TPHCM:

4 thành viên trong gia đình 3 thế hệ cùng tham gia công tác mặt trận

Quốc Anh

(Dân trí) - TPHCM có hàng chục "gia đình mặt trận" vì có 2, 3 thế hệ cùng tham gia công tác mặt trận, thậm chí có đến 4 thành viên trong gia đình 3 thế hệ cùng làm công tác đại đoàn kết dân tộc.

Điển hình được nhắc đến đầu tiên là gia đình ông Trần Văn Nhựt (sinh năm 1942) - Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phường 7, Quận 8 giai đoạn 1985-1990.

Con gái ông Nhựt là Trần Thị Thu Thủy cũng từng kinh qua chức Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Quận 8.

Con rể Nguyễn Dũng Hùng cũng tham gia công tác mặt trận, là Trưởng Ban Tuyên giáo Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, Chủ tịch UB MTTQ Quận 7 (từ 2014 đến nay).

Tiếp nối truyền thống gia đình, người cháu dâu Nguyễn Thị Hoàng Yến (sinh năm 1992) cũng tham gia công tác mặt trận, hiện là Phó Chủ tịch UB MTTQ Phường 1, Quận 8 từ năm 2017. 

4 thành viên trong gia đình 3 thế hệ cùng tham gia công tác mặt trận - 1

Ông Lê Văn Thu - Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban Tuyên giáo - Đối ngoại Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM có cha và ông nội (từng) tham gia công tác mặt trận

Qua nhiều thế hệ, gia đình ông Nhựt đã tích cực vận động nhân dân chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, tham gia các phong trào, cuộc vận động của địa phương.

Bên cạnh đó, các thành viên "gia đình mặt trận" cũng thực hiện tốt các nhiệm vụ chăm lo người nghèo, gia đình chính sách, đóng góp nhiều giải pháp thực hiện tốt phong trào, hỗ trợ mặt trận cơ sở xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. 

Ngoài ra, TPHCM cũng có 3 gia đình với thành viên thuộc 3 thế hệ "chung nghề": Quận Phú Nhuận và huyện Cần Giờ đều có gia đình gồm con, cha và ông nội cùng tham gia công tác mặt trận; Quận Bình Tân là con, mẹ và ông nội. 

Với những đóng góp, cống hiến cho công tác mặt trận, 4 gia đình sẽ được vinh danh tại chương trình kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống Nhất Việt Nam - ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2020). Bên cạnh đó, 69 "gia đình mặt trận" 2 thế hệ cũng được vinh danh vì những đóng góp cho công tác đại đoàn kết dân tộc. 

Chương trình họp mặt kỷ niệm 90 năm sẽ tổ chức ngày 15/11 cũng diễn ra một số nội dung quan trọng khác như: trao tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc” cho 42 cá nhân; trao tặng Giải thưởng Đại đoàn kết toàn dân tộc TPHCM lần 2 năm 2020 cho 6 tập thể và 4 cá nhân.

Ngoài ra, trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 90 năm sẽ có triển lãm ảnh “MTTQ Việt Nam - nơi hội tụ và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc” theo các chủ đề: “MTTQ Việt Nam - lịch sử 90 năm vẻ vang”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và “TPHCM - nhịp cầu nhân ái”. Triển lãm diễn ra từ ngày 9-18/11 tại Công viên Lam Sơn và góc ngã ba đường Nguyễn Du - Đồng Khởi (quận 1).

Giải thưởng Đại đoàn kết toàn dân tộc TPHCM lần 2 

1, Chương trình "Lắng nghe và trao đổi" (Thường trực HĐND TPHCM và Đài truyền hình TPHCM)

2, Mô hình tổ chức "Tết nghĩa tình" (Hội Nông dân TP)

3, Mô hình "Ngày thứ 6 dân nói" (UB MTTQ Việt Nam Quận 12)

4, Mô hình "Vận động giảm giá, không tăng giá cho thuê phòng trọ" (UB MTTQ Việt Nam Quận Thủ Đức)

5, Mô hình "Mỗi tuần 15 phút vì TP văn minh và sạch đẹp" (Cán bộ và nhân dân phường Bến Thành, Quận 1)

6, Công trình bộ sách "Nhân sĩ trí thức Sài Gòn - Gia Định đồng hành cùng dân tộc", kỷ yếu truyền thống Ban Trí vận - Mặt trận khu ủy Sài Gòn - Gia Định giai đoạn 1954-1975

7, Công trình quyển sách "Nhân sĩ trí thức Sài Gòn - Gia Định đồng hành cùng dân tộc" (ông Nguyễn Trọng Xuất - nguyên Tổng Thư ký công trình "Lịch sử Nam bộ kháng chiến")

8, Sáng kiến tổ chức họp mặt chức sắc tôn giáo nhân đại lễ phật Đản (hòa thượng Thích Thanh Sơn - Chứng minh Ban Trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam Quận 1)

9, Các hoạt động vì người nghèo và mô hình "Ngày hội vì dòng kênh xanh" (Thượng tọa Thích Huệ Công - Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Quận 8)

10, Mô hình "Vận động nữ giới trong đồng bào Công giáo tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc"