1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

3 ý tưởng thiết kế cầu Thượng Cát bắc qua sông Hồng

Hà Mỹ

(Dân trí) - Ca ý tưởng đạt giải cuộc thi thiết kế cầu Thượng Cát đều đáp ứng tiêu chí sáng tạo, đảm bảo được tiêu chuẩn kết cấu, chi phí xây dựng... Trong đó, ý tưởng "cánh chim hòa bình" đạt giải Nhất.

UBND TP Hà Nội vừa tổ chức Lễ công bố và trao giải cuộc thi tuyển phương án kiến trúc công trình cầu Thượng Cát và đường hai đầu cầu.

Theo đó, phương án đạt giải Nhất cuộc thi của Liên danh Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải - CTCP và Công ty CP Kiến trúc Lập Phương (gọi tắt là Liên danh TEDI - CUBIC).

Với phương án này, cầu chính 4 nhịp sử dụng kết cấu dây văng, trụ cầu thiết kế vuốt cong nhẹ sang hai bên thành cầu theo ý tưởng kiến trúc "cánh chim hòa bình" vươn cao. Mặt cắt ngang cầu chính rộng 37,4m, gồm 6 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp.

3 ý tưởng thiết kế cầu Thượng Cát bắc qua sông Hồng - 1

Phương án thiết kế cầu Thượng Cát đạt giải nhất với ý tưởng "cánh chim hòa bình" (Ảnh: BQL).

Phương án đạt giải Nhì của Liên danh Công ty TNHH Tư vấn Đại học Xây dựng và Công ty TNHH Chodai & Kiso-Jiban Việt Nam cùng Văn phòng tư vấn và chuyển giao công nghệ xây dựng.

Theo thiết kế này, cầu chính gồm 7 nhịp sử dụng kết cấu giàn thép liên tục, trụ cầu bằng bê tông cốt thép tạo hình kiến trúc với ý tưởng "cất cánh". Chiều cao giàn ở vị trí cao nhất là 45m, mặt cắt ngang cầu chính rộng 41,41m, gồm 6 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp.

Phương án giải Ba của Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế Cầu lớn - Hầm.

Thiết kế này gồm cầu chính sử dụng kết cấu vòm thép với 6 nhịp, kết cấu vòm sử dụng vòm thép với 2 mặt phẳng vòm liên kết với nhau thông qua các giằng ngang tạo hình tượng kiến trúc "trái tim Hòa Bình". Mặt cắt ngang cầu chính rộng 33m, gồm 6 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp.

3 ý tưởng thiết kế cầu Thượng Cát bắc qua sông Hồng - 2

Phương án thiết kế cầu Thượng Cát đạt giải Nhì với tên gọi "cất cánh" (Ảnh: BQL).

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn, việc tổ chức cuộc thi tuyển phương án kiến trúc cầu Thượng Cát là bước quan trọng trong quá trình triển khai dự án nhằm tìm kiếm phương án kiến trúc đẹp, bền vững, thân thiện với môi trường, phù hợp với quy hoạch và hài hòa với cảnh quan xung quanh.

Đồng thời, cuộc thi cũng tìm ra giải pháp kết nối giao thông hợp lý, khoa học đem lại hiệu quả đầu tư trong quá trình vận hành và bảo trì.

Ông Tuấn khẳng định kết quả của cuộc thi đã được nhiều kiến trúc sư có kinh nghiệm, các chuyên gia trong lĩnh vực cầu đường làm việc nghiêm túc, cẩn trọng đánh giá, xếp hạng và lựa chọn được phương án tốt, đạt yêu cầu các tiêu chí. Các phương án đạt giải đều thể hiện khát vọng vươn lên của thủ đô.

3 ý tưởng thiết kế cầu Thượng Cát bắc qua sông Hồng - 3

Phương án thiết kế đạt giải Ba với ý tưởng "trái tim hòa bình" (Ảnh: BQL).

Theo TS.KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội đồng thi tuyển, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực cầu đường của Việt Nam đã làm việc theo quy chế công bằng, phân minh để lựa chọn ra những phương án tốt nhất cho dự án xây dựng cầu Thượng Cát. 

Ông Sơn nhận định phương án đạt giải đáp ứng được tiêu chí sáng tạo, góp phần xây dựng văn hóa thủ đô và đảm bảo được tiêu chuẩn kết cấu. Những phương án này còn đảm bảo được chi phí xây dựng, đáp ứng nhu cầu của giao thông đường bộ, không làm ảnh hưởng đến giao thông đường sông.

Ông Nguyễn Chí Cường, Giám đốc Ban Quản lý dự án công trình giao thông TP Hà Nội cho biết cầu Thượng Cát nằm trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm và huyện Đông Anh.

Cầu được xây dựng với mục tiêu hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông theo quy hoạch, giảm thiểu ùn tắc, góp phần phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, việc lựa chọn được phương án là bước quan trọng trong việc thực hiện dự án. 

Theo ông Cường, cuộc thi được tổ chức nhằm lựa chọn phương án thiết kế tối ưu, đáp ứng yêu cầu về quy hoạch, xây dựng, công năng sử dụng và hiệu quả kinh tế, ngôn ngữ kiến trúc hiện đại.

Cùng với đó, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông thành phố, đảm bảo tính đồng bộ, thông suốt trong việc đầu tư toàn tuyến đường Vành đai 3,5; góp phần kết nối liên thông Đại lộ Thăng Long và quận Bắc Từ Liêm với huyện Đông Anh cùng các địa phương khu vực phía bắc sông Hồng.

Trước đó vào năm 2023, UBND TP Hà Nội phê duyệt hình thức thi tuyển phương án kiến trúc cầu Thượng Cát và thành lập hội đồng thi tuyển. Từ ngày 17/8/2023 đến hết tháng 11/2023, có 4 đơn vị đăng ký tham gia với 7 phương án dự thi. Hội đồng thi tuyển đã lựa chọn ra 3 phương án đạt giải.