550 cửa hàng xăng dầu tại TPHCM sẽ bị kiểm tra chặt chẽ
(Dân trí) - Sở Công Thương TPHCM cho biết 550 cửa hàng xăng dầu trên địa bàn, lực lượng quản lý thị trường sẽ kiểm tra chặt chẽ 24/24h. Cửa hàng nào đóng cửa, găm hàng sẽ bị xử phạt.
Tại buổi họp báo của Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 và phục hồi kinh tế TPHCM, chiều 13/10, đại diện Sở Công Thương TPHCM và Petrolimex Sài Gòn đã thông tin về tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn thời gian qua.
Cam kết đảm bảo nguồn cung xăng dầu
Ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Xăng dầu khu vực II (Petrolimex Sài Gòn) nhìn nhận, việc cung ứng xăng dầu trên địa bàn TPHCM và một số tỉnh vừa qua có xảy ra vấn đề thiếu hụt cục bộ, nhiều cửa hàng ngưng hoạt động hoặc bán nhỏ giọt. Điều này dẫn đến việc lượng khách hàng đổ về Petrolimex tăng vọt so với ngày thường, đỉnh điểm tăng đến 240%.
"Bình quân chúng tôi cung cấp 1.300 - 1.500m3 xăng/ngày, nhưng ngày 10/10 lên đến 3.200 - 4.000m3/ngày", ông Tuấn thông tin.
Giám đốc Petrolimex Sài Gòn cho biết, từ nay đến ngày 17/10, doanh nghiệp sẽ nhập thêm 100.000m3 xăng. Trong tháng 10, sẽ tiếp tục nhập 30 - 40.000m3 xăng và 80.000m3 dầu. Với số lượng này, doanh nghiệp cam kết cung ứng đủ cho hệ thống cửa hàng và các cơ sở nhượng quyền bán lẻ.
Đối với các cửa hàng xăng dầu đóng cửa tại TPHCM, nguồn hàng đã được bổ sung và trong 2 ngày tới sẽ hoạt động trở lại. Ông Tuấn cũng cam kết, tất cả cửa hàng trên hệ thống đều không giới hạn số lượng xăng bán ra.
Không còn xếp hàng, ùn ứ tại cây xăng
Về vấn đề "chiết khấu 0 đồng", Giám đốc Petrolimex Sài Gòn cho biết, doanh nghiệp luôn có mức chiết khấu tốt cho hệ thống. Vì thế, trên toàn quốc, các cửa hàng kinh doanh đều có chiết khấu, không xảy ra trường hợp chiết khấu bằng 0 dẫn đến đóng cửa.
Trước thực tế nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu đóng cửa, ngưng hoạt động trên địa bàn TPHCM, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương lý giải, nguyên nhân do các cửa hàng bán lẻ hoặc vùng ven trung tâm chưa đầu tư kho bãi, phương tiện vận chuyển.
Do đó, khi hết hàng vào giờ cao điểm, họ phải chờ xe bồn vận chuyển từ các nhà cung cấp, dẫn đến việc nhiều cửa hàng thiếu xăng, đóng cửa hoặc chỉ bán dầu.
Đối với 550 cửa hàng xăng dầu trên địa bàn TPHCM, lực lượng quản lý thị trường theo dõi, kiểm tra chặt chẽ 24/24h. Cửa hàng nào đóng cửa đều có cơ quan chức năng đến kiểm tra, nếu phát hiện có tình trạng găm hàng sẽ bị xử phạt.
Ông Phương thông tin, đến 14h hôm nay, số lượng cửa hàng gián đoạn cung ứng xăng dầu giảm một nửa so với hôm qua. "Gần như không còn tình trạng xếp hàng, ùn ứ tại các cây xăng", Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM nhận xét.
Ông cũng cho biết, sáng nay, Thủ tướng đã giao cho các bộ, ngành rà soát, có hỗ trợ phù hợp, hiệu quả để cung ứng không bị đứt gãy. UBND các tỉnh, thành và lực lượng chức năng trên địa bàn tạo điều kiện thông quan, lưu thông hàng hóa; nhà máy lọc dầu hỗ trợ giao hàng nhanh...
Qua theo dõi thực tế trong lúc sức mua tăng cao, ông Phương thấy rằng, việc xếp hàng chờ đợi để đổ được xăng rất mất thời gian, khiến nhiều người có tâm lý dự trữ xăng. "Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro gây cháy nổ. Mong người tiêu dùng cân nhắc", ông khuyến cáo.
Tối 9/10, cơ quan chức năng TPHCM xác định có 54 cửa hàng tạm thời hết xăng dầu. Những cây xăng còn hoạt động xuất hiện tình trạng đông nghịt người xếp hàng chờ mua, nhiều cửa hàng xăng tư nhân phải treo biển "hết hàng".
Sáng hôm sau (10/10), nhiều người dân vẫn phải đứng xếp hàng trước các cây xăng. Có người phải chờ cả tiếng mới đến lượt, thậm chí phải rời đi vì hết hàng.
Tình cảnh người dân xếp hàng chờ mua xăng kéo dài tới tận sáng 11/10. Nhiều người dân mang can nhựa, bình nhựa đi mua xăng để dự trữ.
Chiều cùng ngày, liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh giá xăng dầu, tuy nhiên nhiều cây xăng trên địa bàn TPHCM vẫn trong tình trạng treo biển đóng cửa vì hết xăng.