1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quảng Bình:

40 năm bi thương vụ thảm sát thôn Quyết Thắng

(Dân trí) - Trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, địa bàn thôn Quyết Thắng, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình là mục tiêu đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ nhằm cắt đứt đường giao thông, dòng vận chuyển lương thực, vũ khí Bắc - Nam.

Nguồn clip: VTV

 

Cách đây tròn 40 năm, ngày 13/1/1973, một sự kiện bi thương đã xảy ra trên mảnh đất lịch sử này khi những trận bom rải thảm của đế quốc Mỹ đã giết hại 156 người, trong đó có 42 người dân địa phương, còn lại là các thanh niên xung phong, bộ đội, công nhân cảng Gianh đang làm nhiệm vụ. Đây là một trong những trận bom tàn sát cuối cùng của đế quốc Mỹ ở miền Bắc bởi chỉ 2 ngày sau đó, ngày 15/1/1973, chính phủ Mỹ đã tuyên bố chấm dứt toàn bộ việc ném bom, bắn phá miền Bắc và 14 ngày sau, Hiệp định Paris được ký kết.

 

40 năm đã trôi qua nhưng vết thương lòng của vụ thảm sát vẫn chưa lành. Thôn Quyết Thắng, 40 năm sau, rất khó để tìm được dấu vết của những trận bom hủy diệt trong khung cảnh yên bình. Có chăng chỉ là những hố bom giờ thành ao thả cá. Nhưng có lẽ, dấu vết lớn nhất sẽ tìm thấy trong lòng người.

 

Ông Lê Văn Rạn, thôn Quyết Thắng, bùi ngùi nhớ lại: “Chiếc xoong này là của đơn vị TNXP, phục vụ cho công tác hậu cần. Trận bom làm anh em hy sinh quá nhiều, không có quan tài để khâm liệm nữa, đơn vị đã dùng xoong này để khâm liệm thi hài của anh em vào đây”.

 

1/3 trong số hơn 100 liệt sĩ hy sinh ngày hôm ấy là thành viên của đội TNXP C283 tỉnh Hải Hưng cũ. Những người thanh niên tuổi mười tám, đôi mươi cùng nhập ngũ một ngày, giờ đã bước quá ngưỡng cửa bên kia của cuộc đời. Bên chén nước chè nóng trong một ngày giá rét của miền Bắc là những câu chuyện về mảnh đất Quảng Bình, về những trận bom, và 33 người đồng đội đã hy sinh mà hài cốt không còn nguyên vẹn.

 

Bà Cao Thị Đặng, Cựu TNXP đội C283 Hải Hưng, trú xã Minh Hải, huyện Văn Lâm, Hưng Yên, nghẹn ngào: “Không nhận ra được ai là nam, ai là nữ. Chỉ thấy người thì quần áo không còn, người thì thấy tay, người nhìn thấy đoạn chân…”.

 

Ở thôn Quyết Thắng bây giờ có một tấm bia được bà con trong thôn tự lập nên để tưởng niệm 156 người đã ra đi.

 

Chúng tôi tình cờ gặp GS.TS Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội - một người con của xã Thanh Trạch - trở về thắp hương ở tấm bia này. Cái ngày 13/1/1973 đã sống với ông suốt 40 năm qua, bởi kể từ hôm đó, 4 anh em ông phải mồ côi cả cha lẫn mẹ. Trong câu chuyện với chúng tôi, GS Đức hy vọng sẽ có một sự quan tâm, ghi nhận xứng đáng hơn của địa phương về sự kiện bi hùng này khi mà những dòng chữ đang mờ dần theo nắng mưa.

 

“Ngoài những người thân của chúng tôi còn có rất nhiều chiến sĩ, TNXP đã ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ. Chúng tôi mong muốn được xây dựng một khu tưởng niệm để ghi nhớ sự kiện bi thương ấy. Nó cũng là điều an ủi với những người đã mất. Nó cũng là một tấm gương để giáo dục thế hệ trẻ ngày hôm nay”, GS.TS Nguyễn Hữu Đức chia sẻ.

 

Nghĩa trang liệt sĩ Nam Gianh, gần nửa thế kỉ trôi qua, vẫn còn đó hơn 100 ngôi mộ không thể gọi được tên những người nằm dưới. Giờ họ mang một cái tên chung: Liệt sĩ Hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

 

Việt Cường - Bùi Cường - Thanh Xuân