưởng TN-MT và Bộ trưởng KH-ĐT. Những Bộ này Chính phủ đều đã dự kiến cả. Nói chung ý kiến 2 bên như vậy là gặp nhau. Theo luật, Chính phủ có quyền đề xuất nhưng quyết định cuối cùng vẫn là đại biểu Quốc hội.

Sau khi 6 Bộ trưởng trả lời, ý của Thủ tướng là sẽ phân công Phó Thủ tướng thường trực báo cáo những vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau, giải thích thêm. Sau đó đại biểu có quyền hỏi, có thể là Phó Thủ tướng trả lời, cũng có những việc Thủ tướng sẵn sàng trả lời. Thủ tướng lần này phân công Phó Thủ tướng thường trực là vì thường theo thông lệ, kỳ họp giữa năm, thay mặt Chính phủ là Phó Thủ tướng thường trực còn cuối năm là Thủ tướng.
 
6 Bộ trưởng “đối mặt” chất vấn - 1
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn.

Thường vụ Quốc hội đã dự kiến những nhóm vấn đề sẽ đưa ra chất vấn trong kỳ họp này?

Các vấn đề vẫn đang được cân nhắc, soạn thảo. Tôi có thể ví dụ, nói đến vấn đề giáo dục, người ta rất quan tâm đến khối giáo dục mầm non. Việc vừa rồi Bộ tổ chức thi tốt nghiệp THPT, đại biểu cũng quan tâm hỏi nhiều việc tổ chức thi cụm, chấm chéo. Vấn đề TN-MT thì hiện đại biểu Quốc hội đang quan tâm nhiều việc giải quyết hậu Vedan. Dư luận cũng đặt vấn đề, luật đất đai hiện chưa sửa được, Chính phủ đưa ra giải pháp gì để khắc phục chứ không lẽ để những bất cập tiếp tục…

6 Bộ trưởng, mỗi người 3-4 nhóm vấn đề, thành ra có đến vài chục nhóm, tùy theo lĩnh vực trong phiên chất vấn kỳ này.

Trong buổi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, có nhiều ý kiến khác nhau về tình hình khai thác khoáng sản, trong đó có bô xít ở Tây Nguyên. Thường vụ có đề ra thành 1 nhóm vấn đề chất vấn?

Việc này thì căn cứ vào thông báo nội dung kỳ họp. Theo chương trình, nội dung này có trong báo cáo chung của Chính phủ và gửi cho đại biểu Quốc hội. Nếu chưa hiểu, đại biểu có quyền chất vấn Chính phủ các vấn đề liên quan. Theo kết quả tập hợp chất vấn, đại biểu Quốc hội quan tâm đến chỗ nào, chưa nắm được chỗ nào thì hỏi thôi.

Việc điều hành chất vấn lần này có gì khác các kỳ họp trước? Câu hỏi, cách hỏi và trả lời nếu không đi được tới tận cùng vấn đề thì Quốc hội liệu có ra Nghị quyết, thưa ông?

Theo luật, Quốc hội khi cần thiết sẽ ra Nghị quyết nhưng khi đã ra Nghị quyết có nghĩa là cần quy ra được trách nhiệm cụ thể, ai sẽ xử lý việc đó, khi nào thì xử lý xong. Việc này Thường vụ Quốc hội cũng rất quan tâm và bàn bạc nhưng phải chờ diễn biến phiên chất vấn.

Trong số các Bộ trưởng sẽ đăng đàn lần này có nhiều người đã từng trả lời chất vấn ở kỳ họp thứ 4. Vấn đề giám sát với lời hứa của các Bộ trưởng này sẽ được xem xét thế nào?

Các Bộ trưởng đã trả lời lời hứa của mình. Ví dụ đến giờ tôi đã nhận được báo cáo của Bộ trưởng TN-MT, Bộ trưởng GD-ĐT, Bộ trưởng LĐ-TB&XH trả lời các vấn đề liên quan đến lời hứa. Thường vụ Quốc hội và các cơ quan Quốc hội cũng có những giám sát riêng. Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng sẽ công bố chuyên đề giám sát về chương trình tái định cư thủy điện Sơn La. Quốc hội cũng sẽ báo cáo giám sát về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

Với những lời hứa chưa thực hiện được, cơ chế xử lý sẽ thế nào, thưa ông?

Cử tri mong muốn nếu chưa thực hiện được thì đại biểu phải có ý kiến cho các vị thành viên Chính phủ để tiếp tục khắc phục bởi có những lời hứa không thể thực hiện ngay được vì nó đụng đến luật, cơ chế chính sách, cơ sở hạ tầng, ngân sách…

Nhưng có những vấn đề đã tồn tại qua rất nhiều kỳ họp mà không giải quyết được. Nhiều cử chi cho rằng đã đến lúc ngoài chất vấn trách nhiệm, cần có đánh giá về năng lực của người đứng đầu ngành. Ông đánh giá thế nào về ý kiến này?

Nếu Quốc hội có ý kiến thì sẵn sàng đưa vào Nghị quyết nhưng vấn đề còn phụ thuộc vào tình hình ngày chất vấn sắp tới đây. Hơn nữa, không chỉ ngày này mà còn cần sự xem xét, đánh giá cả quá trình làm việc của các thành viên Chính phủ.

Xin cảm ơn ông!

P.Thảo