Đề xuất hoãn tăng lương năm 2013 do ngân sách khó khăn
(Dân trí) - Chính phủ cho rằng, do bối cảnh khó khăn, không đủ nguồn cân đối nên không thể bố trí ngân sách chi cho việc tăng lương trong năm 2013. Tuy nhiên, nhiều quan điểm thẩm tra cho rằng vẫn cần tăng lương tối thiểu lên 1,15 triệu đồng.
Báo cáo dự toán ngân sách 2013 “hút” chú ý nhất ở nội dung về kế hoạch bố trí khoản chi lương. Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, theo lộ trình cải cách tiền lương thì từ 1/5/2013, lương tối thiểu dự kiến sẽ tăng. Tuy nhiên, do tình hình thu ngân sách năm 2012 rất khó khăn và tiếp tục khó trong năm tới, căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách nhà nước, Chính phủ không bố trí nguồn thực hiện chi cải cách tiền lương theo lộ trình vào năm 2013.
Nhiều thành viên UB Tài chính ngân sách – cơ quan thẩm tra báo cáo, tán thành với phân tích này của Chính phủ.
Tuy nhiên, một số ý kiến trong UB Tài chính ngân sách cho rằng, để góp phần bảo đảm đời sống cho cán bộ, công chức, người lao động hưởng lương, cần thực hiện tăng lương tối thiểu từ mức 1,05 triệu đồng hiện nay lên 1,15 triệu đồng, tăng phụ cấp công vụ từ 25% lên 30%, thực hiện từ 1/5/2013. Nguồn bố trí tăng lương lấy từ việc tăng thu từ nội địa và dầu khí như dự tính.
Tuy không có kế hoạch tăng lương tối thiểu khối hành hành chính, lương khối doanh nghiệp vẫn sẽ thực hiện theo định kỳ. Đại diện Bộ LĐ-TB-XH cho hay, đề án đã trình Chính phủ và dự kiến sẽ công bố trong tháng 10. Lương tối thiểu cho khu vực doanh nghiệp dự kiến tăng mức thấp nhất từ 1,4 triệu lên 1,7 triệu đồng, cao nhất là từ 2 triệu lên 2,4 triệu đồng trong năm tới.
Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai tính toán, sẽ có khoảng 22 triệu người dân bị tác động nếu không tăng lương theo lộ trình vào năm tới. Bà Mai đề nghị nên sớm quyết kế hoạch tăng lương ở khu vực doanh nghiệp theo dự kiến. Với đội ngũ cán bộ, công chức ở khu vực nhà nước, nên xem xét tăng lương vào thời điểm thích hợp trong năm 2013 nếu tình hình khả quan hơn.
Ngoài nội dung lương, báo cáo thẩm tra của UB Tài chính Ngân sách đối với báo cáo tình hình thu chi ngân sách năm 2012 của Chính phủ nêu rõ nhận định, Chính phủ chưa đánh giá tổng quát và cụ thể về những tác động của việc triển khai thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ trong năm 2012 đến hoạt động thu chi ngân sách.
Lạm phát tuy được kiềm chết song vẫn còn diễn biến bất thường về giá cả. Cơ quan thẩm tra đề nghị, trước những khó khăn, thách thức, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo, theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế thế giới và trong nước, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục rà soát các nguồn thu bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, hạn chế tối đa tình trạng trốn thuế, gian lận thương mại, góp phần tăng thu ngân sách, đẩy nhanh tiến độ giải ngân và triển khải các nhiệm vụ chi đúng dự toán đã được phê duyệt trong những tháng còn lại của năm.
Dù nhiều quyết tâm, thu ngân sách năm 2012 có khả năng chỉ đạt dự toán như đánh giá của Chính phủ. So với nhiều năm trước đây, thu ngân sách không có khả năng vượt cao, hụt thu khá lớn ở nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương.
Cơ cấu nguồn thu vẫn tiếp tục thể hiện tính thiếu bền vững, phụ thuộc vào thu từ tài nguyên. Thu nội địa và thu cân đối xuất nhập khẩu giảm mạnh (25.500 tỷ đồng). Thu từ dầu thô chủ yếu do giá dầu tăng cao và sản lượng vượt dự toán.
Kết quả thu ngân sách đến thời điểm này không đạt kỳ vọng được lý giải do nhiều mục tiêu kinh tế quan trọng không đạt như chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Việc miễn, giảm, giãn thuế trên diện rộng với nhiều đối tượng trong thời gian tương đối dài dù có tác dụng khuyến khích đối với doanh nghiệp, cá nhân song đã tác động ngược, làm giảm thu không nhỏ với ngân sách nhà nước.
Ngoài ta, thị trường bất động sản, thị trường tài chính trầm lắng cũng được cho là nguyên nhân dẫn đến thu hẹp không gian khai thác, làm giảm nguồn thu trong lĩnh vực này.
UB Tài chính Ngân sách nêu nhiều cảnh báo nghiêm khắc. Tổng thu nội địa giảm lớn (ước giảm 17.600 tỷ đồng) chủ yếu giảm ở các khoản thu từ sản xuất kinh doanh. Chính sách kiểm soát hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng, thực hiện miễn, giảm, giãn thuế, theo đó, tạo nên tác động trực tiếp.
Cơ quan thẩm tra yêu cầu Chính phủ đánh giá sâu hơn, làm rõ kết quả cũng như những bất cập trong áp dụng chính sách thu ngân sách năm 2012, nhất là việc miễn, giảm, giãn thuế.
Cùng với việc tăng lương và tốc độ trượt giá, nguồn kinh phí được cấp dành cho chi lương và các khoản có tính chất lương ngày càng cao, chiếm tỷ trọng lớn, dẫn đến nguồn kinh phí tiết kiệm được từ việc giảm biên chế lại rất thấp.
UB Tài chính Ngân sách cũng “phê” việc điều chỉnh viện phí. Theo cơ quan thẩm tra, điều chỉnh viện phí cần có lộ trình phù hợp, đồng bộ với chất lượng dịch vụ và điều chính mức thu bảo hiểm xã hội tương ứng để bảo đảm nguồn thanh toán của quỹ BHXH.
Đề cập đến kế hoạch thu chi ngân sách năm 2013 tới, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách nhấn mạnh yêu cầu không tạo gánh nặng về thuế đối tới người dân, doanh nghiệp nhưng cũng phải đảm bảo nguồn thu, chống hụt thu lớn do điều chỉnh chính sách thuế.
Với mục tiêu dự toán tăng 14,4% so với năm 2012, có ý kiến trong UB Tài chính ngân sách là mức thấp so với bình quân các năm. Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cân nhắc điều chỉnh tăng thêm 3-5% để góp phần tạo nguồn lực thực hiện lộ trình cải cách tiền lương.
Tính toán nguồn thu từ dầu thô, Chỉnh phủ dự kiến mức 99.000 tỷ đồng với sản lượng 14,14 triệu tấn dầu, giá bình quân 90USD/thùng. Khoản thu lãi dầu khí nước chủ nhà thêm khoảng 10.000 tỷ đồng.
Ông Hiển lập luận, số thu từ dầu thô phụ thuộc chủ yếu vào giá dầu thế giới. Việc xây dựng dự toán với mức giá quá cao có khả năng dẫn đến nguy cơ mất cân đối ngân sách TƯ. Nhưng ý kiến khác cũng cho rằng giá dầu thế giới có thể ở mức 103USD/thùng nên đề nghị Chính phủ theo dõi sát, có thể điều chỉnh mức thu dự tính ở mức cao hơn.
P.Thảo