1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

20.000 hộ dân Hà Nội thiếu nước sạch do vỡ đường ống

(Dân trí) - Sự cố đường ống DN 300 (ống gang) dẫn nước sạch bị vỡ đã khiến khoảng 20.000 hộ dân ở phường Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2 của quận Nam Từ Liêm - Hà Nội, trong đó có Sân vận động quốc gia Mỹ Đình và các trường học trên địa bàn này bị thiếu nước sạch.

Trước đó, như đã đưa tin, khoảng 15h ngày 5/12, tuyến đường ống dẫn nước DN 300 (ống gang) đã bị vỡ tại địa bàn phường Mỹ Đình 2 (Nam Từ Liêm - Hà Nội). Sự cố khiến khoảng 20.000 hộ dân tại phường Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2, trong đó có Sân vận động quốc gia Mỹ Đình và các trường học trên địa bàn quận này bị thiếu nước sạch sinh hoạt.

Tuyến ống bị vỡ khiến nước sạch phun ra xối xả.
Tuyến ống bị vỡ khiến nước sạch phun ra xối xả.

Đại diện Công ty Cổ phần Viwaco (đơn vị cung cấp nước sạch, chủ tuyến ống nói trên) cho biết, do trong quá trình thi công đoạn đường nối từ đường Lê Đức Thọ đến đường Phạm Hùng (thuộc địa bàn phường Mỹ Đình 2), đơn vị thi công đã làm vỡ tuyến ống dẫn nước của đơn vị này.

Xác nhận nguyên nhân mà phía Viwaco đưa ra, ông Nguyễn Văn Hậu - phụ trách công trình xây dựng tuyến đường trên cho biết: "Khi chúng tôi nhận thầu thi công dự án tuyến đường này là mặt bằng sạch, không biết bên dưới có tuyến ống dẫn nước sạch nên quá trình thi công máy múc đã va vào và làm vỡ ống".

Sáng nay (7/12), đại diện Viwaco cho biết, vì lý do an toàn cho Sân vận động quốc gia Mỹ Đình - nơi diễn ra trận bóng đá giữa đội tuyển Việt Nam và Philippines vào tối qua, trong ngày 6/12, đơn vị này đã cho người "vá" đường ống để cung cấp nước trở lại cho khu vực này.

"Khi chúng tôi xử lý xong sự cố đó, mở nước trở lại thì phát hiện thêm một vài điểm vỡ nữa cũng tại khu vực công trường thi công của tuyến đường. Do đó, chúng tôi buộc phải khóa nước lại" - vị đại diện Viwaco cho biết.

Cũng theo vị lãnh đạo Viwaco, khi thi công tuyến đường nói trên, đơn vị này đã bàn giao sơ đồ đường ống dẫn nước, theo đó, Ban quản lý Dự án quận Nam Từ Liêm (chủ đầu tư) phải trao đổi vấn đề này với đơn vị thi công. Ngoài ra, chủ đầu tư phải di chuyển tuyến ống đến vị trí khác theo phương án thống nhất giữa các bên.

Để thi công tuyến đường, buộc chủ đầu tư phải di chuyển tuyến đường ống dẫn nước sạch đến vị trí khác.
Để thi công tuyến đường, buộc chủ đầu tư phải di chuyển tuyến đường ống dẫn nước sạch đến vị trí khác.

"Di chuyển cả tuyến ống đến vị trí khác rất phức tạp, do đó, trước mắt chủ đầu tư cần phối hợp với các bên để có biện pháp cấp nước thông suốt cho người dân như làm đường ống tạm. Đến khi chính thức di chuyển thì thông báo ngừng cấp nước 1-2 ngày chẳng hạn. Nhưng không hiểu tại sao, khi chúng tôi liên hệ với chủ đầu tư về việc này thì không nhận được sự phối hợp tích cực. Hiện chúng tôi đã báo cáo bằng văn bản sự việc này lên Sở Xây dựng Hà Nội, Đội thanh tra chuyên ngành, UBND quận Nam Từ Liêm để chỉ đạo xử lý" - đại diện Viwaco nói thêm.

Trước đó, chiều 6/12, ông Ngô Ngọc Vân - Giám đốc Ban quản lý Dự án quận Nam Từ Liêm cho biết, đơn vị này sẽ phối hợp với các bên liên quan để khắc phục sự cố, cung cấp nước sạch trở lại cho người dân.

Sáng nay (7/12), trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Phạm Quang Thọ - Phó Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Trần Quốc Tuấn (phường Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm - Hà Nội) cho biết: "Chúng tôi bị thiếu nước từ chiều 6/12, nước dùng để nấu ăn vẫn còn vì nhà trường có bể chứa dự trữ 250 m3. Nhưng cả trường hiện nay phải dùng nước tiết kiệm, nhất là chuyện tắm giặt. Nếu vài ngày tới mà không có nước sẽ rất căng thẳng".

Nguyễn Dương