1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

5 câu hỏi cho chuyện “tăng học phí”

Cung cấp tài chính cho giáo dục đại học, trong đó có nguồn từ học phí, là một chính sách hết sức quan trọng, hết sức phức tạp và lại khá nhạy cảm của mọi quốc gia. Chính sách này “là nền tảng chi phối phần lớn ba chủ đề bao quát về chính sách của GDĐH hiện đại: chất lượng, công bằng xã hội và hiệu quả”.

Và quả thật, không có một phương án chính sách nào đồng thời thỏa mãn một cách tốt nhất các yêu cầu từ ba chủ đề đó. Vì vậy, cần có sự đồng thuận của xã hội và nhờ đó xã hội mới có niềm tin đối với GD...

 

Thiết nghĩ có năm vấn đề hay năm câu hỏi cơ bản cần phải được phân tích một cách sâu sắc trước khi quyết định về việc tăng học phí ở giáo dục đại học (GDĐH).

 

Câu hỏi đầu tiên là tổng nguồn tài chính, kể cả học phí, cung cấp cho GDĐH hiện nay đã tương đối đủ mức cần thiết tối thiểu hay chưa? Các cơ sở GDĐH rất đa dạng. Vì vậy, rất khó xác định đâu là mức cung thật sự cho việc đào tạo.

 

Để đơn giản, trên thực tế người ta vẫn phải gián tiếp sử dụng một chỉ số gọi “chi phí đơn vị” (CPĐV), là mức chi trung bình cho một SV trong một năm học.

 

Con số mức chi thực tế ở VN hiện chưa được thống kê đầy đủ và công bố một cách chính thức: nếu ước tính, con số gần đúng có thể vào khoảng trên dưới 2,5 triệu đồng/SV đối với ĐH ngoài công lập, 5-8 triệu đồng/SV đối với ĐH công lập và 30-50 triệu đồng/SV đối với ĐH nước ngoài liên doanh hoặc đầu tư trực tiếp ở VN.

 

Trong khi đó, nếu sử dụng cách ước tính trung bình của Ngân hàng Thế giới, tùy theo trình độ phát triển của từng nước, có thể cho rằng mức CPĐV hợp lý ở VN hiện nay nên khoảng 150% GDP/đầu người, nghĩa là khoảng 12-14 triệu đồng/SV.

 

Như vậy, dù có thể còn có sai số lớn trong ước tính, vẫn có thể nói rằng CPĐV thực tế hiện còn quá thấp so với mức cần thiết tối thiểu. Và CPĐV quá thấp thì khó lòng mà đảm bảo chất lượng.

 

Câu hỏi tiếp theo là liệu tăng CPĐV hoặc nguồn học phí có tăng chất lượng GDĐH? Chất lượng ở GDĐH là một khái niệm rất “mờ” và có một phạm vi biến thiên rất rộng. Hiệu quả và hiệu suất trong GDĐH cũng vậy.

 

Ở Mỹ, trong một mẫu nghiên cứu, người ta thấy CPĐV ở những trường có CPĐV cao nhất lớn gấp 7,5 lần CPĐV trung bình của nhóm 25% trường ĐH có CPĐV thấp nhất. Nhưng người ta cũng không kết luận được hiệu quả và hiệu suất của nhóm trường ĐH nào là cao hơn.

 

Tuy vậy, khi quan sát cơ cấu chi phí của các trường ĐH VN trong những năm gần đây, phần chi phí gián tiếp quá lớn, phần lương giáo viên và phụ cấp chỉ chiếm khoảng 30%, trong khi con số này ở đa số các nước là trên 50%; ở Nhật đến 70%, tỉ lệ SV/giáo viên đến 30/1, thậm chí có trường đến 80/1 trong khi ở các nước khác chỉ trên dưới 15/1...

 

Do đó chỉ có thể nói tăng CPĐV hoặc tăng học phí mới chỉ là điều kiện cần chứ chưa là đủ để đảm bảo tăng chất lượng cũng như hiệu quả trong GDĐH.

 

Một vấn đề nữa hết sức then chốt và nhạy cảm là bài toán “chia sẻ chi phí”. CPĐV sẽ được chia sẻ để gánh chịu, tính theo phần trăm như thế nào giữa: (1) ngân sách nhà nước, (2) đóng góp của SV, (3) đóng góp của gia đình SV và (4) đóng góp của cộng đồng.

 

Tại sao lại phải chia sẻ chi phí? Trước hết, mặc dù trong hai ba thập niên qua cuộc tranh luận dịch vụ GDĐH là “hàng hóa công” (public goods) hay là “hàng hóa cá nhân” (private goods) đã diễn ra trên thế giới hết sức sôi động, nhưng gần như tất cả đều phải thừa nhận rằng “tấm bằng ĐH” không chỉ đem lại lợi ích cho người học mà còn có những đóng góp đáng kể cho cộng đồng, cho phát triển kinh tế - xã hội, năng suất lao động xã hội sẽ cao hơn, sau này có thể đóng góp thuế thu nhập cho xã hội nhiều hơn.

