422.000 tỷ đồng đầu tư vào giao thông, Thủ tướng nghiêm cấm tham nhũng
(Dân trí) - Với 422.000 tỷ đồng đầu tư cho các công trình giao thông trọng điểm, Thủ tướng Phạm Minh Chính quán triệt phải làm mọi việc với tinh thần vô tư, trong sáng, không để phát sinh vấn đề phức tạp.
Chỉ đạo này được Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, nhấn mạnh khi chủ trì họp phiên thứ 9 của Ban Chỉ đạo, sáng 16/2.
Theo người đứng đầu Chính phủ, việc triển khai các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải là việc khó, cả về quy mô, đối tượng, phạm vi, với tổng mức đầu tư rất lớn, 422.000 tỷ đồng trong năm 2024.
Quá trình triển khai các dự án đã gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, song Thủ tướng cho hay những nút thắt này đã được tháo gỡ.
Ông cảm ơn bà con nhân dân đã đồng thuận, hỗ trợ, ủng hộ chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, nhường đất, nơi ở cho các dự án, thay đổi thói quen, tập quán, nghề nghiệp, sinh kế vì sự phát triển của đất nước.
Giao nhiệm vụ tổng thể thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh ý nghĩa của việc thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá hạ tầng, biến mục tiêu này thành sản phẩm cụ thể góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững.
"Nếu giải ngân được 422.000 tỷ đồng vốn đầu tư cho các công trình hạ tầng giao thông năm 2024 sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, tạo không gian phát triển mới cho các địa phương, vùng miền và cả nước", lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh.
Ông nhận định năm 2021-2022 là giai đoạn khởi động, chuẩn bị và phê duyệt dự án, năm 2023 triển khai đồng loạt và năm 2024 được xác định là năm tăng tốc thực hiện các công trình giao thông trọng điểm.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan chủ động, tích cực triển khai, hoàn thành công việc được bảo đảm tiến độ, nâng cao chất lượng, bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật các dự án, bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường, xanh, sạch, đẹp.
"Khó khăn ở đâu, ở đó phải giải quyết. Vướng mắc ở cấp nào, cấp đó phải tháo gỡ. Khi gặp khó khăn phải đi kiểm tra, đôn đốc, cùng ngồi lại để chia sẻ, thông cảm, tìm cách giải quyết, không tiếc thời gian cho công việc này", theo lời Thủ tướng.
Ông quán triệt giải quyết công việc có trọng tâm, trọng điểm và không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.
Đặc biệt, với số vốn lớn đầu tư cho giao thông trong năm 2024, Thủ tướng quán triệt "nghiêm cấm tham nhũng, tiêu cực, phải làm mọi việc với tinh thần vô tư, trong sáng, tất cả vì lợi ích chung".
Ông lưu ý không để phát sinh các vấn đề phức tạp và chỉ đạo phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý các vi phạm liên quan tới "găm hàng, đội giá" với nguyên vật liệu cho các dự án.
Bên cạnh việc xây dựng công trình giao thông, người đứng đầu Chính phủ nhắc cần quan tâm đặc biệt đến việc làm, sinh kế, hạ tầng y tế, giáo dục, xã hội cho người dân tại nơi tái định cư các dự án, nơi ở mới phải bằng hoặc hơn nơi ở cũ.
Đề cập kinh nghiệm phải bám sát tình hình, phản ứng nhanh, thực hiện công việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó, Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "vượt nắng, thắng mưa", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", thi công "3 ca 4 kíp", xuyên lễ, xuyên Tết, nhằm sớm hoàn thành các công trình giao thông trọng điểm.
Theo báo cáo của Bộ GTVT, hiện cả nước có 34 dự án lớn, 86 dự án thành phần quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải tại 46 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trong đó, có 5 dự án đường sắt, 2 dự án cảng hàng không, còn lại là các dự án đường bộ, chủ yếu là đường bộ cao tốc và các đường vành đai vùng Thủ đô Hà Nội, đường vành đai TPHCM.