Thủ tướng: Cần linh hoạt hơn trong điều hành xăng dầu
(Dân trí) - Nói về tình trạng thiếu hụt xăng dầu, Thủ tướng đánh giá chủ yếu là nguyên nhân chủ quan. Thủ tướng lưu ý công tác điều hành phải linh hoạt, phản ứng chính sách phải nhanh hơn, trách nhiệm hơn...
Sáng 13/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ tiếp xúc cử tri thành phố trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Tham dự buổi tiếp xúc cử tri có Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh - Trưởng Đoàn đại biểu; các đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ; lãnh đạo các bộ, ngành và TP Cần Thơ; đại diện cử tri các quận Cái Răng, Ninh Kiều và huyện Phong Điền; cử tri là cán bộ quản lý, nhân viên ngành y tế, cán bộ, giảng viên, sinh viên y dược, cử tri là các vị chức sắc tôn giáo trên địa bàn.
Cử tri: Nhiều bệnh nhân phải bỏ tiền túi tìm mua từng viên thuốc
Đại diện cho ngành y địa phương nêu ý kiến với các đại biểu Quốc hội, ông Hoàng Quốc Cường (Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ) nhìn nhận việc xảy ra nhiều vụ án liên quan đến công tác đấu thầu mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị y tế ở nhiều tỉnh thành trên cả nước cho thấy các quy định đấu thầu, mua sắm còn chồng chéo.
Sau những sự việc trên, cán bộ đang có tâm lý sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra nên các đơn vị trực thuộc không dám đấu thầu mua sắm hoặc tỏ ra lúng túng, ngại thực hiện đấu thầu, nhất là đấu thầu liên quan trang thiết bị y tế, khiến cung ứng không đầy đủ một số thuốc, hóa chất vật tư y tế tại một số cơ sở y tế.
Cùng nêu vấn đề khan hiếm thuốc, vật tư y tế, một cử tri phường Thới Bình (quận Ninh Kiều) đánh giá hiện tượng đã xảy ra nhiều tháng qua. Nhiều bệnh nhân phải tự bỏ tiền túi tìm mua từng viên thuốc, cây kim… gây ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh.
Nêu quan điểm về việc nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (2%) với hoạt động khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế công lập, theo kiến nghị của Cục Thuế và Thanh tra TP Cần Thơ, cử tri Hoàng Quốc Cường đánh giá khi triển khai có thể dẫn đến tình trạng mất cân đối thu chi, ảnh hưởng đến các chính sách tiền lương, phúc lợi, thu hút nhân tài... gây khó khăn trong hoạt động, ảnh hưởng rất lớn đến việc tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp công lập.
Cử tri là Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét việc miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế công lập trong khi chờ các quy định tính đúng, tính đủ giá khám, chữa bệnh.
Cũng tại buổi tiếp xúc, cử tri phường An Bình, quận Ninh Kiều và phường Phú Thứ, quận Cái Răng nêu nhiều vấn đề đang được người dân quan tâm như việc biến tướng cho vay nặng lãi qua tin nhắn, vay tiền qua app; chính sách tiền lương, nâng lương cơ sở cho cán bộ; giải quyết tình trạng dự án đã giao nhưng thi công chậm trên địa bàn…
Đề cập vấn đề nóng là tình trạng thiếu hụt xăng dầu những ngày qua ở miền Tây, cử tri Đỗ Quốc Hiền (huyện Phong Điền) cho rằng dù tình trạng trên chỉ diễn ra ít ngày nhưng ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân, trong đó có nông dân.
Hòa thượng Đào Như, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Cần Thơ, nhấn mạnh Chính phủ vừa ban hành Chương trình hành động phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có TP Cần Thơ. Cử tri mong muốn Thủ tướng làm việc với nhiều địa phương, kiểm tra các công trình để tháo gỡ các khó khăn về hạ tầng, phát triển nông thôn.
Điều hành phải linh hoạt, phản ứng chính sách phải nhanh hơn
Sau khi lắng nghe các cử tri nêu ý kiến và đề đạt nguyện vọng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, các vấn đề nêu ra đều tâm huyết, trách nhiệm, xây dựng và thẳng thắn, bám sát thực tiễn, thể hiện sự tin tưởng, quan hệ chặt chẽ giữa cử tri với đại biểu Quốc hội.
