1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

3 đoàn kiểm tra đột xuất về tôn giáo ở Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, TPHCM

Thế Kha

(Dân trí) - Bộ Nội vụ phối hợp với một số bộ, ngành thành lập 3 đoàn kiểm tra đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu và TPHCM.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa ký văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận để trả lời kiến nghị của cử tri liên quan tới việc mạng xã hội xuất hiện nhiều clip nhà sư rao giảng kinh Phật trái phép, có nội dung xuyên tạc lịch sử, gây hoang mang dư luận.

Theo Bộ Nội vụ, Ban Tôn giáo Chính phủ đã làm việc trực tiếp với Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam để thẩm tra, xác minh các trường hợp là chức sắc, chức việc, nhà tu hành có phát ngôn, thuyết giảng trên mạng xã hội không đúng giáo lý, giáo luật, truyền thống văn hóa của Phật giáo và lịch sử.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có hình thức kỷ luật một số chức sắc, tu sỹ vi phạm và yêu cầu gỡ bỏ tất cả các bài giảng có nội dung gây hoang mang dư luận.

3 đoàn kiểm tra đột xuất về tôn giáo ở Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, TPHCM - 1

Những câu chuyện liên quan đến Thượng tọa Thích Chân Quang - trụ trì chùa Phật Quang, xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gây ồn ào dư luận thời gian dài vừa qua (Ảnh: Phatgiao.org)

Ngoài ra, Bộ Nội vụ đã phối hợp với một số bộ, ngành thành lập 3 đoàn kiểm tra đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo đối với một số chức sắc, chức việc, nhà tu hành tôn giáo trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu và TPHCM. Kết quả kiểm tra sẽ được Bộ báo cáo và có đề xuất với Thủ tướng Chính phủ. 

Thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ tham mưu Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo nhằm hoàn thiện pháp luật.

Đồng thời đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra chuyên đề, kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo đối với UBND các cấp, chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo. Qua đó nhằm phát hiện, chấn chỉnh và xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Trong văn bản trả lời kiến nghị của cử tri TPHCM về nội dung tương tự, Bộ trưởng Nội vụ nói đã phối hợp với Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông) tăng cường quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trên không gian mạng; phản bác lại những tổ chức, cá nhân lợi dụng không gian mạng đưa thông tin sai lệch về tình hình tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.

Bộ cũng phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xây dựng Quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng; thanh tra, kiểm tra tổ chức, cá nhân lợi dụng lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo để hành nghề "mê tín dị đoan", trục lợi.

Bộ Nội vụ hứa với cử tri sẽ thực hiện nhiều giải pháp để "không để xảy ra việc lợi dụng tổ chức các lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo nhằm trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm