1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

5 hiệp hội doanh nghiệp đề nghị giảm, giãn thời điểm tăng lương

(Dân trí) - 5 hiệp hội Dệt may, Da giày, Thủy sản, Gỗ mỹ nghệ và Bông vải sợi vừa gửi bản kiến nghị về lương đến đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM với đề nghị lùi thời hạn tăng lương tối thiếu hàng năm đến cuối quý 1 hoặc quý 2, với mức tăng 15%/năm.

Theo đó, ý kiến của đại diện 5 hiệp hội này, với phương án tăng lương tối thiểu 36% (phương án 1), các hiệp hội cho rằng chi phí lao động của doanh nghiệp sẽ tăng lần lượt các năm từ 2013 đến năm 2016 là 125%, 161%, 208% và 273%. Ở phương án hai (tăng 25%), các con số tương ứng sẽ lần lượt là 118%, 140%, 169% và 205%.... Đây là mức chi phí lớn, khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.

Do đó các hiệp hội này đề xuất chỉ tăng 15%/năm. Theo đó, chi phí lao động của doanh nghiệp trong 4 năm sẽ tăng theo các mức 111%, 123%, 138% và 154%. Lãnh đạo các hiệp hội giải thích, việc tính toán các phương án trên là căn cứ vào khảo sát của các doanh nghiệp đóng tại vùng 1 (vì có trên 60% doanh nghiệp trong các ngành đang hoạt động tại vùng này) đồng thời đã tính đến việc từ năm 2014 tỷ lệ đóng bảo hiểm sẽ tăng thêm 2% so với mức hiện tại.

Dệt may, da giày, thủy sản, gỗ mỹ nghệ và bông vải sợi là 5 ngành kinh tế mũi nhọn có kim ngạch xuất khẩu chiếm 35% tổng kim ngạch cả nước và sử dụng khoảng 5 triệu lao động. Về phía cơ quan soạn thảo dự thảo tăng lương định kỳ hàng năm, ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẳng định, Bộ vẫn đề nghị Chính phủ thực hiện đúng lộ trình tăng lương ở khu vực doanh nghiệp.

Theo lộ trình, Chính phủ sẽ công bố điều chỉnh lương tối thiểu vùng trong các loại hình doanh nghiệp và thực hiện từ ngày 1/1/2013.

Ông Huân cho đưa ra nhận định, phía Bộ nghiêng về phương án tăng lương vùng tối thiểu khoảng 20%. Tuy nhiên, theo ông Huân, các doanh nghiệp có thể kiến nghị lên Chính phủ về mức tăng phù hợp, trên nguyên tắc đảm bảo đời sống của người lao động và quyền lợi của doanh nghiệp. Cuối cùng, vấn đề tăng ở mức nào sẽ do Chính phủ quyết

Trong tháng 10, Bộ LĐ- TB&XH  đã soạn thảo và trình Chính phủ ba phương án tăng lương tối thiểu vùng. Trong đó phương án thấp nhất là mức lương vùng sẽ tăng tối thiểu 20%. Trước đó, Bộ đã đưa ra ba phương án tăng lương tối thiểu gồm: phương án 1, cao nhất là 2,7 triệu đồng (áp dụng cho vùng I); phương án 2, cao nhất là 2,5 triệu đồng và phương án 3 là 2,4 triệu đồng.

Còn theo báo cáo của ngành dệt may, da giày, túi xách, sợi là 4 triệu đồng, thủy sản 3,8 triệu đồng và đồ gỗ là 3,9 triệu đồng. Chi phí lao động bình quân doanh nghiệp chi trả là 5.600.000 đồng cho ngành dệt may và sợi, 5.320.000 đồng cho các ngành da giày - túi xách, thủy sản, đồ gỗ.

Bản kiến nghị cũng nêu thêm, hiện nay phần lớn các mặt hàng xuất khẩu cũng như thị trường nhập khẩu của Việt Nam đều tương đồng với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Thái Lan… do vậy khi tăng lương tối thiểu cần cân nhắc những tác động đến năng lực cạnh tranh quốc gia so với các nước này.

Về dài hạn, 5 hiệp hội trên đề xuất Việt Nam cần có một định hướng tăng lương tối thiểu trong thời gian trước 3 năm nhằm tạo sự chủ động cho việc đầu tư kinh doanh sản xuất của các tập đoàn nước ngoài và doanh nghiệp trong nước, cũng như tạo sự yên tâm cho người lao động.

Thanh Trầm