1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

4 ngày bươn bả cứu người, vượt lũ dữ đưa cơm

(Dân trí) - Nước dâng vùn vụt như rẽ đất chui lên và chảy ồng ộc như muốn cuốn phăng tất cả ra cửa biển Gianh. Tiếng kêu cứu từ những mái nhà ngập nước vang lên bốn bề, một mình anh đánh trần bơi đến từng nhà, đưa hàng chục người già, trẻ em lên nóc.

Suốt 3 ngày lũ, với duy nhất một chiếc quần cộc trên người, anh đã đưa những nắm cơm trắng đến hầu hết 92 hộ trong thôn, cứu người dân quan cơn đói. Vì anh là trưởng thôn…

Ngày 7/10, khi nước vẫn còn lấp xấp đường sá, chúng tôi vượt sông Gianh để đến với thôn cồn bãi Cồn Nâm (xã Quảng Minh, Quảng Trạch, Quảng Bình). Hơn 400 người dân trong xã vẫn chưa hết bàng hoàng với trận lũ khủng khiếp vừa đi qua. Chúng tôi đi qua nhiều đôi mắt thất thần, nhiều tiếng kêu xin lương thực.

Anh Nguyễn Văn Sơn - Trưởng thôn Cồn Nâm - xuất hiện với bộ quần áo tả tơi, gương mặt hằn lên vẻ mỏi mệt, phờ phạc: “Tui vừa đánh đò đi đến mấy thôn lân cận hỏi xem có con trâu nào của dân Cồn Nâm trôi về không, nhưng chẳng còn con nào. Hết rồi, dân tui chết đói mất thôi”. 

4 ngày bươn bả cứu người, vượt lũ dữ đưa cơm - 1

Anh Sơn (áo trắng) đang bốc hàng cứu trợ của báo Dân trí cho các thôn Cồn Nâm và Minh Hà (ngày 8/10).

Đã 4 ngày anh Sơn không có một phút ngủ yên, trên khắp thân thể là những vết xước, xây xát ngang dọc vì gai cào, tôn cắt. Sáng 4/10, sau một đêm nước lũ đã phủ trắng làng, nước cứ thế dâng như rẽ đất chui lên. Nước sông Gianh vốn hung dữ, nay càng bạo tợn vì nước thượng nguồn đổ về ầm ập. Chỉ đến chiều, mấy chục ngôi nhà đã ngập tới nóc.

Làng thuần nông này trai tráng đi miền Nam nhiều, ở nhà chủ yếu là người già, đàn bà, trẻ nhỏ. Tiếng kêu cứu bắt đầu thoát ra từ những mái nhà, ban đầu lác đác rồi rầm rĩ trong đêm.

Không còn kịp tính toán, anh Sơn để mẹ già và bà ngoại cho 2 đứa con 15 và 8 tuổi lo liệu, một mình đánh trần bơi giữa dòng lũ đến với dân.

Gần 100 người già, trẻ nhỏ nhờ được anh Sơn tháo mái ngói, bồng bế lên trần nhà mới thoát được con nước chết chóc để sống đến hôm nay.

Phom người to cao, bơi lội giỏi, nhưng sau một đêm quăng quật giữa dòng nước, khi về đến nhà, anh Sơn đã kiệt sức vì đói rét.

Ngay sáng 5/8, khi nước lũ đạt đỉnh, anh Sơn và vợ tiếp tục nhóm bếp trên gác nhà, nấu cơm và chia thành nhiều gói nhỏ để mang tới cho những hộ khác đang bị cô lập. Chỉ trong hai ngày, bì gạo 100 kg mà vợ con anh mang lên gác ở xà nhà đã hết veo sau hàng chục lần anh bơi giữa dòng nước mang cơm đến cho các hộ neo đơn.

4 ngày bươn bả cứu người, vượt lũ dữ đưa cơm - 2

Tiếng kêu cứu từ những mái nhà khiến anh Sơn không thể ngồi một chỗ.

Ngồi co ro trên chiếc chõng tre vẫn còn ướt nhẹp và vấy đầy bùn đất, bà Nguyễn Thị Hữu (75 tuổi) rơi nước mắt kể lại: “Nước lên nhanh chưa từng thấy, hai vợ chồng tui hoảng quá nên leo lên gác mái chỉ kịp mang theo bì gạo nhỏ. Hai ngày liền ngồi trên mái, không có gì ăn nên đành bốc gạo sống nhai, cả hai vợ chồng đều bị đau bụng. Đang ngồi tính quẩn nghĩ đến cái chết thì nghe tiếng người trên mái ngói, tui dỡ ngói ra thì nhìn thấy anh Sơn đang bơi bám vào mái. Khoảng 15 phút sau, anh Sơn mang cho hai vợ chồng một bọc cơm với ít nước uống. Không có anh Sơn chắc chừ vợ chồng tui xong cả rồi”.

