58 người chết, mất tích do bão số 12: Chính quyền và người dân đều chủ quan?
(Dân trí) - Tính đến chiều qua (5/11), bão số 12 đã làm 29 người chết, 29 người mất tích. Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (PCTT), nguyên nhân dẫn đến thiệt hại lớn về người là do nhiều cấp chính quyền địa phương và người dân còn chủ quan, chưa quyết liệt và không có kinh nghiệm trong ứng phó với bão lớn.
Trước đó, ngày 2/11, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông đã mạnh lên thành bão, trở thành cơn bão số 12 năm 2017 (tên quốc tế là Damrey - Con Voi). Cơ quan khí tượng thủy văn nhận định, bão số 12 rất mạnh, càng vào bờ cường độ bão càng tăng lên.
Đến 6h ngày 4/11, bão số 12 đổ bộ vào đất liền tỉnh Khánh Hòa với cấp độ 12, giật cấp 15. Bão vào đúng thời điểm khu vực này có không khí lạnh tăng cường mạnh nên làm cho bão càng mạnh thêm, gây mưa lớn, gió mạnh ở nhiều tỉnh Nam Trung Bộ.
Sau nhiều giờ quần thảo trên đất liền, bão di chuyển dần sang khu vực Tây Nguyên và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới ở trên đất Campuchia.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, tính đến chiều ngày 5/11, bão số 12 đã làm 29 người chết (Quảng Ngãi 2 người, Bình Định 3 người, Khánh Hòa 16 người (con số thống kê của Khánh Hòa là 27 người chết - PV), Lâm Đồng 3 người, Đăk Lắk 1 người, 4 người sự cố tàu vận tải); 29 người mất tích (Bình Định 4 người, Phú Yên 1 người và 24 người do sự cố tàu vận tải, (Khánh Hòa thống kê có 5 người mất tích));
Nhà sập đổ: 1.015 nhà, tăng 389 nhà so với báo cáo nhanh sáng 5/11 (Bình Định 81 nhà, Phú Yên 113 nhà, Khánh Hòa 691 nhà, Đăk Lắk 113 nhà, Đắk Nông 14 nhà, Lâm Đồng 3 nhà).
Nhà tốc mái, hư hỏng: 43.611 nhà, tăng 3.907 nhà so với báo cáo nhanh sáng 5/11 (Quảng Ngãi 74 nhà, Bình Định 95 nhà, Phú Yên 12.577 nhà, Khánh Hòa 29.382 nhà, Ninh Thuận 46 nhà, Gia Lai 44 nhà, Đắk Lắk 1.321 nhà, Đắk Nông 12 nhà, Lâm Đồng 69 nhà).
Tàu cá bị chìm, hư hỏng: 228 tàu (Bình Định 2 tàu, Phú Yên 114 tàu, Khánh Hòa 112 tàu); Diện tích lúa bị ngập: 4.425 ha (Bình Định 379ha, Phú Yên 113 ha, Khánh Hòa 3.748 ha, Gia Lai 25 ha, Đắk Lắk 60 ha, Lâm Đồng 100 ha).
Theo Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT, nguyên nhân thiệt hại lớn về người: Đây là cơn bão mạnh nhất trong nhiều năm qua đổ bộ vào khu vực nhưng nhiều cấp chính quyền địa phương và người dân còn chủ quan, chưa quyết liệt và không có kinh nghiệm trong ứng phó với bão lớn.
Việc kiểm soát, tổ chức neo đậu, cứu hộ, cứu nạn các tàu vận tải ở cảng Quy Nhơn, tỉnh Bình Định còn nhiều bất cập, hạn chế; Phương án ứng phó của một số địa phương còn chưa sát với thực tế, nhất là phương án sơ tán, di dời dân ở những nơi không an toàn; Lực lượng, trang thiết bị, phương tiện cứu hộ, cứu nạn còn thiếu, chưa phù hợp với thực tế; bố trí sắp xếp neo đậu tàu làm công tác cứu hộ, cứu nạn chưa hợp lý nên khi có sự cố cần tổ chức cứu nạn thì chưa kịp thời, không di chuyển được do không có đường ra phía biển.
Nguyên nhân thiệt hại lớn về cơ sở hạ tầng, tàu thuyền: Mức bảo đảm thiết kế của công trình đê điều, hệ thống điện, thông tin thấp hơn cường độ bão xảy ra; Nhiều khu neo đậu tàu thuyền trú tránh bão bất cập, quá tải, không đủ cho các tàu thuyền vào tránh trú, đặc biệt là tàu vãng lai, tàu vận tải; Thông tin, kiểm soát tàu thuyền vận tải ở rất nhiều đợt bão, lũ còn hạn chế nên thường gây rất nhiều thiệt hại.
Nguyên nhân về công tác chỉ đạo điều hành: Năng lực các của cơ quan tham mưu phòng, chống thiên tai các cấp ở địa phương trong khu vực còn rất nhiều hạn chế cả về số lượng, kinh nghiệm cán bộ, trang thiết bị, phương tiện; Công tác phối hợp đôn đốc, chỉ huy thực hiện ứng phó, khắc phục sự cố gặp hạn chế và không kịp thời do không được thường xuyên tập huấn, diễn tập; Việc tham mưu xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai, nhất là với bão mạnh của các địa phương còn xa rời thực tế, không áp dụng được khi có tình huống thiên tai xảy ra.
Nguyễn Dương