 

Vì vậy, gần như không một nước nào trên thế giới lại đặt vấn đề “tính đúng, tính đủ” toàn bộ chi phí cho SV, kể cả SV ở các ĐH tư thục.

 

Sau nữa, cần phải có sự đóng góp của chính SV thông qua chính sách “cho SV vay vốn có trợ cấp” của Nhà nước. Có như vậy mới vừa tạo điều kiện cho người nghèo được học ĐH vừa tăng được trách nhiệm của bản thân SV.

 

Ở VN hiện nay, tỉ lệ phần học phí đóng góp cho CPĐV đã tương đối cao so với nhiều nước trên thế giới, đã đến 40,4% ở ĐH công lập và trên 100% ở ĐH ngoài công lập (học phí ở đây còn để mở rộng cơ sở vật chất của nhà trường).

 

Vì vậy, vấn đề đặt ra không thể chỉ là tăng phần học phí mà còn phải cân nhắc việc chia sẻ chi phí cho cả bốn nhóm nguồn lực tài chính nói trên. Không lẽ để có thể tăng CPĐV từ 5 triệu đồng/SV lên 10 triệu đồng/SV thì phải tăng học phí từ 2 triệu đồng/năm lên 7 triệu đồng/năm?

 

Một câu hỏi cơ bản khác là vấn đề công bằng xã hội (CBXH). Có một vài ước tính cho rằng mức độ mất công bằng trong GDĐH, biểu thị bằng tỉ lệ số con em của nhóm 20% số dân cư giàu nhất và của nhóm 20% số dân cư nghèo nhất được hưởng thụ GDĐH, hiện nay ở VN đã đến trên dưới 20 lần, khoảng hơn hai lần mức phân hóa giàu nghèo, tính theo tỉ lệ thu nhập trung bình của hai nhóm dân cư này.

 

Tại sao mất CBXH trong GDĐH lại cao hơn mất CBXH trong kinh tế? Có lẽ cần có những con số thống kê và phân tích hết sức thận trọng.

 

Tuy nhiên, qua kinh nghiệm của thế giới, sơ bộ có thể cho rằng có ba nguyên nhân sau đây: Thứ nhất do thu học phí đều, gần giống nhau cho các đối tượng xã hội khác nhau.

 

Thứ hai do chưa chú trọng đúng mức chính sách học bổng, trợ cấp và đặc biệt là chính sách cho vay vốn để học tập. Và thứ ba do chưa xem xét chi phí ăn ở trong khi thiết kế chính sách cung cấp tài chính cho GDĐH, mới nhìn từ phía trường ĐH mà chưa nhìn từ phía xã hội.

 

Xin lấy một ví dụ về nguồn tài chính của SV ở một nhóm trường ĐH tư thục có mức thu học phí thấp của Mỹ vào những năm 1990 (xem bảng) để có thể cho rằng CBXH trong chính sách cung cấp tài chính ở GDĐH VN đang còn là một vấn đề lớn.

 

Câu hỏi cuối cùng là trên tổng thể nên giải quyết chính sách cung cấp tài chính cho GDĐH như thế nào? Có thể thấy đây là một câu hỏi hết sức phức tạp và cách trả lời cũng rất đa dạng.

 

Tuy nhiên, qua cải cách tài chính GDĐH ở Anh, Úc, Nam Mỹ, Thái Lan...  trong những năm gần đây, có thể nhận ra được một trong những con đường khả dĩ để giải quyết bài toán này là chính sách “cho SV vay vốn có tài trợ” của nhà nước từ một “quĩ cho vay đặc biệt”, vay vốn không chỉ để trả học phí mà còn để trang trải chi phí ăn ở cho học tập, kèm theo chính sách học bổng và tài trợ cho SV con các gia đình nghèo.

 

Ví dụ, có một kiểu cho vay gọi là “Income contingent repayment” mà nhiều nước đã áp dụng. Theo chính sách này, nguồn ngân sách nhà nước trong CPĐVcó thể không tăng, phần lớn CPĐV có thể là do SV gánh chịu, nhưng là sự gánh chịu ở tương lai (trả nợ) chứ không phải ở hiện tại.

 

Và quĩ cho vay đặc biệt của nhà nước cũng sẽ “bao cấp” tất cả rủi ro cho họ. Qui mô của quĩ cho vay đặc biệt này có thể đến 40-50% ngân sách nhà nước hằng năm cấp cho GDĐH. Phải chăng đây mới là con đường để giải quyết bài toán tăng học phí hiện nay và cũng là con đường đổi mới cơ bản chính sách cung cấp tài chính cho GDĐH?

 

GS Phạm Thụ
Báo Tuổi trẻ