Không chỉ bà Hữu, cả thôn Cồn Nâm khi nói về người trưởng thôn đều không giấu được sự cảm động, lòng biết ơn. Nước rút, anh Sơn cũng là người bốc mỳ tôm cứu trợ đưa về làng, cũng là người đầu tiên đánh đò đi vòng quanh các thôn lân cận để tìm trâu, bò bị trôi cho dân Cồn Nâm.

4 ngày bươn bả cứu người, vượt lũ dữ đưa cơm - 3

Anh Sơn đi biệt từ ngày 4/10, mọi việc chống lũ trong gia đình đều đến tay vợ và 2 đứa con trai
(Trong ảnh: hai đứa con trai của anh Sơn đang phơi sách vở sau khi bị lũ ngâm 3 ngày).

Trưa 8/10, khi thay mặt thôn đón nhận gạo, nước, sữa cứu trợ của báo Dân trí, vị trưởng thôn 37 tuổi trông đã khá hơn với chiếc sơ-mi, nhưng chiếc quần xắn cao vẫn để lộ hàng trăm vết xước chồng chéo trên đôi chân rắn rỏi, đen trũi: “Có chi mô, bơi trong trời tối chẳng may vướng phải bụi tre, càng quẫy đạp càng bị mắc vào. Suýt chết đấy, may mà kêu kịp nên được một bác ở trên mái nhà ném cho cái dây”. Sau lần suýt chết đó, vợ anh cứ níu không cho anh mang cơm đi nữa, nhưng ở nhà sao được khi hàng chục con người đang chờ miếng cơm trắng của ông trưởng thôn!

4 ngày bươn bả cứu người, vượt lũ dữ đưa cơm - 4

Sau lũ, anh Sơn vẫn đi đầu trong các công việc nặng nhọc nhất, làm gương cho các thanh niên khác trong làng.
 
Thầy giáo quên mình cứu người trong lũ
 
Tại Cồn Nâm, chúng tôi còn được nghe câu chuyện về hai cha con thầy Nguyễn Khắc Tiến (Trường Tiểu học Quảng Minh B), những người đã suýt thí mạng cho hà bá vì cứu người bị mắc kẹt trong lũ. Trưa ngày 4/10, khi nước đang lên, thầy Tiến đang khẩn trương chạy lũ thì nghe thông tin có hàng chục người đang bị kẹt trong tầng một của trường khi nước đã ngập tới hai mét.
 
Thầy Tiến cùng con trai và người chèo đò ngang ở Cồn Nâm lập tức đi đò xuống trường trong tiếng nước dội ì oạp vào mạn đò. Vừa đến nơi đã thấy hai gia đình giáo viên ở nội trú và bốn công nhân kêu réo rầm rĩ.
 

Cứu được các giáo viên đến nơi cao ráo, đò của thầy Tiến tiếp tục trở lại với các công nhân đang đu bám ở cửa thông gió trong một phòng tầng một của nhà trường. Con trai thầy Tiến đã nhảy xuống nước, bơi vào trường và lần lượt đưa cả bốn người trong tình trạng kiệt sức lên đò.

 
“Đưa họ về nhà xong, đang quay đò ngược dòng về nhà thì đột nhiên đò chết máy. Dòng nước chảy quá xiết, sào chống không thể tới đáy sông nên cứ trôi tuột theo dòng nước. Cả ba người trên đò chỉ biết nhìn đò trôi và phía cửa biển, vẫy tay kêu réo mong có người nhìn thấy”, nhớ lại giờ phút đó, thầy Tiến vẫn chưa thôi bàng hoàng.
 

May sao, khi thuyền trôi hơn 10km về đến sát chân cầu Gianh, chỉ cách cửa biển vài km, đò của thầy Tiến được một đò khác phát hiện, nổ máy chạy theo níu lại. “Chỉ dăm phút nữa thôi, cả ba người chúng tôi có lẽ sẽ bỏ xác ngoài biển. Mình cứu người, rồi người lại cứu mình, quy luật nhân quả ứng nghiệm nhanh quá chú ạ”, thầy Tiến nói.

Hồng Kỹ