200 kiều bào về cố đô dâng hương tưởng nhớ vua Đinh, vua Lê

(Dân trí) - Ngày 3/10, đoàn bà con kiều bào về từ 34 quốc gia đã có chuyến hành hương từ Thủ đô Hà Nội về cố đô Hoa Lư, dâng hương tưởng nhớ các bậc Tiên đế vua Đinh, vua Lê trong sự thành kính và niềm cảm xúc dạt dào.

Trong tiết trời mùa thu, gần 200 bà con Việt kiều đã thắp hương hành lễ tưởng nhớ hai vị vua đầu tiên của dân tộc và những danh tướng đã không tiếc xương máu bảo vệ non sông bờ cõi Đại Việt.

Kinh đô Hoa Lư xưa (nay là xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) tồn tại 41 năm (968 - 1009). Trong đó 12 năm là triều đại Đinh (Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, hiệu là Đinh Tiên Hoàng, đặt tên nước là Đại Cồ Việt) và 29 năm kế tiếp là triều đại Tiền Lê (người đầu tiên là Lê Hoàn, lên ngôi Hoàng đế, hiệu là Lê Đại Hành). 

200 kiều bào về cố đô dâng hương tưởng nhớ vua Đinh, vua Lê - 1
Bà con kiều bào đang nghe thuyết minh tại khu di tích tưởng niệm vua Đinh

Đền vua Đinh thờ Đinh Tiên Hoàng nằm giữa các tán cây đại thụ, các vườn cây ăn quả, cây cảnh đan xen với nghệ thuật chạm khắc gỗ và đá của các nghệ nhân dân gian ở thế kỷ 17 - 19, tạo nên vẻ bề thế, tôn nghiêm và yên bình. Đây là mảnh đất thiêng thờ phụng vua Đinh Tiên Hoàng với pho tượng nhà vua đúc bằng đồng đặt trên bệ thờ bằng đá xanh nguyên khối. Đây cũng là nơi phụng thờ những người con trai của ngài gồm Đinh Phụng Lang,  Đinh Đế Toàn, Đinh Liễn.

Từ đền thờ Đinh Tiên Hoàng, dạo bộ khoảng 500m nữa là đến nơi thờ vua Lê Đại Hành và Hoàng hậu Dương Vân Nga, đó chính là đền vua Lê. Đền vua Lê soi bóng xuống nhánh sông Hoàng Long, còn được gọi là đền Hạ. Đền vua Lê cũng mang đậm nghệ thuật chạm khắc gỗ thế kỷ 17, đã đạt đến trình độ điêu luyện, tinh xảo. 

200 kiều bào về cố đô dâng hương tưởng nhớ vua Đinh, vua Lê - 2
Cả đoàn tham gia chụp ảnh lưu niệm tại chùa Bái Đính

Về Việt Nam nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tiên được đến với vùng đất thiêng Hoa Lư, được thắp nén hương tưởng nhớ các bậc Tiên đế, chiêm ngưỡng nghệ thuật chạm khắc tinh xảo của các nghệ nhân xưa còn lưu dấu tại hai ngôi đền, ông Nguyễn Khoa Trường (Việt kiều New Zealand) chia sẻ: “Hôm nay được trở về với nguồn cội của dân tộc, được thắp nén hương tưởng nhớ những vị vua mở cõi tại nơi cố đô oai hùng trong lịch sử, tôi không biết nói gì hơn ngoài xúc cảm tự hào và niềm dào dạt dâng mãi”.

Sau khi thăm cố đô Hoa Lư, thắp hương tại đền vua Đinh, vua Lê, đoàn Kiều bào được UBND tỉnh Ninh Bình đón tiếp thân mật, được thưởng thức những nét văn hóa đặc sắc của vùng đất Ninh Bình qua những bài hát, điệu múa và đặc biệt là văn hóa ẩm thực nơi đây. Ông Nguyễn Tiến Thành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình - vui mừng chào đón đoàn kiều bào: “Dù bà con kiều bào có ở bất cứ đâu trên thế giới, về với cố đô Hoa Lư, chúng ta sẽ có cùng một niềm tự hào chung đều là con dân nước Việt”.
Đoàn cũng đã đến tham quan và chiêm bái chùa Bái Đính - ngôi chùa giữ nhiều kỷ lục nhất Việt Nam - với những công trình kiến trúc đồ sộ như cổng tam quan, tháp chuông, chùa Phật bà, chùa Pháp chủ, chùa Tam Thế… Tận mắt chứng kiến các công trình trên, nhiều kiều bào đã phải trầm trồ ngạc nhiên và thán phục.
 
Ông Lý Hi Uyên - hậu duệ đời thứ 31 của vua Lý Thái Tổ - chia sẻ cảm xúc: “Về tham dự Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội lần này, được thăm cố đô Hoa Lư, tôi vô cùng tự hào và vinh dự là một người con trong dòng tộc tiên đế nước Việt xưa”. 
 

Hôm nay 4/10, đoàn kiều bào tiếp tục tham quan Đền Đô và 1 số khu di tích danh thắng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh; tiếp theo là đi Quảng Ninh tham quan Vịnh Hạ Long, sau đó sẽ trở về Hà Nội để chuẩn bị tham gia buổi tổng duyệt tại Quảng Trường Ba Đình.

Quốc Đô - Anh Thế