1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

30 năm miệt mài bốc mộ không công

(Dân trí) - Suốt 30 năm qua, ông Phùng Văn Sỹ (thôn Hạ, xã Minh Tân, Vụ Bản, Nam Định) nhận bốc mộ giúp người dân. Ông làm công việc này một cách thuần thục, chu đáo chỉ mong tu nhân tích đức chứ tuyệt nhiên không nhận một đồng tiền công.

30 năm miệt mài bốc mộ không công - 1

30 năm nay, không lúc nào ông Sỹ thôi tận tâm với những người đã khuất
 
Hồi tưởng về quãng thời gian 30 năm bốc mộ giúp người, ông Sỹ kể: Từ nhỏ ông đã thường lén theo các cụ trong làng đi xem bốc mộ. Mỗi lần như thế ông đều chăm chú quan sát rất kỹ nên biết khá nhiều về công việc này.

 

Năm 32 tuổi, ông chính thức “hành nghề”. Đầu tiên chỉ giúp anh em họ hàng, sau dần tiếng lành đồn xa, nhiều bà con ở các tỉnh xung quanh như Thái Bình, Hưng Yên cũng tìm đến nhờ ông bốc mộ. Bất kể ai, ở đâu, hễ cất công đến nhờ “sang cát” là ông xắn tay làm giúp. Cái tên ông Phùng giờ đã nức tiếng khắp trong, ngoài tỉnh Nam Định. Nhiều gia đình ở xa cũng lặn lội đến nhờ ông giúp cho phần mộ người thân được sạch sẽ.

 

Ông bảo, “nghề” của ông có những kỷ niệm không bao giờ quên, nhưng lần bốc mộ cho bà T., dù đã được chôn tới 7 năm mà xác hầu như vẫn còn nguyên vẹn như người đang ngủ. Người nhà nài nỉ xin ông làm giúp, ông phải nhắm mắt róc từng thớ thịt, nhặt từng khúc xương để người đã khuất được hoàn chỉnh.

 

Có những lần xác chưa phân hủy hết, bốc mùi kinh khủng, người nhà còn sợ hãi dạt ra xa, nhưng ông vẫn phải một mình đứng trong làn nước thối rữa, hí hoáy với xác chết. “Nhưng mình không giúp họ thì biết làm thế nào!” - ông chia sẻ.

 

Lại có đêm một mình ông chạy tới 5 đám. Cả nể bà con thôn xóm, thương người đã khuất mà ông nhận làm, chứ không bao giờ nhận tiền công. Ông bảo: “Không hiểu sao sau mỗi lần bốc mộ tôi thấy lòng mình trở nên thanh thản và nhẹ nhõm hơn”.

 

Sau mỗi lần bốc mộ, gia chủ tìm cách gì cũng không bắt được ông nhận tiền công. Nhà thân quen lắm thì ông ở lại dùng cơm, còn không là ông về ngay. Bởi thế tết nào nhà ông cũng đông nghịt khách từ xa tới thăm hỏi, cảm ơn.

 

Đặc biệt hơn, cả vợ và các con trai đều ủng hộ công việc “rỗi hơi” của ông. Thậm chí mấy người con trai của ông còn sẵn sàng đi giúp bố, có lần bố bốc mộ, con rửa xương, xong cả mấy bố con lại vui vẻ về nhà. Ông tâm niệm có lẽ vì thế nên gia đình được “người âm” phù trợ, luôn khỏe mạnh, gia đình con cái phương trưởng. Các con ông hiện đều đã có gia đình riêng, ông đã có 6 cháu nội, các cháu đều ngoan, học giỏi.

 

Giờ ở tuổi 62, mái tóc đã ngả màu, ông vẫn lên đường khi có người nhờ. Người dân gọi ông bằng cái tên thân mật: “Ông bồ tát làng”.

 

Ngoài bốc mộ không công, “ông bồ tát” còn đào huyệt giúp các gia đình tang chủ. Không một đám hiếu nào trong thôn Hạ thiếu vắng sự xuất hiện của bố con ông Sỹ, đến mức đã thành thói quen, đám tang nào không thấy ông là người dân lại tìm hỏi.

 

Ông chia sẻ: “Lắm hôm bận đi chăn trâu hay có công việc, tôi cũng phải ghé qua hỏi thăm gia quyến người đã khuất. Nếu không cứ thấy lòng mình trĩu nặng!”.

 

Khuất Linh - Thanh Hải