Trả lời và thông tin với cử tri TP Cần Thơ về phát triển hạ tầng giao thông, các dự án triển khai chậm, Thủ tướng nhấn mạnh bản thân ông đã đi từ Nam chí Bắc để thực tế, nắm tình hình. Để từng bước tháo gỡ, Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo các công trình trọng điểm quốc gia do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo, hàng tháng sẽ họp để rà soát công việc và chỉ đạo quyết liệt.
"Bản thân tôi thực hiện nhiều cuộc đi từ Nam chí Bắc, tới các địa phương để chỉ đạo, đôn đốc. Các thành viên Chính phủ cũng đốc thúc chỉ đạo. Tôi đề nghị các địa phương làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, bởi các công trình càng để dài sẽ đội vốn và đội vốn sẽ kéo dài", Thủ tướng nhấn mạnh.
Về giá xăng và thiếu hụt xăng dầu thời gian gần đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, các tỉnh, thành như TPHCM, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk… vừa qua có tình trạng này nhưng hiện đã cơ bản kiểm soát tình hình.
Theo Thủ tướng, tình trạng trên có nguyên nhân khách quan do đứt gãy chuỗi cung ứng; giá xăng dầu lên xuống nhanh, khó dự báo; do cạnh tranh chiến lược giữa các nước… Bên cạnh đó, nước ta nhập khẩu xăng dầu trong bối cảnh đồng USD tăng, đồng nội địa giảm nên có biến động.
Tuy nhiên, Thủ tướng đánh giá nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Thủ tướng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan rà kỹ cơ chế chính sách và văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với tình hình hiện nay; lưu ý công tác điều hành phải linh hoạt, phản ứng chính sách phải nhanh hơn, trách nhiệm các bộ, các ngành phối hợp với nhau chặt chẽ, hiệu quả hơn. Thủ tướng cũng nói tới việc cân nhắc thu hẹp chu kỳ tăng giá, chứ để 10 ngày chưa phù hợp với tình hình diễn biến…
"Vừa qua phản ứng chính sách của một số cơ quan có liên quan từ Trung ương đến địa phương chưa kịp thời, chưa hiệu quả. Cái này phải kiểm điểm, xác định trách nhiệm, rút kinh nghiệm để chúng ta làm tốt hơn", Thủ tướng nhấn mạnh.
Về giải pháp trong thời gian tới, Thủ tướng đã giao cho các bộ, ngành rà soát, có hỗ trợ phù hợp, hiệu quả để cung ứng không bị đứt gãy. UBND các tỉnh, thành và lực lượng chức năng trên địa bàn tạo điều kiện thông quan, lưu thông hàng hóa; nhà máy lọc dầu hỗ trợ giao hàng nhanh...
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần có biện pháp hỗ trợ, khuyến khích tạo điều kiện các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu duy trì hoạt động kinh doanh đúng pháp luật, tránh tiêu cực, tránh gây phiền hà, sách nhiễu. Công tác thông tin truyền thông thì khách quan, thực tế, phù hợp với tình hình, để người dân không hoang mang nhưng cũng không chủ quan.
Về các kiến nghị liên quan tới nhân lực ngành y, theo Thủ tướng, về nguyên nhân khách quan, việc phát triển của kinh tế thị trường sẽ khó tránh được việc nhân lực ra vào giữa công và tư. Cơ chế tự chủ, xã hội hóa giúp nhiều đơn vị có thu nhập tốt hơn.
Nói về giải pháp tháo gỡ, Thủ tướng cho rằng cần hoàn thiện cơ chế chính sách để việc thu hút cán bộ, đãi ngộ phù hợp, nhất là cơ chế lương. Cần xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan trong việc đánh giá, sử dụng cán bộ cho khách quan, dân chủ, đảm bảo đúng tiêu chuẩn, quy trình để cán bộ yên tâm phấn đấu, rèn luyện. Có cơ chế quy hoạch, bồi dưỡng cán bộ, nhân tài, quan tâm đến viêc chăm lo đời sống tinh thần vật chất nói chung, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức hoạt động nâng cao trình độ; xây dựng môi trường làm việc lành mạnh.
"Những việc này chúng ta đang làm, đã làm và tiếp tục vừa làm vừa rút kinh nghiệm để làm tốt hơn" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, Thủ tướng cho biết đã chỉ đạo quyết liệt các cơ quan liên quan rút kinh nghiệm để làm tốt hơn. Chính phủ đã cử một Phó Thủ tướng theo dõi, đôn đốc, xử lý vấn đề này. "Phải có giải pháp quyết liệt hơn, khắc phục tình trạng thiếu thuốc một cách dứt điểm trong thời gian sớm nhất", Thủ tướng khẳng định.