50 quốc gia đề nghị đàm phán với Mỹ, Việt Nam là nước có phản ứng sớm nhất
(Dân trí) - Đến nay đã có khoảng 50 quốc gia đề nghị được đàm phán với Mỹ, song Việt Nam là một trong những nước có phản ứng sớm nhất và là nước đầu tiên có trao đổi trực tiếp của lãnh đạo cấp cao nhất.
Thông tin này được đề cập trong Hội nghị trực tuyến giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính với các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, tối 7/4.
Tại hội nghị, các đại biểu đã đánh giá tình hình thương mại, diễn biến thị trường quốc tế và phản ứng, biện pháp của các nước sau khi Mỹ công bố chính sách thuế quan mới.
Giải pháp của Việt Nam rất tích cực, nhanh nhạy
Các đại biểu cho rằng các giải pháp của Việt Nam là rất tích cực, nhanh nhạy, nhưng cũng giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh, sáng tạo, chủ động, thích ứng kịp thời, linh hoạt.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị với các bộ, ngành, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các hiệp hội, doanh nghiệp để chủ động thích ứng với tình hình mới về thương mại quốc tế (Ảnh: Đoàn Bắc).
Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, đến nay đã có khoảng 50 quốc gia đề nghị được đàm phán với Mỹ song Việt Nam là một trong những nước có phản ứng sớm nhất và là nước đầu tiên có trao đổi trực tiếp của lãnh đạo cấp cao nhất, đặt nền tảng quan trọng cho quá trình đàm phán song phương tới đây.
Các đại biểu cho rằng tình hình tới đây sẽ còn nhiều phức tạp, khó khăn và khó đoán định, không loại trừ khả năng các cuộc đàm phán giữa Mỹ và các đối tác sẽ từng bước làm thay đổi cấu trúc thương mại và đầu tư toàn cầu, định hình lại các chuỗi cung ứng, nhất là các công nghệ cao và các mặt hàng chiến lược.
Trong đó, cạnh tranh chiến lược, xu thế bảo hộ thương mại, dịch chuyển đầu tư, nhất là đầu tư công nghệ cao, gia tăng kiểm soát về công nghệ sẽ đẩy nhanh phân tách, phân mảng, đặc biệt về công nghệ.
Điều này đặt các nền kinh tế đang phát triển ở vị trí ngày càng khó khăn, chịu áp lực cạnh tranh lớn hơn về thương mại và thu hút đầu tư, và tham gia cân bằng, hiệu quả vào các chuỗi cung ứng.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính trước hết chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan, địa phương cần tiếp tục quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trong "bộ tứ chiến lược".
Một là đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Hai là sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Ba là phát triển khu vực kinh tế tư nhân và bốn là hội nhập quốc tế trong tình hình mới.
Cơ hội để tái cấu trúc nền kinh tế
Về tình hình mới trong thương mại quốc tế, trong đó có chính sách thuế đối ứng của Mỹ, Thủ tướng cho rằng phải nhìn nhận mọi vấn đề từ góc nhìn tích cực. Ông nhấn mạnh trong ứng phó, tinh thần chung là không hoảng hốt, hoang mang, lo sợ mà càng khó khăn thách thức, càng phấn đấu vươn lên mạnh mẽ, thể hiện bản lĩnh, giá trị cốt lõi, trí tuệ và văn hóa của con người Việt Nam.
Thủ tướng nhận định việc Mỹ áp dụng chính sách thuế quan mới sẽ ảnh hưởng tới kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam, song đây cũng là cơ hội để chúng ta tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh, bền vững, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị (Ảnh: Đoàn Bắc).
Đây cũng là cơ hội để Việt Nam tái cấu trúc thị trường, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng, vươn lên mạnh mẽ hơn, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, theo góc nhìn của người đứng đầu Chính phủ.
Liên quan chính sách thuế của Mỹ, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần tôn trọng lẫn nhau, tăng cường đối thoại, đàm phán, không đối đầu, không gây căng thẳng, không làm phức tạp vấn đề.
Lãnh đạo Chính phủ cũng lưu ý lựa chọn cách tiếp cận thông minh, tỉnh táo, linh hoạt, lựa chọn phương án hiệu quả nhất, cân bằng, hài hòa lợi ích hai bên, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, đồng thời giữ vững độc lập, chủ quyền, tự chủ, vị thế đất nước.
Thủ tướng nêu rõ các giải pháp phải gồm cả về chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, cả trước mắt và lâu dài, cả trực tiếp và gián tiếp, cả thuế quan và phi thuế quan, thương mại và phi thương mại, có cả biện pháp tổng thể, chiến lược và cả giải pháp cụ thể, có diện rộng và trọng điểm…
Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh, xuất khẩu là động lực tăng trưởng quan trọng phải thúc đẩy nhưng không phải động lực duy nhất mà còn nhiều động lực quan trọng khác như đầu tư, tiêu dùng và các động lực tăng trưởng mới.

Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ, trực tuyến tới các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (Ảnh: Đoàn Bắc).
Ông cũng cho rằng Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất nhưng không phải là thị trường duy nhất, chúng ta còn nhiều thị trường rất tiềm năng khác cần tận dụng hiệu quả hơn, nhất là khai thác 17 hiệp định thương mại tự do đã ký kết với hơn 60 nền kinh tế trên thế giới.
Mong muốn các cơ quan đại diện tiếp tục phát huy tinh thần dân tộc, trách nhiệm cao nhất trong bối cảnh mới, Thủ tướng nêu rõ tất cả đều phải nỗ lực, cố gắng, quyết tâm, góp phần thực hiện các mục tiêu chiến lược về ổn định và phát triển.
Mục tiêu được lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh là quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025, tạo đà và lực để đạt mức tăng trưởng 2 con số trong thời gian tới.